- Đông đảo bạn đọc đều: “Rùng mình trước dấu hiệu sóng tăng giá mới”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Sao giá hàng thiết yếu tăng nhanh thế?


Thắc mắc của Lê Mạnh Hùng, email hunglekt2012@yahoo.com.vn: “Xăng, dầu, điện, nước, gas ai cũng biết là hàng thiết yếu. Vậy sao giá lại tăng nhanh và mạnh thế nhỉ? Hình như có gì đó mà cấp ‘thảo dân’ không hiểu được, chỉ biết kêu trời, nhưng trời xa quá”!

Email hoangld2397@gmail.com than thở: “Dân chúng mệt mỏi lắm rồi, vì đủ thứ điện, nước, xăng… đều tăng giá. Lương thì được vài triệu đồng, làm gì cũng thiếu trước, hụt sau…”

Giọng email Dinhtrong_pham@yahoo.com đồng điệu: “Cứ đà tăng giá thế này, mức sống, sinh hoạt của người dân lại trở về những năm 1990 thôi! Ôi những người nghèo vẫn hoàn nghèo”!

Thanh Hà, email haxd705@yahoo.com phụ họa: “Xăng tăng, điện tăng, nước tăng, những người dân lao động đi thuê nhà thì bị chủ nhà ép tăng giá nhà! Thật khổ hết nỗi”!

Chia sẻ của Tuấn Anh, email type317@gmail.com: “Giờ mỗi lần cầm thẻ ATM rút lương về ra chợ có cảm giác như… bị móc túi”.

Rùng mình vì hàng gì cũng tăng giá (Ảnh minh họa)
Câu hỏi của email trungtin34@gmail.com: “Người dân cứ như bị ‘móc túi’ bởi tăng giá. Vậy thực sự cuối cùng là tiền sẽ chảy vào túi ai”?

“Không thể hiểu lúc nào cũng than ‘lỗ’ mà đua nhau mở cây xăng, đua nhau xin vào làm ngành điện. Do tăng giá những mặt hàng thiết yếu như vậy dẫn đến người nghèo càng tăng”. Đó là ý kiến email nvchuong47@yahoo.com.

Nhận xét của email thang_thuy52@yahoo.com: “Tôi thấy những năm gần đây đời sống của đại đa số nhân dân ngày càng trở nên khó khăn thêm. Ngẫm lại cách điều hành quản lý, tôi thử hỏi người dân còn loại thuế, phí gì chưa đóng mà ngành xăng dầu phải đóng thuế, phí hộ chúng tôi? Chưa kể những loại thuế bất hợp lý (thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng). Vậy mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng vẫn kêu ‘lỗ’?

Hồ Ngọc Cẩm, email camtcnd@gmail.com: “Những mặt hàng thiết yếu đua nhau đòi tăng giá vì… ‘lỗ’. Có thật ‘lỗ’ không khi mà thu nhập của những người làm trong những ngành này cao hơn rất nhiều so với những ngành khác. Người dân không thể không sử dụng xăng, điện, gas nên cứ phải gồng mình lên chịu đựng. Quả đúng là vài năm trở lại đây cuộc sống rất khó khăn”.

Lê Thanh Bình, email dinhhoitb@gmail.com ‘nói mát’: “Nếu có tăng giá xăng lên 30.000 đồng một lít thì doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, chứ đừng nói 24.000 đồng như bây giờ, mà không biết kinh doanh xăng dầu lỗ hay là do kinh doanh các mặt hàng khác lỗ lại đổ cho xăng dầu đây? Chỉ khổ những người dân mà thôi. Tôi nghĩ có khi người dân nên chuyển sang dùng xe đạp như ngày xưa là tốt nhất. Giá cả leo thang, dân chắt chiu từng đồng, còn mấy ông doanh nghiệp có mấy khi nghĩ đến dân đâu? Mong nhà nước có chính sách phù hợp để dân bớt khổ”.

Email Gnabyl111@yahoo.com nói ‘dỗi’: “Các ‘bác’ xăng, điện, nước… cứ tăng giá thoải mái đi, dân chúng tôi ‘khổ quen rồi’. Đừng có giảm giá, kẻo ‘sướng lại không chịu được’!

Nguyễn Mạnh Dũng, email traiduongpho@yahoo.com lo lắng: “Cứ cái đà này thì ngày càng nhiều tệ nạn sẽ xảy ra. ‘Đói ăn vụng, túng làm liều’ mà”.

Kiến nghị của email star_online89@yahoo.com: “Trong vài năm trở lại đây, tôi thấy cuộc sống dường như khó khăn hơn. Mong nhà nước có chính sách cho người dân có cuộc sống yên ổn”.

Mong nhà nước có những chính sách thiết thực

Bạn Nguyễn Nguyên, email nguyennguyen@yahoo.com.vn nhận xét: “Mọi người chỉ thấy kêu than và báo chí vào cuộc thay lời cho dân. Nhưng chẳng thấy mần mò gì. Nhiều lắm thì thấy ông Thỏa (Cục quản lý giá của Bộ Công thương) lại trả lời mấy câu. Mà từ xưa tới nay, nghe mãi ông Thỏa nói chẳng thấy điều gì mới mẻ, sao không ‘cải tổ’ đi để cho dân thấy được một chút vui lòng”.

Phân tích của Nguyen Manh Ha, email brave_bassini@yahoo.com: “Xăng dầu gần như độc quyền trong ngành năng lượng. Phương tiện công cộng chưa phát triển. Hệ thống hạ tầng cũng kém, an sinh, việc làm yếu. Nhu cầu dân chúng trong tiêu thụ các sản phẩm cần phải đi lại, vận chuyển cần sử dụng năng lượng. Mọi người cũng cố gắng tìm những công việc gần nhà cho tiện, hoặc không phải đi lại nhiều. Chủ doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện cho người lao động làm việc hiệu quả hơn, tránh lãng phí, không thì phải có hỗ trợ xứng đáng hơn. Bộ phận hành chính nhà nước cũng hạn chế quan liêu, tránh cho dân chúng phải đi lại nhiều, vừa lãng phí, tốn tiền mà lại không hiệu quả v.v... Ý thức tham gia giao thông cũng góp phần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng”.

Nguyễn Nhàn, email white_black_082002@yahoo.com nêu ý kiến: “Xin Chính phủ, các Bộ ngành chăm lo, bảo vệ đời sống cho dân, đừng để những mặt hàng thiết yếu thì cứ tăng giá vùn vụt, xăng thì phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi giá các sản phẩm của nông dân thì giảm”.

Tán thành ý kiến trên, Trần Văn Tuân, email trantan357@yahoo.com.vn ‘cụ thể hóa’: “Đề nghị Nhà nước chỉ đạo thật sát sao, nhất là các mặt hàng xăng dầu và điện. Vì đây là 2 mặt hàng tác động lớn nhất đến thị trường”.

Dương Quý Bắc, email duongquybactl@yahoo.com kiến nghị: “Người dân ai cũng mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương chỉ đạo việc kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu minh bạch”.

“Cần nhanh chóng đưa các lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, điện hoạt động theo cơ chế thị trường để có sự cạnh tranh thì mới khắc phục được vấn đề về giá”, đó là ý kiến của email vtmai@gmail.com.

Bùi Tư, email: huongngoclan_082000@yahoo.com nói rõ thêm: “Giá xăng tăng thì tăng 1 lúc rất cao nhưng nếu có giảm giá thì nhỏ giọt, mà lúc nào cũng kêu lỗ, nhưng ai làm ở ngành xăng dầu thì thu nhập lại rất cao. Không chỉ vấn đề giá xăng dầu mà nhiều vấn đề khác trong xã hội đều đáng quan tâm. Mong nhà nước có những chính sách thiết thực để người dân lao động đỡ vất vả hơn chứ không phải ngày càng khó khăn hơn như hiện nay”.

Đề xuất của email hanh_nguyen7975@yahoo.com: “Chính phủ nên xem xét việc mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân, Việt kiều... tiếp cận các ngành điện, nước, xăng, gas tránh độc quyền để người dân bớt khổ vì điệp khúc tăng giá, găm hàng trục lợi”.

Ban Bạn đọc