- Không ngờ tình yêu đẹp, lãng mạn và sâu đậm của chúng tôi lại có kết cục buồn đến như thế này. Tôi không thể có con do biến chứng của bệnh quai bị từ khi còn nhỏ...

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Lúc cầm giấy tờ kết quả khám bệnh, cả tôi và vợ tôi đều khóc rất nhiều. Rồi cô ấy tỏ ra mạnh mẽ và tỉnh táo. Vợ tôi xác định hoặc là chúng tôi sẽ sinh con bằng thụ tinh qua ống nghiệm, hoặc là xin một đứa con bị bỏ rơi về nuôi. Còn nếu như tôi không đồng ý cả hai cách giải quyết đó, chúng tôi sẽ dành tất cả tình yêu thương, sự chăm sóc cho nhau và coi đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc, là ý nghĩa của cuộc sống. Tôi cảm phục sự mạnh mẽ, tỉnh táo và cả sự hy sinh của vợ. 

Cuộc sống của chúng tôi dần ổn định trở lại cho đến khi gia đình biết rõ về bệnh tật của tôi. Một cuộc họp gia đình được tổ chức và bố tôi thay mặt gia đình đưa ra cách giải quyết cho việc vợ chồng tôi. Chúng tôi sẽ nhận đứa con út của anh cả tôi ở quê về nuôi. 

Gia đình tôi rất đông anh em nhưng chỉ có hai anh em trai, tôi là con út cách anh cả tới 15 tuổi, còn ở giữa là 5 chị gái. Anh cả ở quê sinh tới 6 đứa con nhưng làm nông nghiệp vất vả, kinh tế khó khăn, nên các con không được học hành tử tế. Riêng thằng cháu trai mà bố mẹ tôi quyết định cho vợ chồng tôi nhận về nuôi thuộc diện lêu lổng, chơi bời, bất trị từ bé, chưa học hết trung học đã bỏ học. Cả nhà đều nghi ngờ nó hút hít nhưng chưa bắt được quả tang. 

Nghe quyết định của bố, tôi hết sức bất ngờ, nhưng vợ tôi thì không sao chấp nhận được. Cô ấy cho rằng chúng tôi đều đã trưởng thành và có cuộc sống độc lập, việc nhận một đứa con nuôi phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng tình cảm của vợ chồng tôi chứ không phải theo ý muốn của gia đình. Vả lại tại sao chúng tôi lại phải nhận một đứa trẻ hư hỏng của anh chị tôi về để nuôi dạy? Vậy thì trách nhiệm của anh chị tôi đối với con cái ở đâu? Nói tóm lại vợ chồng tôi không chấp nhận lời đề nghị của bố tôi. 

Tức quá, bố tôi nói nên ly hôn để tôi cưới vợ khác. Theo bố, điều kiện kinh tế, địa vị như tôi lấy đâu chả được vợ? Biết ý gia đình vẫn áp đặt, vợ tôi cũng ra điều kiện: nếu tôi có nhu cầu về con cái thì phải chấp nhận cho vợ sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hoặc đi xin trẻ sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi. Còn nếu tôi nghe theo sự sắp đặt của gia đình thì chúng tôi buộc phải ly hôn.

Giờ đây tôi phải chịu sức ép từ hai phía, mà đều là những người tôi yêu thương. Nếu chấp nhận lời đề nghị của gia đình thì hạnh phúc của vợ chồng tôi coi như không còn, nếu đồng tình với vợ thì mất đi tình ruột thịt. Làm sao tôi có sự lựa chọn trong hoàn cảnh này? Thẳm sâu trong lòng tôi cảm phục suy nghĩ sáng suốt, thấu tình đạt lý của vợ tôi. Tôi cũng thấy vô lý khi bắt vợ chồng tôi phải gánh chịu “sản phẩm” chẳng ra gì của anh trai tôi.

Giờ tôi phải làm sao để giữ được sự bình yên trong gia đình lớn cũng như gia đình nhỏ của mình. Tôi không bao giờ muốn mất đi người phụ nữ tôi yêu say đắm ngày xưa. T.H (Hà Nội)

Tư vấn viên chia sẻ:

Anh T. H thân mến! 

Đọc thư anh, tôi cảm nhận được tình cảm của anh dành cho vợ và sự khó xử của anh hiện tại.

Cũng chính vì thông cảm với hoàn cảnh của anh nên tôi lại càng cảm thấy anh thật may mắn khi lấy được một người vợ mạnh mẽ, tỉnh táo và biết hy sinh vì chồng như vậy. 

Tôi thấy, không chỉ riêng anh, mà chính vợ anh cũng chung quan niệm và nhu cầu hạnh phúc, khao khát một đứa trẻ trong gia đình. Tại sao hai người không hợp lại để có thêm sự vững tin mà bảo vệ nhu cầu chính đáng của mình? Vợ anh nói đúng: anh chị đều đã trưởng thành và có quyền tự quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống riêng tư của mình. Chính anh cũng tự cảm thấy “vô lý” khi bắt vợ chồng anh phải “gánh chịu “sản phẩm” chẳng ra gì của anh trai.

Nếu cả hai người đều không muốn nhận đứa trẻ kia về nuôi thì mọi người trong gia đình anh đừng nên áp đặt. Ngay lúc này đây anh hãy nói rõ mong muốn của mình với gia đình. Rất có thể bố anh và mọi người sẽ bất bình, sẽ giận dỗi, thậm chí oán trách anh. Nhưng khi bình tĩnh rồi họ sẽ thấy nên tôn trọng ý nguyện của vợ chồng anh. Có nhiều cách để vợ chồng anh có thể giúp đỡ, có trách nhiệm với mọi người trong gia đình, kể cả đứa cháu bất trị kia.

Chắc anh cũng đồng ý với tôi rằng: Con cái là niềm vui, hạnh phúc của các bậc cha mẹ, song con cái cũng chỉ là một phần của hạnh phúc. Nếu hiện tại anh không có chính kiến của mình, không tự quyết định xem mình phải đi con đường nào cho đúng thì sau này, chắc chắn anh sẽ phải ân hận.

Anh ạ, cuộc sống còn nhiều điều bù đắp để người ta tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc, nếu chẳng may không có con cái.

Chúc cuộc sống gia đình anh, chị mãi bình yên và hạnh phúc!

Chị Ban Mai

Gặp phải các tình huống tâm lí khó xử, bạn có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia để tư vấn giúp bạn.