- Mới cách đây 1 tuần, con tôi (10 tuổi) có đánh nhau với một bạn trong lớp. Do hai đứa trẻ có mâu thuẫn rồi cãi cọ dẫn tới xô xát đánh nhau. Trong quá trình đánh nhau xô đẩy thì bạn học cùng lớp con tôi bị té và gẫy tay.

TIN BÀI KHÁC

Chúng tôi đã tới gia đình bé bị gẫy tay để hỏi thăm động viên và nói sẽ thanh toán toàn bộ viện phí nhưng phía gia đình nạn nhân không đồng ý. Họ yêu cầu gia đình tôi bồi thường toàn bộ tiền viện phí và 10 triệu đồng tiền bồi bổ sức khỏe. Nếu không họ sẽ kiện ra tòa, nếu họ kiện thì bé nhà tôi sẽ như thế nào? Bạn đọc Hoàng Nam (Gò Vấp, TP.HCM)

(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Trường hợp trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường.

Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Theo quy định này, nếu đứa trẻ bị gãy tay có mâu thuẫn, cãi cọ, tham gia xô xát đánh nhau với con bạn, thì đứa trẻ bị gãy tay cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại và con bạn chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại (bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có);

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo những khoản trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…). Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp này pháp luật luôn tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Nếu gia đình nạn nhân khởi kiện thì bạn và vợ hoặc chồng bạn là bị đơn dân sự chứ không phải con bạn (do con bạn dưới 15 tuổi) và bồi thường toàn bộ thiệt hại thay cho con. Nếu tài sản của bạn và vợ hoặc chồng bạn không đủ để bồi thường mà con bạn có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Tư vấn bởi luật sư Trương Bạch Thủy, Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).