- Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet sau khi đọc bài: Đại chiến' giảm giá căn hộ 

TIN BÀI KHÁC


(ảnh minh họa)

Giảm giá là tất yếu

Email NH@GMAIL.COM phân tích: Hiện nợ xấu của doanh nghiệp là 200.000 tỷ, nợ xấu bất động sản 400.000 tỷ, chưa tính các doanh nghiệp vay kinh doanh, nhưng thực chất là đầu tư bất động sản, tài sản thế chấp của doanh nghiệp phần lớn lại là bất động sản, do vậy nợ xấu bất động sản có lẽ cũng không dưới 600.000 tỷ (30 tỷ đô). Nếu tính giá 1 căn hộ từ 500 triệu đến 1 tỷ, sẽ có 600.000 đến 1,2 triệu căn. Từ trước đến nay, bất động sản được mua đi bán lại bởi các nhà đầu cơ, nguồn tiền từ ngân hàng, giá được thổi lên sau mỗi lần giao dịch, nguồn tiền thi nhau đổ vào ‘nghĩa địa bất động sản’, đến một lúc nào đó như hiện nay ngân hàng buộc phải rút tiền về, các doanh nghiệp XD chỉ có vốn từ 10-20%, ‘bong bóng BĐS’ không nổ lớn sao được?

Nhìn nhận của Tuan Dung, email Dungtuan985@yahoo.com.vn: Cho đến thời điểm này thì phải nói thật rằng những năm qua, hệ thống ngân hàng và hệ thống bất động sản của VN đã hút quá nhiều tiền của nhân dân. Và cho đến bây giờ vẫn đang tiếp tục. Qua đây có thể thấy, công tác quản lý quá yếu kém và hệ thống văn bản pháp luật của nước nhà còn nhiều sơ hở, kém hiệu lực đối với ngân hàng và bất động sản. Người dân đã quá sức chịu đựng với cách thao túng, vì lợi ích nhóm của một số nhóm người này rồi. Hãy để cho thị trường tự điều chỉnh về giá trị thực của nó.

Trần Lâm Tuyền, email trantuyen.namdinh@gmail.com phụ họa: Đây chính là thời điểm những kẻ làm ăn cơ hội ‘chết’, còn các đại gia BĐS không chịu giảm giá sâu mà nằm chờ cơ hội, thì rồi cái ‘bong bóng’ nổ sẽ ‘giết’ họ. Với tình hình kinh tế khó khăn, giá cả không ổn định, người mua chịu khổ một tý, hãy khoan mua nhà để được an toàn.

Huy Hồ, email lenhhokkb@gmail.com hùa theo: Từ trước đến giờ, chúng ta đã chứng kiến những người kinh doanh nhà đất ăn nhậu, vứt lon vứt chai thì bây giờ cứ để họ… tự dọn. Ngân hàng cũng vậy. Đề nghị nhà nước không can thiệp vào. Đây là thời điểm của kinh tế thị trường.

Thái độ ‘dứt khoát’ của Hoàng Cao Chí, email: hoangchi1978@gmail.com: Không nên mua nhà trong lúc này. Giá nhà hiện nay vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam. Không có lý do gì thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng 1/20, 1/40 của người dân Mỹ mà giá nhà ở Việt Nam lại cao hơn cả ở Mỹ.

Bạn Kiên, email kienspeed@gmail.com sau khi khẳng định “giá giảm là tất yếu, thị trường phải tuân theo quy luật cung cầu” thì dự đoán: “Đến quý II/2013 giá sẽ giảm thêm 30% so với bây giờ để chạm đáy, và tiếp tục giảm thêm từ 20-30% nữa để xuyên đáy, khoảng quý III/2014 mua nhà là chuẩn”.

“Bây giờ nếu giảm giá căn hộ khoảng 50% thì mới có nhiều người mua. Còn nếu chỉ giảm vài ba phần trăm ‘cho vui’ thì… đừng hòng có người mua, vì người cần nhà ở thực sự đâu có nhiều tiền”, đó là ý kiến của email dinhtoan1978@yahoo.com.

Còn tiến độ, chất lượng và dịch vụ?

Email henry.nguyenthach@gmail.com chia sẻ: Gia đình tôi và rất nhiều người như tôi hiện đang phải đi thuê nhà để ở. Tôi rất mong đợi việc giảm giá lần này để những người như chúng tôi có cơ hội mua được nhà ở.

Lo ngại và đề xuất của email thanhsonpvc@gmail.com: Giảm giá là tất yếu, nhưng quan trọng là tiến độ và chất lượng. Giờ rất nhiều dự án bị bỏ dở, khiến cho nhiều khách hàng đã góp tiền rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, gần như mất trắng mà không cơ quan chức năng nào bảo vệ cho họ. Do vậy cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, sự cam kết của ngân hàng đối với các chủ đầu tư bên cạnh việc giảm giá, thì mới lấy lại được niềm tin của khách hàng.

Email vietchautin08@gmail.com lại băn khoăn ở góc độ khác: Đi đôi với giảm giá, cái quan trọng nhất mà người tiêu dùng cần là chất lượng dịch vụ sau khi mua. Nếu giảm giá đến quá 50% đi nữa, do chủ đầu tư xả hàng bằng mọi giá để thoát khỏi thị trường BĐS, thì còn ai ở lại để đảm bảo dịch vụ của căn hộ đã bán? Nhìn vào những chung cư cao cấp ở Hà Nội, lâu lâu lại bị cúp nước, bà con mang xô đi lòng vòng ngoài đường xin nước, người tiêu dùng nào mà dám tin vào dịch vụ của các ‘ông BĐS’ nữa? Bình thường đã như thế, khi thị trường đi xuống, chủ đầu tư nào cũng muốn tháo chạy thì người tiêu dùng càng nghi ngờ về một viễn cảnh bán đổ bán tháo, để những người mua ôm xô luôn những căn hộ không còn điện, nước, bảo trì!

Một thực tế làm Nguyễn Minh, email nguyenminhbkhc@yahoo.com lo lắng: Bạn tôi năm 2010, ‘măy mắn’ bốc thăm mua được căn hộ tại khi đô thị Dương Nội của tập đoàn Nam Cường với giá gốc 23 triệu/m2. Giờ nhà chưa nhận được, giá nhà lại giảm mạnh, bạn tôi đang hy vọng tập đoàn Nam Cường có thể tính toán hạ bớt giá bán để tránh thiệt thòi cho những khách hàng đã nộp tiền mua từ 2 năm nay với giá ‘trên trời’.

BĐS Việt Nam vài năm trước vận hành không theo một quy luật nào, quản lý nhà nước lỏng lẻo, chủ đầu tư tầm nhìn ngắn hạn, không có chiến lược kinh doanh, tiếp tay cho đầu cơ thao túng nhằm vơ vét tiền bạc của khách hàng. Giờ, tôi tin giá BĐS sẽ còn tiếp tục giảm thì mới đúng giá trị.

Email mt@gmail.com bộc lộ tâm trạng: Bây giờ người có đủ tiền và cần nhà thực sự cũng không mua, vì tâm lý lo ngại mua nhà xong mà giá BĐS lại giảm thì hóa ra… dại. Chính vì vậy, người mua cứ tiếp tục chờ đợi... và chờ đợi.

Nguyễn Văn Thương, email thuongnv0103@yahoo.com.vn mong mỏi: Các nhà quản lý có chính sách phù hợp để gia đình trẻ như vợ chồng tôi ổn định chỗ ở cho con cái học hành. Giá nhà vẫn còn cao quá. Chúng tôi là những người có nhu cầu thực, nhưng rất khó tiếp cận và mua được giá tốt từ chủ đầu tư, nên giấc mơ có nhà Hà Nội vẫn còn xa vời. Ước ao của email noinhammm@gmail.com: Nếu nhà vừa cho trả góp thời gian dài, vừa có chất lượng tốt thì quá tuyệt. Không biết bao giờ mới được như vậy?

Ban Bạn đọc