- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài “Bất động sản nghi ngờ và tố nhau bán phá giá". Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Một nhà đầu tư BĐS giảm giá, mấy ‘ông trùm’ đòi phải ‘chế tài’

Lời ‘cảnh báo’ của email November_03rd@yahoo.com.vn: Bản thân tôi làm bên quản lý dự án, tôi có thể hiểu giá thành tính toán nên 1m2 sàn xây dựng không thể có giá 10tr/m2 nếu không có sự ưu đãi đặc biệt của nhà nước. Còn dự án Đại Thanh, công ty không trụ nổi nên mới phải ‘bán phá giá’ với 10tr/m2. Những ai tham rẻ, liệu có biết chủ đầu tư dự án Đại Thanh có đủ tiềm lực không? Liệu có phải sắp phá sản nên mới phải bán giá rẻ không? Hay là cứ bán giá rẻ để thu được tiền, còn thì… tính sau? Còn chất lượng, với giá 10 tr/m2, có thể vài năm tường mốc, nền rộp, chung cư xuống cấp, không thang máy, công trình kết cấu có bền vững không? Quan trọng là tiến độ bàn giao nhà, càng ngày chi phí vật liệu, nhân công càng cao. Mọi người hãy cẩn trọng đừng ham của rẻ.

Email truongdangcpim@gmail.com than phiền từ một góc độ khác: Còn rất nhiều người nghèo, ước ao có một ngôi nhà nhỏ, một mái ấm cho gia đình mà xa vời biết nhường nào? Mấy hôm trước, sau khi tính toán vay mượn kỹ lưỡng, vợ chồng tôi xuống sàn Đại Thanh định tìm một căn hộ khoảng 40m2 (nghe nói có 10tr/m2). Vào sàn thì thấy toàn cò là cò, nhưng giá chênh tới 60 -85 triệu đồng. Choáng! Hai vợ chông tôi ra về trong nỗi buồn và sự ấm ức. Đành an ủi nhau rằng đang còn rất nhiều người giống như vợ chồng tôi!

Ảnh minh họa
Ý kiến của bạn Nguyễn Kim Thịnh, email nguyenthinh82@yahoo.com lại khác: Bản thân tôi công tác tại Hà Nội 10 năm nay, dành dụm được ít tiền nên đã mua chung cư tại khu đô thị Đại Thanh. Nếu không có những doanh nghiệp như DN của ông Lê Thanh Thản, chắc cả đời tôi không mua được nhà tại Hà Nội. Tôi thật sự không hiểu những người như đại diện Vinaconex Xuân Mai, ông Đặng Hoàng Huy, ông Đoàn Châu Phong, đại diện Vinaconex....là người làm cho các công ty nhà nước, được hưởng ưu đãi đầu tư như đất đai, nguồn vốn ngân hàng, pháp lý…nhưng lại không thể xây dựng được căn hộ giá rẻ như doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản, một doanh nghiệp tư nhân không được hưởng nhiều ưu đãi? Thiết nghĩ nhà nước nên để doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đứng ra xây dựng các chung cư cho người thu nhập thấp.

Nguyễn Quang Trung, email trunghnne1976@gmail.com cũng tán đồng: Tôi và đông đảo nhân dân hoàn toàn ủng hộ việc bán giá nhà thấp như vậy. Chẳng cần cao siêu gì, một bà đi chợ cũng có thể tính ra được những ông trùm bất động sản lãi khủng như thế nào và chi phí cho một m2 xây dựng là bao nhiêu. Tại sao trong Sài Gòn loại nhà bán 10triệu /m2 nhiều như thế mà chẳng ai có ý kiến gì, mà ở Hà Nội một nhà đầu tư BĐS giảm giá là mấy ông trùm BĐS đòi phải có chế tài nọ, chế tài kia để ‘chống phá giá’? Đề nghị UBND TP. Hà Nội có chế tài và phạt nặng những ông trùm BĐS tại Hà Nội bán giá nhà cao ngất ngưởng so với Sài Gòn.

“Thế nào là ‘phá giá’? Hình như đây là một khái niệm thuộc về Luật. Vậy những người phát ngôn phải thận trọng. Không có nghĩa là bà này bán rẻ bó rau hơn bà kia để về sớm mà đã gọi là phá giá”, đó là ý kiến của Hoàng Vĩnh Nguyên, email vifolklore@yahoo.com.vn.

Doanh nghiệp bán nhà đúng giá trị thật, cơ quan quản lý cần ủng hộ

Theo bạn Nguyễn Văn Trung. email vantrung7882@yahoo.com.vn thì: Đây là tín hiệu tốt, mấy ông lãnh đạo doanh nghiệp kêu loạn lên nhờ nhà nước can thiệp chứng tỏ các ông ‘có tật giật mình’ quen lợi dụng chính sách của nhà nước để ăn dầy. Chính xác nhất hãy kiểm tra doanh nghiệp làm có đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, thi công có theo đúng thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt là xong. Chính Thủ tướng nói xây nhà ở xã hội còn chưa tới 5 triệu đồng/m2 kia mà. Còn doanh nghiệp bán nhà đúng giá trị thật thì cơ quan quản lý phải ủng hộ chứ sao lại cứ bắt bẻ?

Lý Quốc Việt, email lyquocviet_xd@yahoo.com phụ họa: Nhà nước muốn kéo giá nhà xuống gần với mức thu nhập của người dân, bây giờ giá giảm thì tố nhau bán phá giá, thật ngược đời. Chất lượng có tương xứng với giá công trình hay không hãy để khách hàng quyết định và chọn lựa sản phẩm hợp túi tiền. Thử hỏi những công trình giá cao hay nhà ở xã hội hiện nay, ai bảo đảm sản phẩm đúng là chất lượng cao?

Tán đồng của email xuanson6@gmail.com : Việc bán nhà cho người dân giá càng thấp càng tốt. Nay thấy có doanh nghiệp bán giá thấp, nhiều doanh nghiệp khác lại hùa nhau gây khó như đòi kiểm tra chất lượng... là nghĩa làm sao? Cơ quan nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp bán giá thấp mới đúng là nhà nước của dân, chứ làm ngược lại hóa ra nhà nước là của nhóm người kinh doanh bất động sản sao?

Phạm Ngọc Hùng, email airserco_hcm@yahoo.com hùa theo: Ngăn chặn bán ‘phá giá’ BĐS phải chăng là ý đồ của nhóm lợi ích? Còn người dân đang mong chờ bán ‘phá giá’ để có thể mua nhà với giá trị thực và phù hợp với thu nhập của mình.

Email dinhchien01@yahoo.com ‘nói mát’: Thưa mấy ông quản lý, thưa mấy ngài chủ đầu tư. Phá giá hay không thì tùy các ngài quyết định. Trước đây bán giá trên trời, dân nghèo rên xiết thì không thấy ai đề xuất việc không cho bán giá cao. Còn mấy vị có tiền thì cứ đầu tư ầm ầm, mua đi bán lại kiếm lợi cả núi tiền. Trong khi dân nghèo không có dù chỉ vài mét vuông để thở. Bây giờ một là ‘chết’, hai là phải hạ giá thì lại có ý kiến không cho hạ giá. Các ngài cứ ngồi đó mà bàn cãi, mà yêu cầu, mà kêu cứu, rồi… ôm nhau mà ‘chết’ cả đám, quyết không cho anh nào sống một mình! Dân nghèo chúng tôi cũng không vội vàng mua bất động sản bây giờ đâu. Vì với chúng tôi, giá đó vẫn còn trên trời, mà chúng tôi thì lấy đâu ra tiền?

Tran Tien, email hopmail@gmail.com cho rằng: Giá càng giảm càng tốt! Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng không nên ‘hùa’ theo các nhà đầu tư BĐS, mà nên quản lý chặt chất lượng của các công trình này cho người dân chúng tôi được nhờ và cứ để cho BĐS vận hành theo cơ chế thị trường, tránh áp đặt.

“Tốt nhất là bỏ ngay kiểu huy động vốn theo kiểu đầu tư góp vốn vì nó dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Một là khi có tiền rồi, chủ đầu tư (CĐT) cố tình chây ì không hoàn thành tiến độ. Hai là chất lượng công trình phụ kém vì khi đã đưa tiền rồi coi như hàng đã được bán và khâu giám sát chất lượng cũng xem nhẹ, nhà ở lâu ngày rồi bị ngấm dột, lẽ ra ở được 20 năm nhưng thực tế chỉ ở được 15 năm. Ba là không có cơ sở gì ngăn chặn chủ đầu tư dùng tiền góp vốn của khách hàng không đúng mục đích và tiến độ công trình. Để làm được điều này nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ cho người có nhu cầu thực sự về nhà ở như cho vay tiền ngân hàng từ 15 năm đến 20 năm như ở các nước phương Tây và khu vực ĐNA, không để ngân hàng nhũng nhiễu. Tốt nhất là chúng ta nên mua sản phẩm đã hoàn thành”, đó là ý kiến của bạn Nguyễn Hữu Kỳ, email huuky78@gmail.com.

Ban Bạn đọc