- Em trai em sinh năm 1993, vì một phút nông nổi mà đã sa vào vòng lao lý pháp luật, bây giờ đang bị tạm giam tại UBND Quận Gò Vấp, Hồ Chí Minh.

TIN BÀI KHÁC

(Ảnh minh họa)
Ngày 03/10/2012 nó đã lấy 1 chiếc laptop của bạn ở trong phòng nhưng chưa tiêu thụ. Máy tính đó giờ công an Quận Gò Vấp đã tịch thu lại, bên bị hại đã làm đơn xin bãi nại không truy xét nữa, nhưng công an vẫn bắt tạm giam chờ ra tòa xử lý. Gia đình em đã làm đơn xin bảo lãnh chờ khi tòa triệu tập em trai em sẽ có mặt đúng theo thời gian tòa án yêu cầu, nhưng công an Quận Gò vấp không cho, nói do em trai em ngoại tỉnh không cho bảo lãnh.

Vậy người thân của gia đình ở Hồ Chí Minh có bảo lãnh cho em trai của em được không? Em trai em đã tạm giam hơn 1 tháng rồi, bây giờ em phải làm thế nào để xin được bảo lãnh em trai em ra chờ tòa giải quyết?

Trong thời gian tháng 01 này là em trai em đi du học ở Nhật Bản, nếu không đi học cũng phải bồi thường Hợp Đồng cho nhà trường. Bây giờ gia đình em rối quá không biết phải tính sao? tuyethoa.hoqn@...

Luật sư tư vấn:

Căn cứ khoản 1 điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định về bảo lĩnh thì: 

Điều 92. Bảo lĩnh

1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.

4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Như vậy, trong trường hợp của bạn thì để được bảo lĩnh thì ngoài bạn ra cần phải có ít nhất một người thân thích của em trai bạn nữa, những người này phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Khi có đơn yêu cầu bảo lĩnh thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và tình trạng nhân thân của em trai bạn để đưa ra quyết định có đồng ý cho được bảo lĩnh hay không. Trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận việc bảo lĩnh thì bạn có quyền khiếu nại đến chính cơ quan ra quyết định đó.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).