- Sau khi đọc bài ‘DNNN thua lỗ ngàn tỷ vẫn xếp hạng A’, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet bày tỏ thái độ bức xúc.

TIN BÀI KHÁC:


Danh nghĩa nhiều người quản, thực chất có ai quản đâu?

Tâm trạng của Nguyễn Gia Lộc, email nguyengialoc2002@yahoo.com: Xem bài báo mà thấy buồn ghê gớm! Tình hình bài báo nêu thì chẳng khác gì trong truyện Trạng Quỳnh có câu ‘…cấm thằng nào bảo thằng nào’! Quản lý DNNN như thế thì làm sao đất nước phát triển được? Các bác phát biểu trên báo như thế đã là tốt rồi, nhưng các bác có báo cáo cho Quốc hội, Chính phủ biết và có tiếp tục đôn đốc các cơ quan này có sự quan tâm hiệu quả không? Bởi vì, nếu không thì nước lại đổ đầu vịt đấy. Phát hiện ra vấn đề đã là khó nhưng thế là tốt rồi, mong các bác cố gắng tiếp tục theo đuổi bằng được việc sửa chữa các thiếu sót trên.

Bạn Ngọc, email nbfg@gmail.com bổ sung: Quản lý DNNN mà lại không có tiêu chí kiểm soát thì thật sự tôi không tin nổi. Hơn nữa, lại không ai chịu trách nhiệm thì không thể chấp nhận được! Chẳng lẽ lỗi do người dân chúng tôi sao? Hay là cứ nhận lỗi cho xong đi, miễn sao, chức không mất mà tiền túi cứ phình ra là được, trong khi khó khăn lắm mới có tiền để tăng lương cho hàng chục triệu người đang oằn mình chịu khổ.

Nhìn nhận của Lê Mạnh Hùng, email hungle0896@yahoo.com.vn: Mấy cái tập đoàn, ngay từ khi thành lập, trên danh nghĩa có nhiều người quản lắm. Nào là thanh tra, kiểm soát, kiểm toán, Bộ, ngang Bộ…nhưng thực chất có ai quản đâu? Lại vì ‘thí điểm" nên tha hồ tung tác, có sao thì… rút kinh nghiệm, thế là xong.

Ảnh minh họa
Bạn Phuc, email phucnqvyy@gmail.com phụ họa: Vấn đề là DNNN làm sai, cơ quan giám sát kiểm tra làm sai, nhưng cơ quan quản lý cấp trên không xử lý nghiêm minh cả 2 đối tượng này, vì… cũng cố tình làm sai nốt! Chỉ khổ công nhân thôi, làm việc cả tháng trời, lĩnh lương thì trừ hết khoản nọ đến khoản kia.

Góc nhìn của Đặng Công Hiệp, email xvxmtd@gmail.com: DNNN ai cũng biết là yếu kém nhưng vẫn tồn tại vì sao? Chỉ có dân khổ là mãi, khổ thêm nữa cũng không sao!

“Chúng ta thấy DNNN hiện nay là mô hình thu nhỏ của cơ chế bao cấp đã qua”, đó là ý kiến của Nguyễn Khuyến, email dangkydd@gmail.com.

Cần tuyển người tài, quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm cụ thể…

Nhận xét của Vi Tieu Bao, email tieubao141@yahoo.com: DNNN toàn con ông cháu cha, con ông này bà nọ, toàn người một nhà hoặc vài nhà, làm sao kiểm tra kiểm soát cho hiệu quả, làm ăn kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi, có hậu quả thì đùn đẩy, chả phải trách nhiệm của tôi. DNNN cần tuyển dụng người tài, quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm cụ thể thì may ra DNNN làm ăn mới có hiệu quả, xứng đáng là quả đấm thép của nền kinh tế được.

Theo bạn Nguyên Dương, email drnduong@yahoo.com thì: Tại DNNN, các lãnh đạo hưởng lương cao, quyền hạn lớn nhưng lại không chịu trách nhiệm gì, trách nhiệm giám sát lại giao cho những người hưởng lương thấp, dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và giám sát quản lý.

Nguyễn Quang Thái, email quangthai41@gmail.com.vn phụ họa: Giao một đống tài sản của nhà nước cho một số người không có trách nhiệm với tài sản ấy nắm giữ, thì nhất định là họ vơ vét thôi. Tôi rất bất bình với những cán bộ này, càng có cách giải quyết sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Trần Đình Trường, email trandinhtruong@yahoo.com là doanh nghiệp tư nhân góp ý: Việc dự báo doanh thu và kinh doanh của DNNN theo bài báo là quá yếu và yếu nhất là khâu quản trị. Có lẽ do chưa gắn trách nhiệm của người lãnh đạo, điều hành vào kết quả kinh doanh và đầu tư nên mới xảy ra như vậy. Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi chỉ 1 tháng thấy doanh thu sụt giảm lập tức điều chỉnh ngay quỹ lương, thưởng. Nên chăng nhà nước cần xem xét lại cơ chế quản lý, nếu không sẽ còn nhiều DNNN theo vết xe đổ này. Thay đổi cơ chế quản lý là quan trọng, cũng như trước đây chúng ta có cơ chế khoán 10 trong nông nghiệp đã tạo nên chuyển biến từ một nước nhập khẩu gạo thành một nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới.

Nhìn nhận của Doãn Ngọc Thảo, email thao8525572@gmail.com: Theo tôi, những yếu kém, thua lỗ, thất thoát ở các DNNN kéo dài nhiều năm qua, có liên quan đến công tác thanh tra giám sát. DNNN nào hàng năm cũng phải đón tiếp vài đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thế nhưng họ đến rồi đi với những báo cáo ‘đẹp’ cả đôi đường, để rồi càng ngày cái ‘nhọt’ nó càng to ra sắp tới lúc vỡ rồi. Vậy mà những người làm công tác này cứ giàu lên bất thường, sống vô tư trên nỗi khổ của dân. Đã đến lúc chúng ta cần phải gắn trách nhiệm của họ với những yếu kém, thua lỗ, thất thoát ở các DNNN.

Nguyễn Thanh Đức, email thanhduc@gmail.com bổ sung: Sự kiêm nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn (chủ tịch HĐQT) và đồng thời là Tổng giám đốc, giám đốc DNNN, là một nguyên nhân cơ bản làm cho công tác giám sát không có hiệu quả (bị vô hiệu hóa). Xin liệt kê sơ bộ 6 trọng bệnh sau: Bệnh quan liêu của Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT(duyệt kế hoạch lao động, tiền lương DNNN); bệnh thành tích và bệnh trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu DNNN; bệnh lợi ích cục bộ của từng DNNN; bệnh gian dối (làm dở báo cáo hay) và bệnh tham nhũng.

Email tienld1984@gmail.com đề xuất: Tôi thấy nhà nước cần cải cách mạnh bộ máy các DNNN. Nên tư nhân hóa các DNNN này và nhà nước nắm khoảng 20%-30% cổ phần thôi để thu hút doanh nhân làm việc. Tôi nghĩ nhà nước chỉ nên tập trung mạnh vào một số ngành thiết yếu ảnh hưởng đến trực tiếp đa số người dân, an ninh lương thực. Còn các ngành khác nên cổ phần hóa. Không nên ôm hết rồi để lỗ lại lấy tiền của dân ra bù lỗ.
“Phải có luật của Nhà nước, Chính phủ là của dân, vì dân thực sự; các hạng mục đầu tư phải ‘tay chặt xuống chân’ để hạn chế tối đa tham nhũng, lãng phí, thì DNNN mới hiệu quả”, đó là ý kiến của email dagiang954@gmail.com.

Ban Bạn đọc