Nhóm đáng lo ngại nhất hiện nay là nhà đầu tư đất nền đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà (phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng với tỉ lệ % lớn). Chỉ cần có sự thay đổi chính sách thị trường nhà đất thì những nhà đầu tư, nhất là nhỏ lẻ đang sử dụng đòn bẩy tài chính có thể bị tác động mạnh và trực tiếp.
Đây là một trong những khuyến cáo của Savills Việt Nam về tình trạng sốt đất trên diện rộng đang diễn ra tại nhiều địa phương. Cũng theo đơn vị tư vấn này, mối lo ngại về những hệ lụy của hiện tượng này đang trở nên rõ nét. Thế nhưng, đằng sau sự sôi động đến chóng mặt vẫn có những phương thức để lựa chọn đầu tư trở nên an toàn nhất có thể.
Đất “sốt” từ nhu cầu thật
Ông Sử Ngọc Khương, Giám Đốc Đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng, so với cách đây khoảng hơn nửa năm, giá đất tại nhiều địa phương đã có những biến động đáng kể. Mức tăng giá trong thời gian vừa qua có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, trong đó có sự đẩy giá của các thành phần môi giới. Còn ở góc độ người tiêu dùng nhu cầu ở của người dân là có thật.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2 - 3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến TP.HCM sinh sống và làm việc nên có nhu cầu về nhà ở và sự cố cháy nổ một số chung cư gần đây cũng là yếu tố dịch chuyển đầu tư sang nhà gắn liền với đất. Bên cạnh đó thì tích lũy của người dân nhiều hơn và nhà đất đang trở thành một loại hình “của để dành” đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng.
Ngoài ra, để hình thành một đơn vị nhà ở, giá đất chiếm từ 40-60% và như vậy nếu giải quyết được chi phí đất thì sẽ có sản phẩm hợp túi tiền cho người dân. Tuy nhiên, từ khi có ý tưởng đầu tư đến tạo ra sản phẩm kéo dài từ 3-5 năm hoặc dài hơn. Với cú hích hạ tầng mạnh mẽ tại TP.HCM giai đoạn 2015-2016-2017, việc tăng giá đất là diễn biến gần như tất yếu.
Cũng theo ông Khương, hầu như quy hoạch tổng thể cho tỉnh thành về khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp sản xuất kinh doanh… đều khá rõ ràng. Như vậy, đối với vai trò quản lý nhà nước hiện tại thì hoàn toàn có thể hạn chế bớt việc tận dụng mục đích sử dụng đất ở các khu vực không được phép chuyển đổi công năng. Tuy nhiên, động thái này cần được triển khai sớm với sự tính toán kỹ lưỡng, quyết liệt hơn và cần phổ biến rộng rãi hơn nữa để người dân hiểu rõ hơn.
Tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn
Theo đánh giá từ bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills Việt Nam, việc giá đất tăng hiện nay được hội tụ bởi nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô, xuất phát từ cả nhu cầu để ở và nhu cầu đầu tư ngày càng tăng của người dân. Điểm tích cực là nhu cầu nhà ở của người dân được đa dạng hóa và tính thanh khoản cao. Mặt tiêu cực là dù không hẳn là cơn sốt ảo, nhưng mặt bằng giá tăng lên sẽ hạn chế sự lựa chọn cho người mua với khả năng tài chính hạn chế.
Theo dữ liệu thị trường thứ cấp của Savills, tính đến thời điểm Q1/2018, tại các quận có quy hoạch tốt, giá bán đất nền tăng 5%-15% theo quý và 15%-25% theo năm. Mức tăng này được nhận định nằm trong ngưỡng an toàn, song song với sự phát triển của thị trường nói chung.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills TP.HCM, cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến cho giá đất tại TP.HCM tăng mạnh trong thời gian qua.
Nguyên nhân thứ nhất đến từ những tín hiệu vĩ mô từ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, sự tăng trưởng mạnh tầng lớp trung lưu dẫn đến nguồn vốn cho đầu tư và nâng cấp nhà ở được cải thiện. Ngoài ra, sự đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng mới của thành phố đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt tại các khu vực được quy hoạch tốt và có tính kết nối tốt từ cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân thứ hai đến từ nhu cầu mua đất làm tài sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng của người dân địa phương. Tính thanh khoản cao, giá trị đầu tư đa dạng từ nhỏ đến vừa, tâm lý mua đất như một “kênh an toàn” dẫn đến nhu cầu cao cho loại hình này.
Bà Trang cũng cho rằng, với sự hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô và đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tích cực, thị trường bất động sản liền thổ vẫn sẽ được kích cầu trong thời gian tới. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn của kênh đầu tư này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra, có thể đưa mặt bằng giá đi lên trong những tháng tới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn những khu vực có vị trí và quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để tránh sự trục lợi từ các đối tượng đầu cơ. Không nên ưu tiên lợi nhuận, xem nhẹ giá bán và tính pháp lý dẫn đến rủi ro cao. Đòn bẩy tài chính không nên sử dụng trong lúc thị trường đang tăng giá, hoặc chỉ nên hạn chế ở mức thấp nhất.
“Đối với người mua để ở, lựa chọn kỹ lưỡng về vị trí, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và pháp lý nên được xem xét. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, có thể trì hoãn để quan sát, thăm dò, định giá, tìm chuyên gia tư vấn pháp lý, sau đó mới đưa ra quyết định”, bà Trang khuyến cáo.
Quốc Tuấn
Sốt đất nhiều nơi, ‘bong bóng’ bất động sản to cỡ nào?
Hiện nay đang có nhiều ý kiến tranh luận về việc có hay không các dấu hiệu hình thành bong bóng bất động sản.
Sốt đất bùng phát, chưa lo “bong bóng” vỡ?
Thời gian qua, đã xuất hiện các cơn sốt ảo giá đất cục bộ ven TP.HCM và các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế. Đến nay, có thể nhận định không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018.
Tiết lộ chiêu trò thổi giá của ‘cò đất’ trong cơn sốt đất nền
Một nhóm các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM có tiềm lực tài chính mạnh đến các khu vực có quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, khu kinh tế… để tạo ra thị trường rồi thổi giá, tạo cơn sốt ảo.
Thận trọng với “dự án ma” thời sốt đất
Lợi dụng cơn sốt đất đang lan rộng, nhiều công ty bất động sản thiếu uy tín đang vẽ ra những “dự án ma” để bán cho khách hàng.