- Con người Trung tướng Không quân Phạm Phú Thái khí khái và trực tính đến vậy đó!
LTS: Trong tổng số 138 AHLLVT toàn Quân chủng Phòng không Không quân, lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam có tới 89 người. Những cái tên anh hùng không quân (AHKQ) như Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Phú Thái, Nguyễn Đăng Kính… đã trở thành niềm tự hào của đất nước, tấm gương để các thế hệ noi theo.
Những ngày tháng 7, xin được dành đôi trang viết nhỏ bé này để bày tỏ phần nào lòng trân quý đến hai vị tướng AHKQ trong số đó.
Đầu tháng 7 vừa rồi, trung tướng Không quân, AHLLVTND Phạm Phú Thái, nguyên Chánh Thanh tra bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không Không quân, tổ chức giao lưu với bạn đọc và người thân nhân sự kiện ông ra cuốn “Lính bay 2” sau khi cuốn 1 ra mắt năm 2016 thành công vượt cả mong đợi. Đây cũng là dịp để những người bạn chiến đấu của ông được gặp gỡ, ôn lại một thời khói lửa và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.
Chưa đến giờ khai mạc mà đã chật cứng người xếp hàng xin chụp hình cùng vị AHKQ một thời lừng danh vì đánh địch giỏi và bay cũng rất tài…
Trung tướng Phạm Phú Thái trong một lần gặp Người Anh cả của QĐND Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
“Bay như Thái...”
Trung tướng Phạm Phú Thái sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Phạm Thuần, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1927, được kết nạp Đảng năm 1930. Cụ từng là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Phú Thọ. Cụ từng bị Thực dân Pháp bắt giam và bị tù đày ở nhiều nhà lao lớn như Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo từ những năm đầu của cuộc cách mạng và vượt ngục Côn Đảo trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng.
Từ Liên Xô về nước năm 1968, sớm hơn các bạn cùng khoá do đặc cách học giỏi, chàng trai binh nhất mới 19 tuổi Phạm Phú Thái (học phi công từ 16 tuổi) được chỉ định làm phi công tiêm kích số 2 cho Đại đội trưởng Phạm Thanh Ngân, bay số 1 (cũng là AHKQ, sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN). Ông Thái từng bị thương trong chiến đấu, phải nhảy dù vì bị địch bắn khi mới có vài tuần xuất kích. Thế nhưng ông “giấu nhẹm”, nói với tổ chức rằng mình chỉ bị thương nhẹ để được quay trở về ngay vị trí tiếp tục chiến đấu.
Trong chiến tranh, phi công Phạm Phú Thái đã xuất kích hơn 200 lần trong hàng chục nhiệm vụ khác nhau. Ông đã gặp địch, tìm địch và đánh hơn hai chục trận, 7 lần nổ súng và trực tiếp bắn rơi 4 chiếc F-4 của Không quân và Hải quân Mỹ. Ông tham gia chiến đấu bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông huyết mạch ở Khu 4 cũ, là đoạn khởi đầu của đường 559 - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Ông và các đồng đội đã từng nhiều lần xuất kích để hướng mục tiêu của địch về phía mình, khiến kẻ địch mất tập trung vào mục tiêu chúng cần tìm. Những người lính phi công chiến đấu không chỉ làm nhiệm vụ ngắm địch rồi nổ súng. Họ còn phải thật thông minh, tìm mọi cách “vít cổ” máy bay địch, buộc chúng phải hạ độ cao xuống cho lực lượng Phòng không mặt đất nã đạn.
Khi còn ở cương vị chỉ huy cấp chiến thuật, chiến dịch, các đơn vị mà ông lãnh đạo đều có giờ bay trung bình hàng năm rất cao. Đặc biệt, không một đơn vị nào do ông chỉ huy lại để xảy ra mất an toàn bay, một việc mà đến giờ không phải vị chỉ huy không quân nào cũng làm được.
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã trực tiếp bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bị thương 2 lần. Qua rất nhiều cương vị chỉ huy trong lực lượng phòng không không quân, ông luôn xứng đáng với câu truyền tụng ngày nào của đồng đội: “Bay như Thái...”
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, người phi công đàn anh từng có thời gian bay cùng phi đội với ông có lần nhận xét, AHLLVTND Phạm Phú Thái là một phi công tiêm kích dũng cảm, bay giỏi, có thể được xem là một trong những phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam.
Tác giả (trái) cùng trung tướng Phạm Phú Thái (giữa) và thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính tại buổi giao lưu ra mắt cuốn Lính bay 2 của Anh hùng phi công Phạm Phú Thái. |
Chẳng màng đến “bệ phóng”
Là con rể của cố bộ trưởng bộ Tài chính Hoàng Quy, với một nền tảng gia đình cách mạng, tài năng như vậy, nhiều người cứ ngỡ chàng phi công Phạm Phú Thái sẽ tiến như “diều gặp gió”. Thế nhưng cá tính của Phạm Phú Thái lại rất “khác người”, ông không bao giờ màng đến "bệ phóng" đó.
Khi Phạm Phú Thái đã trưởng thành và cũng có chức vụ nhất định trong lực lượng Không quân, một lần cụ Nguyễn Đức Tâm, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, nhắn gặp ông để biết cuộc sống quân ngũ của con trai người bạn thân cùng quê, hoạt động cùng mình năm xưa ra sao. Thế nhưng Phạm Phú Thái lại nhờ chuyển lời đến cụ Nguyễn Đức Tâm một câu “nhẹ bấc” rằng: “Cháu xin cám ơn chú đã nhớ đến, nhưng cháu sẽ không ra gặp đâu vì cháu mà ra gặp chú, ở đơn vị người ta lại nghĩ cháu đến để xin chức chú!”
Con người ông khí khái và trực tính đến mức như vậy đó!
Phải chăng cũng do vậy mà ông từng đảm trách chức phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không không quân nghe đâu cũng cả chục năm mà vẫn không lên chức cao nhất quân chủng. Nhưng vị tướng trưởng thành từ trận mạc ấy đâu để tâm chuyện đó.
Hồi ra mắt cuốn Lính bay 1 (năm 2016), Trung tướng Trần Hanh, một trong những vị chỉ huy Không quân thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng chỉ huy đánh mở màn "Mặt trận trên không" thắng lợi, nhận xét: “Cuốn Hồi ký đã thể hiện đúng con người Phạm Phú Thái với những tính cách của một người lính phi công mà tôi hay nhắc với anh em, hào hoa dưới mặt đất nhưng rất hào hùng ở trên không..."
Câu nói đó của một vị chỉ huy tài ba, là cấp trên của ông Thái, đã nói lên được rất nhiều về phi công, anh hùng Phạm Phú Thái – vừa tài năng lại đầy hào hoa, hào sảng.
Quốc Phong
Chuyện chưa kể về tàu sân bay Midway và 4 phi công cảm tử Việt Nam
Khi trung đoàn trưởng Lê Oánh hỏi: “Thế đánh như thế nào?”, ông Lê Hải trả lời tưng tửng: “Đánh kiểu Nhật. Mang bom đâm vào tàu sân bay Mỹ.”
Trên lãnh địa của cựu thù nghe chuyện cơ mật
“Chúng tôi đã được sống trong nắng, gió, lẫn trong “mùi sân bay” quen thuộc trên quê hương của những người ngày nào còn là kẻ thù không rõ mặt”.
Tác giả chương trình huấn luyện “Top Gun” của không quân Mỹ là phi công Việt Nam?
Có một câu chuyện mà các nhà báo Mỹ hỏi đi hỏi lại các cựu binh phi công Việt Nam, “trong cuộc chiến không quân trên bầu trời Sông Hồng có phi công Liên Xô nào tham gia không?”
Những “người Mohican cuối cùng”
Cuộc không chiến giữa máy bay MiG17 và F4 được ví như cuộc đối đầu giữa một kẻ đi xe đạp cầm dao và 1 kẻ đi xe máy cầm cả dao lẫn súng.