- Những người cầm bút chân chính không bao giờ dễ dãi, tự do, tùy tiện trong nghề nghiệp, mà luôn có suy nghĩ đúng đắn, thái độ đúng mực, cái nhìn đúng tầm đối với từng con chữ, từng tác phẩm của mình.

Khi “quá hữu”, lúc lại “quá tả”

Chưa bao giờ hiệu ứng truyền thông lại có sự lan tỏa nhanh nhạy, mạnh mẽ như hiện nay. Sống trong “thế giới phẳng”, chỉ cần một chiếc lap top nhỏ gọn hay chiếc iphone, ipad trong tay, người sử dụng có thể biết “tất tần tật” mọi thứ, mọi việc xảy ra trên hành tinh này. Nhưng mặt trái của thời đại “internet hóa” cũng dễ làm cho ranh giới thật- giả, tốt- xấu, thiện- ác, đúng- sai, phải- trái, cao thượng- thấp hèn, văn minh- lạc hậu… trở nên mong manh hơn, bởi truyền thông có lúc đã đi quá chừng mực cho phép, nếu không muốn nói là làm lệch chuẩn, biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng.

Sự thái quá của truyền thông thời gian qua nảy sinh ở hai cấp độ, khi thì “quá hữu”, lúc lại “quá tả”. “Quá hữu” biểu hiện ở chỗ khen ngợi ai đó thì “vống” hết lời, vuốt ve, tung hô nhau toàn những lời “có cánh”, mỹ miều, nhất là những đối tượng thường được gọi là “người của công chúng” như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá, người mẫu, người đẹp… Từ chuyện một cô ca sĩ sắp lên xe hoa, một cầu thủ bóng đá chuẩn bị lễ cưới, một chàng diễn viên điện ảnh có nhà lầu, một cô người mẫu sắp sinh con đầu lòng, một nhà thiết kế vừa mua chiếc xe hơi..., đến chuyện sở thích ăn uống, mang mặc, đầu tóc, dày dép, váy ngắn, quần dài của họ… cũng “trưng bày” lên hết mặt báo, trang mạng.

Còn “quá tả” thể hiện ở chỗ cùng một đối tượng, một con người (nhất là những người trong giới showbiz, giới doanh nhân) có tờ báo, trang mạng vừa hôm qua ca tụng họ lên “tận mây xanh”, nhưng khi họ có sơ suất, khuyết điểm, sai phạm gì, thì hôm sau chính tờ báo, trang mạng đó lại “vùi dập” tả tơi với đủ lời lẽ chì chiết, mỉa mai không thương tiếc. 

{keywords}
Tranh minh họa: Họa sĩ LAP/ Tuổi trẻ

Săm soi quá đáng, làm rối nhiễu thông tin

Lại nữa, có những vụ việc đáng lẽ chỉ nói có chừng mực, mức độ vừa phải, nhưng truyền thông lại đi quá giới hạn đạo đức nghề nghiệp cho phép. Biểu hiện rõ nhất là thái độ săm soi quá đáng vào đời tư của những “ngôi sao” nghệ thuật, những người nổi tiếng, những người không may sa cơ lỡ bước vào con đường lầm lỗi. Sự quá đà này không những làm tổn thương cho những người trong cuộc, mà còn cả người thân họ.

Thế nên, có nhà văn hóa đã từng nói rằng, sự vô tình, vô tâm đến mức vô cảm của truyền thông đã trở thành “thủ phạm kép” làm điêu đứng bao số phận, làm tiêu tan bao thanh danh từng nổi đình nổi đám một thời, thậm chí “đánh gục” cả tương lai, niềm tin của một gia đình, một doanh nghiệp, một tổ chức.

Ở một khía cạnh khác, sự thái quá của truyền thông đôi khi còn biến những người “bất tài, vô danh” bỗng dưng trở thành những người “nổi tiếng bất đắc dĩ”, những kẻ “tài hèn, đức mọn” dễ tự huyễn hoặc, ảo tưởng về mình là “thần tượng, siêu sao”, biến những điều bình thường thành những điều hiếu kỳ, ma quái. Đáng nói hơn, có những vấn đề, sự kiện, hiện tượng vốn ban đầu chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhưng thông qua sự “khuếch đại, khuếch tán” đồng loạt của truyền thông đã bị “thổi phồng” thành bản chất, làm rối thông tin, nhiễu dư luận, tạo “áp lực giả” cho các cơ quan chức năng và người trong cuộc.

Giữ gìn sự chuẩn mực của truyền thông

Có một câu danh ngôn, đại ý: Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa. Sức mạnh, ý nghĩa, hiệu quả xã hội của truyền thông trước hết thể hiện ở việc phản ánh đúng bản chất sự vật, hiện tượng với một thái độ khách quan, trung thực, công tâm, vì lợi ích chính đáng của số đông cộng đồng và vì phẩm giá cao đẹp của con người. Xa rời hay hạ thấp, xem thường điều căn bản đó, truyền thông sẽ không giữ được mục đích, sứ mệnh cao cả vốn có.

Làm truyền thông trên báo chí trước hết là làm ra những sản phẩm văn hóa để phục vụ nhu cầu thông tin, học tập, giáo dục, vui chơi, giải trí lành mạnh của con người, qua đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ, nhân văn. Vì vậy, những người cầm bút chân chính không bao giờ dễ dãi, tự do, tùy tiện trong nghề nghiệp, mà luôn có suy nghĩ đúng đắn, thái độ đúng mực, cái nhìn đúng tầm đối với từng con chữ, từng tác phẩm của mình. Ngược lại, nếu ai đó có cái nhìn phiến diện, hời hợt, cực đoan, cố tình chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng dễ tạo ra những tác phẩm lệch lạc về văn hóa.

Sự thái quá của truyền thông, dù vô tình hay cố ý, dù có được bao bọc, đánh bóng bởi bất cứ thứ hào nhoáng, hay ẩn hiện tinh vi dưới hình thức nào, cũng đều gây hại đến thị hiếu lành mạnh của công chúng. Và như vậy, truyền thông không những không làm tròn vai trò là “bệ đỡ” nâng tâm hồn con người hướng tới những giá trị chân- thiện- mỹ, mà còn vô hình trung làm vẩn đục môi trường thông tin, văn hóa và đảo lộn các giá trị xã hội.

Thiện Văn

Phát ngôn về hoa hậu và chuyện ứng xử trên mạng xã hội

Phát ngôn về hoa hậu và chuyện ứng xử trên mạng xã hội

Khi phát ngôn trên mạng xã hội dưới tài khoản đăng ký của bạn, thì bạn phải chịu trách nhiệm đến cùng cho những phát ngôn của chính mình.

Chặng đường mới cho Internet VN: Dùng thông tin để giải toả thông tin

Chặng đường mới cho Internet VN: Dùng thông tin để giải toả thông tin

Ông Mai Liêm Trực, một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất tới Internet Việt Nam khuyến nghị, hãy dùng thông tin để giải toả thông tin khi sự bùng nổ của Internet phát sinh những mặt trái.

Nhà báo kể chuyện những ‘bàn tay’ thế lực phía sau Năm Cam

Nhà báo kể chuyện những ‘bàn tay’ thế lực phía sau Năm Cam

Để đi tới cùng một vụ đại án, từ năm 1995-2003 chúng tôi đã đăng cả thảy 133 bài viết trong 4 đợt.