- Năm 2012, người dân được nhìn thấy các bộ trưởng trên truyền hình nhiều hơn bao giờ hết.
Không chỉ số phiên họp QH được truyền hình trực tiếp tăng, mà các phiên chất vấn tại UB Thường vụ QH cũng lên sóng. Đặc biệt là sự ra đời của chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời trên VTV1.
Đến nay hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành trong Chính phủ đã có mặt trong chuyên mục khởi động ngày 13/5. Người "xông đất", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đã lên sóng hai lần, trả lời các vấn đề đau đầu nhất năm 2012 như nợ xấu, lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp...
Chia lửa với Thống đốc, Bộ trưởng (BT) Tài chính Vương Đình Huệ nói chuyện điều hành giá cả, kiềm chế lạm phát, khôi phục sản xuất... BT Công thương Vũ Huy Hoàng cũng được hỏi nhiều về chuyện cứu doanh nghiệp.
Trong ba lần lên sóng, ông Hoàng còn trả lời về thủy điện, vấn đề "dậy sóng" trong năm qua, đến nỗi BT Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng phải góp mặt sau sự cố Sông Tranh 2.
Năm qua các bộ trưởng lần lượt lên sóng truyền hình trả lời dân... |
Những diễn biến nóng hổi khác cũng kịp thời được đưa ra hỏi trong chuyên mục này, như BT Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son về các trang mạng "trắng đen lẫn lộn"; BT Giáo dục Phạm Vũ Luận về chuyện quay clip gian lận thi cử; BT Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh về trùng tu sai chùa Trăm gian và Việt Nam đăng cai ASIAD 2019; BT Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về khắc phục hậu quả bão lụt, BT Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân về hàng loạt vụ cháy nổ xe...
Những vấn đề lớn, dư luận luôn quan tâm, cũng "trở đi trở lại": BT Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh lên sóng hai lần vẫn tiếp tục được hỏi về doanh nghiệp nhà nước. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh với chủ đề quen thuộc chống tham nhũng và giải quyết khiếu kiện. Với BT Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang luôn là đất đai. Với BT Ngoại giao Phạm Bình Minh là chủ quyền biển đảo. Với BT Nội vụ Nguyễn Thái Bình là công chức.
Giá thuốc, dạy nghề, tội phạm, đồng bào thiểu số, xây dựng pháp luật... cũng khiến các vị tổng tư lệnh ngành ít nhất một lần lên sóng.
Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đích thân lên sóng trong một cuộc phỏng vấn dài gần 1 tiếng, so với gần 10 phút như thường lệ. Ông Đam trả lời dân về một loạt vấn đề nóng như Dương Chí Dũng và Vinalines, tập đoàn nhà nước, cứu doanh nghiệp...
Chỉ còn BT Quốc phòng Phùng Quang Thanh và BT Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng chưa lên sóng. Nhưng ông Thăng đã trao đổi với dân qua màn ảnh nhỏ khi phiên giải trình trước UB Pháp luật QH của ông được phát trực tiếp, đề cập hàng loạt vấn đề bức xúc như đề xuất thu phí lưu hành phương tiện, chất lượng đường xá, cảnh sát giao thông tiêu cực...
Chưa thấy phát ngôn "để đời"
Sự xuất hiện của các bộ trưởng, trưởng ngành, có vị 2-3 lần, trên tivi mỗi tối chủ nhật, vào khung giờ thuận tiện cho nhân dân theo dõi, là nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc yêu cầu các tổng tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình. Việc gia tăng thời lượng phát sóng trực tiếp, duy trì đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa công chúng và các bộ trưởng, trưởng ngành.
"Nói công khai mọi chuyện cho bàn dân thiên hạ biết về những công việc của Chính phủ, mà lại là những vấn đề người dân đang bức xúc, thì đã là một dấu ấn rất đáng trân trọng", công dân Trần Văn Thới (Long An) phản hồi sau khi nghe Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời.
Tuy vậy, dù hầu hết các vấn đề nóng đã được đưa lên sóng, nhưng tình trạng tồn tại lâu nay ở Quốc hội dường như đang lặp lại trên tivi: những câu trả lời chung chung, nặng về trình bày, dẫn số liệu, dù người dẫn chương trình đã đặt câu hỏi trực diện.
Cũng thật khó để lưu lại một hai phát ngôn, đại ý ấn tượng nào từ hơn 30 cuộc phỏng vấn. Trong những phiên họp được phát trực tiếp và trực tuyến, những câu đáng nhớ vẫn từ người hỏi hơn là người trả lời.
Tuy độc giả Lương Ngọc Bình (Gia Lâm) hồi âm với Cổng thông tin điện tử Chính phủ rằng "quan trọng nhất là những bức xúc của người dân đã được Chính phủ lắng nghe", nhưng lắng nghe là chưa đủ, nếu bức xúc của dân chưa được giải quyết. E rằng chuyên mục mới này khó tránh được tình trạng cũ: bộ trưởng lên sóng lần này để trả lời đúng câu hỏi lần trước.
Để các vị tổng tư lệnh quen mặt với dân, đối tượng mà họ phục vụ, là cần thiết. Nhưng đó không thể là mục tiêu duy nhất của những nỗ lực mở rộng giao tiếp giữa hai bên. Kết quả dân mong đợi hơn cả là bức xúc của họ được giải quyết.
Muốn vậy, trong nhiều cách,
có một cách là các bộ trưởng, trưởng ngành nghe dân nhiều hơn, không chỉ nghe
câu hỏi mà nghe cả câu trả lời của dân. Điều kiện hoàn toàn cho phép các cuộc
trao đổi như vậy, trên màn hình tivi, máy tính và cả bên ngoài những màn hình ấy.
Bởi dân "được" nói cũng là cái "được" của Chính phủ.
Chung Hoàng