Với Cyrus Sany, kỹ sư hệ thống Mỹ, người vừa sơ tán khỏi Libya, bạo lực những ngày qua ở Tripoli giống như một trận sóng thần.

Đứng bên trong sân bay Leonardo da Vinci của Rome, Cyrus Sany, 41 tuổi đang chờ liên lạc về Washington D.C. Ông lật giở cuốn hộ chiếu. Trong chuyến đi lần thứ 28 tới Libya với nhiệm vụ nâng cấp cảng của nước này, ông đã nhận được cuộc gọi yêu cầu sơ tán từ một người của công ty: “Đặt bút chì xuống, hãy ra ngay sân bay”.

"Trong ba ngày, một đất nước tươi đẹp chìm vào hỗn loạn”, ông nói. Cuộc nổi dậy bất ngờ không hề được báo trước khiến Libya hoàn toàn tê liệt vì biểu tình và bạo lực. "Nó giống như một trận sóng thần”, Sany nói. "Thủ đô Tripoli từng chả khác gì New York bây giờ đã chết”. Cửa hiệu đóng cửa, đường phố vắng tanh.

Hệ thống thẻ tín dụng ngừng hoạt động, một số nhà hàng buộc phải để khách hàng đi mà không trả tiền. Internet vẫn còn nhưng cực kỳ chậm, điện thoại di động ngắt liên hồi. Người Libya, Sany mô tả, đều rất sợ hãi. “Họ không biết những gì sẽ xảy ra. Họ hỏi tôi: 'Vì sao Washington yên lặng thế’. Tôi nói với họ: Vì kể cả Obama cũng đang lo sợ”.

Người chờ sơ tán tập trung bên ngoài sân bay quốc tế Tripoli. Ảnh: Reuters
"Không ai mong đợi điều này”, Michele Cafiero, một doanh nhân người Italia, cũng vừa sơ tán khỏi Libya - nơi ông đã ở được ba năm - nói. Ông kể rằng, đường phố Tripoli chật cứng người biểu tình hôm chủ nhật và cả lực lượng cứu hỏa nhưng tới đêm thứ hai, tình hình đã dịu lại ở một số nơi. Ông thấy khói bốc cao từ khu vực có Bộ Nội vụ nhưng bạo lực đã dừng lại. Tại một điểm, máy bay trực thăng bắn vào phía nam quảng trường Xanh - trung tâm thành phố, nhưng Cafiero nghĩ nó đơn thuần đuổi những kẻ trộm cướp tấn công các cửa hàng trang sức trong khu vực. Thành phố hoàn toàn đóng cửa, cửa hiệu không hoạt động, nước và thực phẩm trở nên khan hiếm. “Chúng tôi có thể tìm kiếm hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, vì sẽ không còn gì để ăn”. Khách sạn chỉ cung cấp một bữa ăn thay vì ba bữa như thường lệ.

Sany không chứng kiến bạo lực. Ông không thấy cảnh sát hay quân đội - ngoại trừ khu nhà của Muammar Gadaffi - nơi mọi người được khuyến cáo tránh xa. Nhưng ông cho biết, đường phố Tripoli không hoàn toàn yên tĩnh: những người ủng hộ Gadaffi - thanh niên và có cả phụ nữ thổi kèn ồn ã trên xe ô tô, mang theo cờ và gậy gộc, hò hét với người biểu tình chống Gadaffi. 

Marco Albi, một nhà địa chất thuộc công ty xây dựng Impregilo của Italia, kể lại chuyến đi tới sân bay khi ông chuẩn bị rời khỏi Libya. Nhà ga chật ních người ủng hộ Gadaffi. Một số người mang băng đeo tay màu xanh - màu biểu tượng của chế độ. Ông nhìn thấy một chiếc ô tô với toàn bộ phần cửa dán chân dung của nhà lãnh đạo Libya. “Tôi không hiểu họ lái xe thế nào”, ông nói.

Sân bay chật cứng người muốn rời khỏi Libya. “Tôi mất hơn sáu giờ để từ bãi đỗ xe đến được nơi kiểm tra vé”, Sany nói. Nhà chức trách tại sân bay đã đóng các cửa ra vào, khiến hàng trăm người chen chúc xô đẩy cố vào trong. Hành khách ngồi chờ máy bay giữa một đống giấy gói thực phẩm và chai lọ. Mưa nhỏ xuống từ trần nhà. Màn hình tivi thông báo giờ khởi hành đã tắt, thông tin chỉ được lan truyền trong đám đông với lời đồn máy bay sẵn sàng cất cánh.

Theo Sany, Tripoli dường như là một nơi an toàn, ổn định để đầu tư và giờ đây trở nên hỗn loạn. “Có thể như một Somalia”, ông đánh giá. “Tất cả các công ty đều sợ hãi, họ mất sự an toàn cần thiết để kinh doanh. Mọi người đều hỏi tôi có trở lại, tôi nói, tôi không có ý tưởng ấy”. Còn Albi thì cho biết, công ty ông sơ tán nhân viên với hy vọng sau 15 ngày có thể trở lại. Ông chỉ tấm hình của Gadaffi được ai đó ấn vào tay: “Nhưng tôi không biết khi chúng tôi trở lại, ông ấy còn ở đây không”.

Obama đối mặt với sức ép can thiệp vào Libya

Theo giới phân tích, Mỹ đang đối mặt với những kêu gọi vừa áp dụng cấm vận, vừa hành động trực tiếp như đánh bom các sân bay Libya và áp đặt những vùng cấm bay...

Một số nhà phê bình đã chỉ trích sự yên lặng của Obama về tình trạng bạo lực khiến hàng trăm người Libya thiệt mạng.

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, yêu cầu Nhà Trắng cân nhắc những biện pháp cấm vận cứng rắn với Libya. "Lãnh đạo thế giới cần cùng nhau nhấn mạnh với Gadaffi rằng, hành động của ông sẽ chịu hậu quả”, Kerry nói.

Nhà Trắng tuyên bố đang nghiên cứu đề xuất của Kerry để áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt từng được dỡ bỏ dưới thời Bush. Hỗn loạn ở Libya và cả Trung Đông đẩy giá dầu tại Mỹ lên mức cao nhất trong hơn hai năm nay.

Một số nghị sĩ khác muốn Mỹ và các nước “áp đặt trừng phạt kinh tế bao gồm phong tỏa tài sản và lệnh cấm đi lại”.

Obama từng lên tiếng vì bạo lực chống lại người biểu tình ở Tunisia, Ai Cập và Bahrain nhưng một số nhà phân tích xem thái độ yên lặng của ông trước tình hình Libya là chiến thuật cố ý. "Nhúng mũi vào một cuộc đấu với Gaddafi không phải là ý tưởng thông minh”, Daniel Serwer của Đại học Johns Hopkins nói. “Người này rõ ràng thích gây chú ý nên việc phớt lờ ông ta có thể mang lại hiệu quả”.

Chọn lựa quân sự dường như không sẵn sàng cho dù Mỹ từng không e ngại việc sử dụng vũ lực chống lại Gaddafi trong quá khứ. Họ từng ném bom Tripoli và thành phố lớn thứ hai của Libya, Benghazi, năm 1986 để trả đũa một vụ tấn công vào sàn nhảy ở Tây Berlin chủ yếu phục vụ lính Mỹ.

"Hoàn toàn không nói tới việc can thiệp quân sự ở đây”, Daniel Byman thuộc Học viện Brookings tại Washington nhấn mạnh. "Chúng ta không biết gì về phe đối lập và không rõ họ có đứng về phía chúng ta hay không”.

Thái An (Theo Time, Reuters)