- Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam Nguyễn Thế Diên cho rằng trong bối cảnh mới, việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 cần thực sự phát huy dân chủ.

Tại hội nghị triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đối Hiến pháp 1992 của UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm nay (3/1), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Vũ Trọng Kim nhấn mạnh việc lấy ý kiến phải đạt hai mục đích:

Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn dân đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp.

Nhà giáo Nguyễn Thế Diên: Giờ đây dân trí nước ta cao rồi, họ đòi hỏi dân chủ thực sự

Nhà giáo Nguyễn Thế Diên, Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam đồng ý với hai mục đích này nhưng băn khoăn về hai khái niệm “phát huy” và “nâng cao nhận thức”.

"'Phát huy' khiến tôi cảm thấy 'quyền làm chủ' này là nhà nước cho dân chứ chưa phải từ dân, chưa thực sự thể hiện mục đích tổng hợp trí tuệ của dân", ông Diên nhận định. "Giờ đây dân trí nước ta cao rồi, họ đòi hỏi dân chủ thực sự, còn cho dân thì chưa thể đảm bảo dân chủ". Ông đề nghị thay “phát huy” bằng “đảm bảo”.

Cũng vì Hiến pháp là của dân, việc sửa đổi phải tổng hợp được ý chí của dân nên khái niệm "nhận thức" cũng chưa hợp lý, theo nhà giáo lão thành. "Nhà nước đưa ra những cái có sẵn để dân nhận thức ư?", ông Diên đặt vấn đề. "Nên thay 'nâng cao nhận thức' bằng 'nâng cao ý thức'".

Ông Diên nhận định đây không chỉ là vấn đề câu chữ mà chính là tư duy chỉ đạo. Ông tin rằng một thay đổi nhỏ cũng có thể khuyến khích và động viên nhận dân đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Phó chủ tịch MTTQ Vũ Trọng Kim cho biết sẽ phản ánh góp ý này trong quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân của MTTQ.

Tập hợp đủ cả những ý kiến nhỏ

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh, cần nhất là đội ngũ tiếp nhận và tập hợp ý kiến: "Đội ngũ đó phải đông đảo, nhạy bén, có trách nhiệm. Dù chỉ là một khía cạnh nhỏ, một hai ý kiến khác biệt, mới mẻ, cũng phải được tập hợp đầy đủ".

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần chia sẻ: "MTTQ cần lắng nghe mọi ý kiến một cách dân chủ, vì các hội viên có tin MTTQ thì mới nói, họ không nói mới là đáng sợ".

"Việc lấy ý kiến này là để dân nói về pháp luật, từ Hiến pháp sẽ ra nhiều vấn đề khác, vì vậy có những vấn đề mới được phát hiện thì phải được đem ra bàn, kể cả những ý kiến khác biệt", ông Dần nhấn mạnh.

Ông Vũ Trọng Kim: Cam kết tiếp thu đầy đủ cả những ý kiến riêng lẻ

Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Vũ Trọng Kim khẳng định MTTQ mong nhận được góp ý từ các tổ chức thành viên về toàn bộ dự thảo, "không trừ vấn đề gì, không coi nhẹ hay coi nặng vấn đề nào, kể cả những vấn đề ngoài Hiến pháp nếu thấy cần thiết".

MTTQ cũng sẽ là nơi tiếp nhận mọi ý kiến của nhân dân thuộc mọi giai tầng trong xã hội qua nhiều hình thức, "chịu trách nhiệm tập hợp, tổng hợp một cách chất lượng, trung thực, khách quan, đảm bảo tiến độ, gửi đến UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992", ông Kim cam kết tiếp thu đầy đủ cả những ý kiến riêng lẻ, "không lấy đa số áp đảo thiểu số".

Từ giữa tháng 1 đến khi kết thúc thời gian lấy ý kiến, MTTQ sẽ tổ chức một loạt hội thảo, hội nghị để nghe góp ý từ nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, và người VN định cư ở nước ngoài.

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Huỳnh Đảm khẳng định sẽ tìm ra những cách làm hiệu quả, dân chủ để "mọi người dân đều có cơ hội góp ý, thể hiện ý chí nguyện vọng của mình".

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bắt đầu từ ngày 2/1 đến hết ngày 31/3. Độc giả có thể gửi ý kiến của mình về VietNamNet qua địa chỉ email banchinhtri@vietnamnet.vn.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng

Dân phải được quyền phúc quyết Hiến pháp
Góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi chiều 16/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất phải khẳng định quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp.
 
Đề xuất đưa tuyên bố chủ quyền vào Hiến pháp
Cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp - ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói.
 
Sửa Hiến pháp: Làm rõ kiểm soát quyền lực
Thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, ĐBQH muốn làm rõ nội dung kiểm soát quyền lực, bởi quyền lực dễ bị tha hóa, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tham nhũng...
 
Dân đồng ý mới thông qua Hiến pháp sửa đổi
Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ cho rằng, Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý, dân đồng ý thì QH mới được thông qua.
 
Sửa Hiến pháp để toàn dân quyết định
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh một số yêu cầu với các đại biểu trong quá trình góp ý.
 
Sửa Hiến pháp: Bổ sung quyền của Chủ tịch nước
Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH bầu, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, Thủ tướng, bãi bỏ văn bản của Chính phủ.
 
Sửa Hiến pháp: Đảm bảo quyền phúc quyết của dân
Quyền sở hữu đất đai và quyền làm chủ của nhân dân với nhà nước, trong đó có việc công nhận quyền phúc quyết của người dân được nêu tại hội thảo góp ý dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp.
 
Sửa Hiến pháp: Kiến nghị mở rộng dân chủ trực tiếp
Thành viên MTTQ kiến nghị sửa Hiến pháp 1992 bổ sung những cách thức dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý, biểu tình, trực tiếp đối thoại quan chức nhà nước.