Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ hai giữa lúc phải đối mặt với những căng thẳng mới ở Biển Đông. Đồng minh thân cận là Philippines đã quyết định đem tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.


Một nhóm tàu hải quân Mở Biển Đông. Ảnh: AP

Hải quân Trung Quốc thường điều tàu tuần tra vùng biển tranh chấp, trong khi Manila mạnh mẽ bác bỏ thẩm quyền của Trung Quốc ở đây. "Chúng tôi muốn hội đồng trọng tài sẽ xác lập quyền của Bắc Kinh với việc độc quyền khai thác tài nguyên ở thềm lục địa của chúng tôi tại Biển Đông", trợ lý ngoại trưởng Philippines Gilbert Asuque giải thích.

Về phần mình, Bắc Kinh nói động thái của Manila đã làm phức tạp thêm tình hình. "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển phụ cận", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói. "Gốc rễ của tranh chấp là do sự chiếm giữ trái phép của Philippines với một số khu vực của Trung Quốc", vị phát ngôn lớn tiếng.

Nhà phân tích Justin Logan tại Viện Cato cho rằng, sự tham gia của LHQ đã đi ngược lại với mong muốn giải quyết vấn đề của Trung Quốc. "Người Trung Quốc cố gắng đảm bảo đàm phán song phương giữa họ với các bên tranh chấp. Họ không muốn quốc tế hóa vấn đề", Logan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Logan, thậm chí các quy định Luật biển của LHQ có lợi cho Manila, thì ai sẽ là người thực thi quyết định. "Nếu việc thực thi đồng nghĩa với một cuộc chiến với Trung Quốc, thì bạn có thể thấy nó không thể diễn ra", Logan nói. "Nó giống như một cuộc thương lượng khi Philippines nói: Hãy xem, chúng ta có thể chơi quân bài này, và sau đó có thể từ bỏ nếu Trung Quốc nhượng bộ".

Các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong buổi chất vấn chấp thuận John Kerry - người mà Tổng thống Obama đã chọn lựa cho cương vị ngoại trưởng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã đặt ra câu hỏi về cách giải quyết vấn đề Biển Đông của chính quyền Washington. "Trung Quốc ngày càng gây hấn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và các nước láng giềng của họ nhìn về Mỹ cũng như vai trò dẫn dắt của Mỹ như một đối trọng thăng bằng", Rubio nói.

Thượng nghị sĩ Kerry nói rằng, Trung Quốc đang phản ứng trước việc Mỹ đổ thêm nhiều nguồn lực về châu Á - Thái Bình Dương. "Người Trung Quốc nhìn vào đó, nói rằng 'Mỹ đang làm gì? Họ đang cố gắng bao vây chúng ta? Chuyện gì đang xảy ra?", ông Kerry nhấn mạnh.

Ông Kerry nhấn mạnh, Washington cần thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh: "Trung Quốc là nền kinh tế lớn trên thế giới và rõ ràng đang khao khát tài nguyên ở khắp nơi. Và chúng ta nên thiết lập những quy tắc cho cách thức làm việc với tất cả mọi người", ông Kerry khẳng định.

Bắc Kinh nói đang làm việc để giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại nhưng phản đối Mỹ can dự sâu hơn vào khu vực.

Trước đó, nói về việc Philippines quyết định mang tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, quyết định được đưa ra sau khi Manila đã cạn kiệt “hầu hết mọi con đường chính trị và ngoại giao” để giải quyết tranh chấp hàng hải với Bắc Kinh. Ông del Rosario nhấn mạnh, Philippines hy vọng cuộc phân xử sẽ mang lại “một giải pháp bền vững” cho tranh chấp.

Trung Quốc đã đưa ra bản đồ đường 9 đoạn khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông bất chấp sự chồng lấn với một số quốc gia Đông Nam Á. Trong đơn đệ trình lên tòa, Philippines nói cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” chứng tỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc kể cả những vùng biển và đảo sát cạnh bờ biển láng giềng là trái pháp luật, ông del Rosario nhấn mạnh.

Thái An (theo VOA, BBC)