- Trước lo lắng của đại biểu QH về tình trạng cờ Trung Quốc len vào sách tham khảo, bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, Bộ trưởng GD-ĐT nói sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát tốt hơn các sách trong trường.

“Sách ở ngoài thị trường, Bộ không thể kiểm soát được”, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay tại phiên chất vấn của Thường vụ QH chiều 22/3.

Ngay từ đầu phiên chất vấn, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông nêu thực trạng gần đây liên tiếp xuất hiện các sách in cờ Trung Quốc, in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sách học vần của nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội có in cờ Trung Quốc. Ảnh: Tuổi trẻ

“Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu trong kiểm soát chất lượng các loại sách này? Giải pháp để chấn chỉnh trong thời gian tới?”, ông Thông nêu.

Vị tư lệnh ngành giáo dục cho hay, trong số các sách in cờ Trung Quốc có một cuốn do nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội, thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục ấn hành.

"Chúng tôi đã làm việc với nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội và sẽ xử lý nghiêm khắc" - Bộ trưởng cho hay trong phần trả lời bổ sung sau đó, khi ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu lại câu hỏi.

Trong phần chất vấn, ĐB Trương Trọng Nghĩa truy, tại sao lại để tình trạng sách dạy đánh vần, tập đọc truyện cho trẻ em được “bê nguyên xi từ bên ngoài”.

“Sách hay nước ngoài cần tham khảo, nhưng có thực chúng ta không thể thiết kế được sách cho trẻ, đến mức bê nguyên sách Trung Quốc ra dịch, mà lá cờ của Trung Quốc”.

“Với cách làm này, làm sao chúng ta dạy cho trẻ về ý thức tự hào dân tộc, về truyền thống yêu nước”, ĐB Nghĩa trăn trở.

Đáp lời, Bộ trưởng cho biết, dịch tràn lan sách tham khảo là do các nhà xuất bản, Bộ không thể kiểm soát vì họ thực hiện theo luật Xuất bản.

“Bộ có trách nhiệm quản lý sách lưu thông trong nhà trường. Chúng tôi sẽ dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn các sách không đạt chất lượng, sai sót nội dung, phương pháp... lưu hành trong nhà trường”, Bộ trưởng cam kết.

Với các sách trên thị trường, ông Luận cho hay, Bộ không thể kiểm soát. Vấn đề này liên quan tới trách nhiệm của hai Bộ: Giáo dục và Thông tin - Truyền thông. Hiện nay, thông tư liên bộ chưa được ban hành mới, phù hợp với tình hình hiện nay và luật Xuất bản mới được ban hành.

Về cuốn sách mà đại biểu Thông nêu là không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Luận cho biết, đây là sách của nhà xuất bản Giáo dục. Nhà xuất bản đã chuyển sách để Bộ trưởng tham khảo. Trên cuốn này có in các quần đảo, nhưng chú thích nhỏ. Việc này sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Trong khi đó, nhiều đại biểu đặt câu hỏi trách nhiệm dạy sử thế nào, để giáo dục cho con trẻ về truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước.

"Bộ trưởng nghĩ gì về việc ngành giáo dục đã quá chậm trễ trong việc đưa kiến thức về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nhà trường, vào sách giáo khoa và vào chương trình giảng dạy học lịch sử phổ thông? Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?", ĐB Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề.

Vị tư lệnh ngành đã để ngỏ, không trả lời thẳng vào câu hỏi này.

Phương Loan