>> Có 'phanh' tốt để kiểm soát quyền lực
>> Nguyên Tổng bí thư: Bệnh đã chẩn, ai uống thuốc trước tiên?
Qua một năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta có thể thấy rõ hơn những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động cũng như những hạn chế và khiếm khuyết cần phải khắc phục. Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết cũng nảy sinh những vấn đề đòi hỏi phải giải quyết và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Bài viết của GS.TS Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ:
Nghị quyết TƯ 4 - sự dũng cảm và trung thực chính trị của Đảng
Đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc tháng 1/2011 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng |
Những vấn đề mà
Nghị quyết TƯ 4, khóa XI nêu ra là những vấn đề cấp bách, bức xúc, đang làm
cho toàn Đảng, toàn dân quan tâm, lo lắng. Đảng với dân cùng thể hiện quyết tâm,
cùng chia sẻ trách nhiệm trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng. Đồng tâm giữa Đảng với dân là sao cho Đảng ta thực sự trong
sạch vững mạnh, để niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng được củng cố
bền chặt, để Đảng ta nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xứng đáng
là một Đảng cách mạng chân chính, đưa sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững và
hiện đại hóa của nước ta tới thắng lợi.
Nguyện vọng chính đáng, tâm huyết và trách nhiệm đó của các thế hệ đảng viên
cũng như của toàn dân chính là điểm đồng thuận lớn nhất giữa Đảng với dân hiện
nay. Nguồn trữ năng tinh thần này là to lớn và quý giá. Đó là cơ sở để chúng ta
tin tưởng sâu sắc rằng, một khi Đảng vì dân và dân tin Đảng, cố kết thành một
khối cùng đồng tâm, nhất trí trong tư tưởng, tình cảm và hành động thì không khó
khăn, trở ngại nào không thể vượt qua. Những vấn đề đặt ra là cấp bách, bức xúc
nên phải giải quyết khẩn trương và kiên quyết, hành động phải thiết thực, kết
quả đạt được phải thực chất để nhân dân thấy rõ và tin tưởng. Những vấn đề đặt
ra mà Nghị quyết Đảng đã nhấn mạnh có quan hệ trực tiếp tới sinh mệnh của Đảng
và sự
tồn vong của chế độ lại là những vấn đề vô cùng phức tạp, do đó phải kiên
trì, nhẫn nại, phải làm thường xuyên, bền bỉ và lâu dài. Giản đơn và nóng vội,
chủ quan và duy ý chí không bao giờ hứa hẹn một điều gì tốt đẹp.
Thực tiễn càng phức tạp càng đòi
hỏi quyết tâm cao, ý chí lớn đi liền với nhận thức sáng suốt, bình tĩnh, tự tin,
giải pháp hành động cụ thể, thiết thực, cách làm khoa học và bước đi hợp lý
trong việc giải quyết những nhiệm vụ và tình huống phức tạp. Vào những lúc như
thế, khi khó khăn chồng chất khó khăn, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên
suy thoái, niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng giảm sút, muốn vượt lên,
thay đổi tình hình, càng cần đến phương hướng đúng, niềm tin khoa học, tình cảm
trong sáng để hành động có trách nhiệm. Nghị quyết Đại hội XI xác định xây dựng
chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Ngay sau đó, Hội nghị TƯ 4, khóa XI ra Nghị
quyết về “một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng”. Bản thân điều đó đã là
một thành công lớn, ghi nhận một chuyển động tích cực mang ý nghĩa đột phá về
nhận thức, về tư duy lý luận của Đảng. Những quyết sách chính trị này ở tầm
chiến lược, có tác dụng định hướng và chỉ đạo lâu dài, thậm chí rất lâu dài. Nó
vượt ra khỏi khuôn khổ, giới hạn về thời gian cụ thể của một hội nghị TƯ, có tác
dụng thúc đẩy nhận thức và hành động của toàn Đảng. Điều đó càng cho thấy, xây
dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, mãi mãi.
Nghị quyết đánh giá đúng thực trạng, có thể nói là sự dũng cảm và trung thực
chính trị của Đảng. Đảng không ngần ngại, không né tránh, tự phê phán,
tự chỉ trích những yếu kém, bất cập của mình, nhất là những
suy thoái nghiêm trọng, phổ biến đang diễn ra trong Đảng.
Nghị quyết nhìn nhận toàn diện các nguyên nhân, không đổ lỗi cho hoàn cảnh khách
quan, thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nghị quyết trù tính
một hệ giải pháp vừa để làm ngay, vừa thực hiện lâu dài, đặc biệt thấm nhuần
rằng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng là giải pháp cơ bản, theo đúng
quy luật phát triển của Đảng, quán triệt các quan điểm, xác định rõ mục tiêu,
chú trọng phương châm xây và chống, vừa phòng ngừa, vừa ngăn chặn và quyết đẩy
lùi suy thoái trong Đảng. Nghị quyết đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng,
của các cấp ủy và người đứng đầu, quan tâm đặc biệt tới mối liên hệ Đảng với
chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Một tư tưởng lớn, một định hướng lớn thể hiện
trong Nghị quyết, đó là phải dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Rõ ràng, sức mạnh của dân, sáng kiến, sáng tạo của dân, trách nhiệm chính trị
của Đảng với dân, của dân với Đảng được nêu cao, được thi hành và thực hành. Bởi
thế, Nghị quyết ra đời chẳng những đúng lúc, kịp thời mà còn rất được lòng dân,
phản ánh đúng tâm trạng xã hội, tâm nguyện của dân, đòi hỏi của dân đối với Đảng,
cũng là niềm tin của dân với Đảng của mình.
Nghị quyết TƯ 4, khóa XI là một nghị quyết có tầm vóc lịch sử, thể hiện sự hòa
quyện ý Đảng với lòng dân, một nghị quyết đáp ứng đúng những đòi hỏi, những quan
tâm, lo lắng, dằn vặt của cả đội ngũ to lớn các đảng viên trung kiên, chân chính
- và chính điều này nói lên thực chất tiềm lực của Đảng, là mặt cơ bản, chủ đạo
của tình hình Đảng ta. Nghị quyết này là nghị quyết rất hợp lòng dân, thuận theo
ý chí và niềm tin của dân. Bởi thế, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống,
tỏ rõ sức sống, hiệu ứng xã hội rộng lớn của nó.
Một năm triển khai Nghị quyết là một năm Đảng tự nhìn nhận, tự đánh giá, tự phê
phán,
tự cảnh báo nghiêm khắc về chính mình. Đó cũng là một năm, nhân dân đóng góp
nhiệt tình, tâm huyết, sáng kiến vào việc xây dựng Đảng, giám sát và phản biện
cho Đảng và Nhà nước của mình. Đây là hoạt động tham chính dân chủ, tự nguyện,
trách nhiệm của dân trong điều kiện Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền.
Thành tựu này là rất cơ bản trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ý nghĩa cảnh báo và tác dụng giáo dục, răn đe
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên trong tất cả các tổ
chức Đảng, được thực hiện
từ trên xuống dưới vừa qua là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong Đảng,
là sự kiện nổi bật trong đời sống chính trị của Đảng. Tại
Hội nghị TƯ 6, khóa XI vừa qua (1-15/10/2012), Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã
báo cáo với TƯ về kết quả
tự phê bình và phê bình của
lãnh đạo cấp cao. Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Đảng cầm quyền, Bộ
Chính trị và Ban Bí thư đã đề nghị Trung ương cho nhận một hình thức
kỷ luật tập thể và cá nhân, nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về những
khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, điều hành. Thái độ và hành động đó của
lãnh đạo cấp cao có tác dụng giáo dục rất lớn trong toàn Đảng, thể hiện quyết
tâm bảo vệ Đảng, gìn giữ truyền thống và hình ảnh thiêng liêng của Đảng cách
mạng. Các tổ chức Đảng ở địa phương, ở các cấp, các ngành cho đến các tổ chức
Đảng ở cơ sở, theo chỉ đạo của Trung ương cũng tiến hành kiểm điểm, tự phê bình
và phê bình, tập thể cũng như cá nhân, nhất là ở các cấp ủy và người đứng đầu
cấp ủy.
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải, Đảng đã xem
xét và xử lý kỷ luật đối với cán bộ đảng viên theo đúng quy định của Điều lệ
Đảng bằng những hình thức phù hợp. Thông tin về
tự phê bình và phê bình, về kỷ luật đã được công khai kịp thời và minh bạch.
Đặc biệt, tại Hội nghị TƯ 4, khóa XI Đảng đã xác định sự cần thiết phải
bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ
lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, trong hệ thống công quyền, trong Mặt trận và
các đoàn thể, đối với các đại biểu do dân bầu.
Đây không chỉ là tự phê bình và phê bình, tự đánh giá trong
Đảng mà còn được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, giám sát và đánh giá.
Những việc làm đó cho thấy Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã và đang
được triển khai, thực hiện, Nghị quyết đang đi vào cuộc sống. Bằng cách đó, Đảng
ta từ lãnh đạo cấp cao đến hệ thống các tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên đang ra
sức thực hiện những lời dạy của Bác, nhất là những điều mà Người căn dặn về xây
dựng Đảng trong “Sửa đổi lối làm việc” (1947 - “Mười hai điều xây dựng Đảng cách
mạng chân chính”) và trong “Di chúc” (1965-1969).
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào lúc này,
không có gì thiết thực hơn là tập trung vào thực hành đạo đức cách mạng, kiên
quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu tham nhũng để lấy lại niềm tin
trong sáng của dân đối với Đảng.
Tự phê bình và phê bình trong Đảng là sự gắn chặt giữa tự giáo dục của mỗi
người với giáo dục của tổ chức, sự thành thật và nêu cao trách nhiệm khi tiếp
thu ý kiến phê bình của dân, là thẳng thắn, công khai, minh bạch trong chấn
chỉnh tổ chức, thi hành kỷ luật Đảng. Việc xem xét
kỷ luật (tập thể và cá nhân) là cần thiết nhưng không phải là cứu cánh,
không có mục đích tự thân. Kỷ luật không phải vì kỷ luật mà vì một mục đích sâu
xa hơn, để củng cố sức mạnh của tổ chức, tính nghiêm minh của luật Đảng (Điều lệ),
của pháp luật Nhà nước, làm cho Đảng tẩy bỏ (chữ dùng của Hồ Chí Minh) những
khuyết điểm, những gì không xứng với tư cách của Đảng cách mạng, người cách mạng,
vun trồng, nuôi dưỡng những cái tốt đẹp, tích cực, tiến bộ. Tự phê bình và phê
bình ngay thẳng, trung thực, công tâm, nghiêm khắc với lỗi lầm mà vẫn có tình
đồng chí thương yêu lẫn nhau, đó là sự quang minh chính đại của Đảng cách mạng,
là văn hóa và thực hành văn hóa trong Đảng cầm quyền. Làm như thế, Đảng sẽ trở
nên chắc chắn, khỏe mạnh, tiến bộ. Ngược lại, che dấu khuyết điểm sai lầm, không
có dũng khí sửa chữa hoặc lợi dụng phê bình để thực hiện những điều không trong
sáng, cá nhân chủ nghĩa, vì những mục đích, động cơ cá nhân bất minh bất chính
thì sẽ không còn là nhân cách cộng sản nữa, sẽ là một Đảng hỏng. Hồ Chí Minh đã
nghiêm khắc nói rõ điều đó, từ hơn nửa thế kỷ nay.
Ý nghĩa đạo lý và tác dụng giáo dục đạo đức của tự phê bình và phê bình, của kỷ
luật là ở chỗ, mỗi người, mỗi tổ chức phải biết tự thức tỉnh, tự phán xét theo
lương tâm, danh dự của mình để từ bỏ điều xấu, để vươn tới điều tốt, hướng thiện,
hành thiện. Người bình thường đã vậy, người đảng viên với vai trò chiến sỹ tiên
phong càng phải như vậy.
Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ, không phải cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” mà
được dân tin, dân chỉ tin cậy, yêu mến và noi gương những ai thật sự vì dân, tận
tâm tận lực phục vụ dân, biết tranh đấu hy sinh cho lý tưởng bằng việc làm chứ
không phải chỉ bằng lời nói.
Một trong những giá trị và ý nghĩa lớn nhất của Nghị quyết TƯ 4, khóa XI, của tự
phê bình và phê bình là ở tính cảnh báo, sự thúc giục thức tỉnh và tính răn đe.
Sinh thời, Hồ Chí Minh ý thức sâu xa việc giáo dục liêm và chính, thực hành bền
bỉ cần kiệm liêm chính và tuyên bố công khai phải trừng trị tất cả những kẻ bất
liêm, bất kể chúng là ai. Tác phẩm “Quốc lệnh” mà Người viết thể hiện rất rõ sự
nghiêm khắc và thái độ quang minh chính đại đó.
Vượt lên hạn chế, yếu kém, tiếp tục làm tốt hơn, thực chất hơn tự phê bình và
phê bình trong Đảng
Qua đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình vừa qua, dù mức độ và hiệu quả khác
nhau, dù vẫn còn những hạn chế nhất định, thậm chí còn có những điều mà Đảng và
dân đều chưa hài lòng, nhưng rõ ràng, các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên đã có
những khởi động bước đầu tích cực, đã có chuyển biến thiết thực. Ngay cả với
những người đã phạm khuyết điểm, sai lầm, những cá nhân suy thoái, những tổ chức
yếu kém cũng đều nhận ra sự thật về mình, biết rõ những gì chưa xứng, không xứng
với phẩm chất đảng viên khi tự mình soi vào tấm gương đời sống và tâm trạng xã
hội của nhân dân. Sẽ không có gì thấm thía, thực chất hơn khi mỗi người biết tự
đánh giá, tự vấn lương tâm và danh dự của mình, để tự mình thay đổi theo hướng
tốt hơn, thực hơn.
Hơn lúc nào hết, mỗi người phải ghi nhớ và thấm thía lời nhắc nhở của Bác, “phải
nghiêm với mình và rộng lòng khoan thứ với người”, phải “cả quyết sửa lỗi lầm”,
phải biết rằng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm ở ngay trong con
người mình là cuộc chiến đấu suốt đời, sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng,
sẽ như tự phủ định chính mình, tự vượt lên những cái tầm thường, xấu xa, hư hỏng
để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi, cái tốt thì nảy nở, cái xấu, cái ác thì mất đi, mất
dần rồi mất hẳn. Sâu xa ra, chính là biết từ bỏ tính tham, lòng tham, vụ lợi, vị
kỷ, những sự đố kỵ, bon chen, hằn thù, những bất minh, bất chính chỉ vì lợi và
danh, danh và lợi làm hư hỏng nhân cách con người trước những cám dỗ của tiền
bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực thời buổi kinh tế thị trường. Ở đời, nhân vô
thập toàn, không ai là không có khuyết điểm khi còn sống và làm việc. Không ai
tự nhiên mà thành tốt đẹp, thành người hoàn toàn như Bác nói. Tự phê bình và phê
bình là sự hối thúc của lương tâm, phẩm giá, của lòng tự trọng, của danh dự và
liêm sỷ.
Tuyệt đại đa số đảng viên ngày nay đều có học vấn, học thức, thậm chí nhiều
người có học thức cao, có vị trí, vị thế trong xã hội. Vậy mà suy thoái lại là
một bộ phận không nhỏ, lại nghiêm trọng và phổ biến thì thực trạng ấy phải
làm thức tỉnh mọi người, ai cũng phải thấy rõ thật nghiêm túc và nghiêm khắc
rằng, đó không chỉ là khuyết điểm mà còn là tội lỗi. Phải thấy sự
hổ thẹn và nỗi đau đời bởi sự ê chề, nhục nhã khi lương tâm thức tỉnh, khi
trách nhiệm đòi hỏi. Tự phê bình và phê bình không thể ngay lập tức thay đổi
được tình hình như một phép lạ thần kỳ, bởi vượt qua “gót chân Achilles” ở mỗi
người là sự vượt lên khó nhọc của từng người, không ai có thể làm thay. Giáo dục
liêm sỉ trong Đảng đã đến lúc trở nên vô cùng hệ trọng và cần thiết. Sự trừng
phạt của tổ chức, sự phê phán của dư luận, công luận, ngôn luận phải đi liền với
sự tự lên án của tòa án lương tâm, phải khơi nguồn mạch ngầm sâu kín ấy để mỗi
người tự phê phán, tự ứng xử, hành xử với chính mình. Cái sức mạnh vô ngôn ấy ở
mỗi người phải mạnh lên, biết dằn vặt, biết xấu hổ thì mới có thể không vô cảm
với đời, với người, với chính mình. Đó cũng sẽ là sức mạnh tự bảo vệ, cần cho
từng người, cần cho từng tổ chức Đảng và cho toàn Đảng của chúng ta.
Tự phê bình và phê bình là hàn thử biểu chính xác nhất về tính trung thực đạo
đức, trách nhiệm xã hội và bản lĩnh chính trị. Đó cũng là chất chỉ thị màu đo
lường, phân biệt thật và giả, chân chính cách mạng thực sự, không dối lừa hay
chỉ là ngụy tạo, che đậy, lừa dối và tự lừa dối chính mình khi lý tưởng phai
nhạt, đạo đức suy đồi. Như thế, tự phê bình và phê bình là việc làm nghiêm túc,
hành động đầy trách nhiệm thiêng liêng gắn liền với sức sống của Đảng, của mỗi
một con người mang danh hiệu đảng viên.
Nó phải diễn ra thường xuyên, bền bỉ, trở thành tự nhiên, như việc rửa mặt hàng
ngày để sạch sẽ, khi nhơ bẩn được xóa đi, trở thành nhu cầu, thành lẽ sống, có
sức mạnh thôi thúc tự bên trong mỗi người. Bác Hồ đã từng nói như vậy, từng làm
như vậy, ta phải noi theo, làm theo.
Một thời gian dài, thiếu vắng lời xin lỗi, văn hóa xin lỗi, chưa tự ý thức được
văn hóa từ chức là một khuyết điểm lớn của chúng ta. Yếu kém về trách nhiệm
đã kéo dài khuyết điểm ấy. Nay nhờ tác động của tự phê bình và phê bình, chúng
ta đã nói được lời xin lỗi trước Đảng, trước dân. Đảng ghi nhận, dân thông cảm
và bao dung. Nhưng Đảng đòi hỏi và dân càng đòi hỏi, trông đợi chúng ta không
bao giờ được dừng lại ở lời xin lỗi, không được làm cho điều nghiêm túc ấy bị
hình thức hóa, vô hiệu hóa. Càng không được lợi dụng, lạm dụng đức bao dung của
người dân để lảng tránh trách nhiệm. Hành động trung thực và dũng cảm sửa lỗi,
đó là điều cuộc sống đòi hỏi, Đảng và dân mong đợi. Không làm được như vậy, để
xảy ra “hội
chứng xin lỗi” thì sẽ tiếp tục làm mất lòng tin của dân, thậm chí tình hình
sẽ nghiêm trọng hơn, xấu hơn khi dân thất vọng, chán nản, bất bình.
Có dân thì có tất cả. Mất dân thì mất tất cả. Đó là quy luật muôn đời của chính
sự và cầm quyền, đang đòi hỏi Đảng ta, từng tổ chức Đảng, từng đảng viên cán bộ
phải làm hết sức mình vì dân, để dân tin, dân yêu, dân theo, dân ủng hộ, dân
giúp đỡ và dân bảo vệ như Bác đã từng chỉ ra.
GS.TS Hoàng Chí Bảo
Theo Cổng TTĐT Chính phủ - Tiêu đề do VietNamNet đặt