Kỳ họp QH đã hoàn tất phần thảo luận về kết quả tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về HP.
Nếu coi nhân dân là chủ thể của cuộc sinh hoạt chính trị về HP thì câu hỏi rất lớn là sau kỳ họp QH này, Ủy ban Dự thảo có tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân? Giải đáp thắc mắc của báo chí, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP, cho biết nhân dân vẫn tiếp tục góp ý và sẽ được lắng nghe, tiếp thu.
"Góp ý" hay "tổ chức lấy ý kiến"?
Cách giải thích này thực ra không khác với tinh thần Công văn 250 ngày 6/3 của Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Nguyễn Sinh Hùng gửi các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành. Theo đó “kể từ sau ngày 31/3 [...] cho đến 30/9 trước khi dự thảo sửa đổi HP được trình QH thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo”.
“Góp ý” và “tổ chức lấy ý kiến” là hai cấp độ hoàn toàn khác nhau về sự tham gia của người dân vào xây dựng HP, pháp luật.
Đại biểu QH đã thảo luận về kết quả tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về Hiến pháp... Ảnh: Minh Thăng |
Nếu chỉ là “góp ý” thì nhân dân đương nhiên có quyền đó, không cần ai cho phép. Dù vậy, thực tế việc thụ động đợi dân góp ý thường không mang lại kết quả tích cực đáng kể nào. Nhiều năm nay, không chỉ QH, CP mà nhiều bộ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã chủ động đưa lên website của mình các dự thảo đó để người dân tham gia ý kiến. Tuy nhiên, ở mục lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản pháp luật, hầu hết các dự thảo đến khi hết thời gian lấy ý kiến đều “hiện chưa có góp ý nào cho dự thảo văn bản này”.
Còn “tổ chức lấy ý kiến” là cơ quan dự thảo chủ động tổ chức để người dân góp ý, là “xin” ý kiến nhân dân - nói một cách trân trọng. Đợt vừa qua, từ 2/1 đến 31/3, đã có hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, thu hút hơn 26 triệu lượt góp ý. Nhưng đó là cho dự thảo HP sửa đổi công bố toàn dân (dự thảo tháng 1).
Cho nên, quá trình thảo luận HP tới đây mà chỉ thụ động đợi dân “góp ý” thì không khó đoán kết quả của hoạt động được coi là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này. Hơn nữa, nhân dân sẽ chẳng biết nên tham gia ý kiến vào dự thảo nào. Chẳng lẽ vẫn dự thảo cũ? Hay dự thảo tháng 4 mà báo chí giới thiệu?
Bao chuyện ngổn ngang
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo HP, cho rằng nên căn cứ vào kết quả thảo luận HP thời gian qua để quyết định độ “mở” thảo luận thời gian tới.
Theo ông, tất cả diễn biến vừa qua cho thấy đang còn rất nhiều nội dung lớn của HP có ý kiến khác nhau, chưa được bàn bạc thấu đáo. Sát sườn nhất là đề án tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị được đưa ra Hội nghị Trung ương 7 với mục đích sẽ có nghị quyết mang tính đột phá. Thế nhưng đề án đã không bảo vệ nổi. “Đổi mới hệ thống chính trị chính là lõi của cải cách HP. Kết quả như thế thì đương nhiên thảo luận HP khó ngã ngũ”, ông Phúc bình luận.
Tương tự, tổng hợp kiến nghị HP từ các cơ quan của QH cho thấy có 10 ý kiến về chế định Chủ tịch nước, thì cả 10 kiến nghị nhất thể hóa chức danh này với vị trí Tổng bí thư. Đây là vấn đề vô cùng lớn, mang tính chi phối tới việc xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong HP cũng quan hệ tương hỗ của chế định này với các nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp. Nhưng đến nay, có nhất thể hóa hay không, phân công nhiệm vụ về mặt chính trị trong Đảng thế nào, vẫn chưa được rõ.
Gắn liền với mối quan tâm của các ĐBQH, kể cả đại biểu ở địa phương, trung ương là câu chuyện đổi mới mô hình tổ chức chính quyền và hoạt động của hệ thống chính trị địa phương.
Ở nội dung này đang có ba cuộc thí điểm có tính chất lồng ghép, đan xen, gồm: thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nơi không còn HĐND; thí điểm chính quyền đô thị. Cả ba cuộc thí điểm ấy đến nay chưa kết thúc, chưa được tổng kết, và kết quả như đã thấy: thảo luận HP tại QH đã không thể ngã ngũ phương án hiến định về chính quyền địa phương.
Đó là chưa kể cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đến nay vẫn dở dang, đang yêu cầu sơ kết. Là việc nghiên cứu cơ chế bảo vệ hiến pháp, phán quyết về hành vi vi hiến mà Đảng đã yêu cầu triển khai từ khóa X, đến nay vẫn còn ngổn ngang ý kiến khác nhau. Là nhận thức mới từ Đại hội XI về phát huy dân chủ nhân dân, về phân công rạch ròi, phối hợp và kiểm soát quyền lực...
Tất cả dường như mới chỉ dừng lại ở lời văn nghị quyết, và quá trình thảo luận, phân tích, đưa vào cuộc sống vẫn còn nhiều điều chưa thấu đáo, chưa đi đến thống nhất.
Những vấn đề quan trọng như thế mà chưa đi đến nhận thức chung, thì thật dễ hiểu, nhiều ĐBQH cho rằng dự thảo HP mới chưa có đột phá.
Ngổn ngang như thế, nên không khó hiểu là tại QH lại có những kiến nghị lùi việc thông qua HP đến kỳ họp thứ bảy giữa 2014, hoặc thậm chí lùi hẳn hết năm, thay vì kỳ họp thứ 6 cuối năm nay.
Vài lời gợi ý
Cũng trao đổi với cánh truyền thông, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - thành viên Ủy ban Dự thảo HP cho rằng cách tốt nhất tranh thủ tối đa thời gian còn lại từ nay đến kỳ họp QH cuối năm, thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc thảo luận về những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong HP. Mà như thế, cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về HP.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng QH kỳ họp này nên ban hành nghị quyết riêng về kết quả tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân trong đợt góp ý vừa qua, đồng thời tuyên bố tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về HP từ nay đến 30/9.
Như thế, QH mới thực sự tôn trọng nhân dân, trong tư cách chủ thể - dù chưa phải tối cao - của quyền lập hiến. Đã xin ý kiến nhân dân thì cũng phải công khai báo cáo kết quả tiếp thu, giải trình với nhân dân.
“Nếu không ra được nghị quyết riêng, thì những nội dung ấy cũng nên được lồng ghép vào một nghị quyết nào đó của QH. Như thế mới phù hợp, không trái với Nghị quyết 38 của QH kỳ họp trước (về tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo HP sửa đổi - PV)”, ông Phúc nói.
Cũng theo vị Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo HP, Ủy ban Dự thảo nên sớm hoàn thiện dự thảo, công bố công khai để nhân dân có cơ sở tiếp tục tham gia ý kiến. Nếu không, nhân dân sẽ chẳng biết dựa vào đâu mà thực hiện quyền của chủ thể tối cao quyền lập hiến cả.
Về cách thức tổ chức lấy ý kiến, ông Phúc cho rằng có thể không cần hội thảo, tọa đàm về tất cả các nội dung, điều khoản HP như đợt trước. Thay vào đó, Ủy ban Dự thảo chủ động gợi ý những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, tổ chức để người dân, giới chuyên gia, học giả tập trung tham gia, góp ý, xây dựng nhận thức chung.
Đây cũng là cách để có thể nghe được những tư vấn, gợi ý, hơi thở từ xã hội, qua đó giải quyết những vướng mắc nội tại của chính mình.
Như thế mới có thể đi đến một dự thảo khả dĩ tích cực, trình QH thông qua tại kỳ họp 6 tháng 10/2013.
Nếu coi sửa đổi HP lần này là cơ hội lịch sử, là gánh nặng trách nhiệm của QH khóa XIII, của BCH Trung ương khóa XI, thì đây có thể là gợi ý khả dĩ để không bỏ lỡ cơ hội ấy.
Nghĩa Nhân