Hệ thống giám sát của Phần Lan có một số biện pháp để giám sát các quyết định mà chính quyền mọi cấp đưa ra. Ngoài sự phản biện và xem xét bởi một cấp cao hơn, các quyết định đưa ra còn được giám sát bởi Tổ chức giám sát Tư pháp và Thanh tra nghị viện.

  • Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI)

  • Gốc rễ của thể chế Tổ chức giám sát Tư pháp bắt nguồn từ những năm 1700, khi Phần Lan là một phần của Thụy Điển. Còn Thanh tra Nghị viện thì được thiết lập năm 1922.

    Thẩm quyền của họ được đặt ra trong Hiến pháp. Cả Tổ chức giám sát Tư pháp và Thanh tra Nghị viện đều phải bảo đảm rằng, các tòa án luật pháp, những cơ quan liên quan, công chức, viên chức và những người khác đảm nhận nhiệm vụ công tuân thủ pháp luật và thực thi các bổn phận của họ. Trong nhiệm vụ của mình, hai cơ quan này còn giám sát việc thực hiện những quyền cơ bản và quyền con người.

    Tổ chức giám sát Tư pháp và Thanh tra nghị viện tiến hành đánh giá định kỳ công việc của các cơ quan hành chính và tư pháp. Họ còn tiến hành điều tra riêng biệt nếu nhận được đơn thư khiếu nại từ công chúng, hoặc ví dụ trong phản ứng với những cáo buộc sai phạm mà báo chí đưa ra. Họ có quyền khiển trách cơ quan hay cá nhân nào đó nếu phát hiện ra sai phạm và trong trường hợp nghiêm trọng, là quyền đưa ra buộc tội.

    Ảnh: Allianz
    Tại Phần Lan, công việc của Thanh tra nghị viện được bổ sung bởi những thanh tra đặc biệt cho một số lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật. Ví dụ như thanh tra về Các trường hợp phá sản hay Thanh tra Tiêu dùng. Thanh tra phá sản đảm nhận việc giám sát, đặc biệt trong điều khoản quản lý và mua bán công bằng tài sản bất động sản trong trường hợp phá sản. Thanh tra Tiêu dùng chịu trách nhiệm giám sát lợi ích của người tiêu dùng trên thị trường. Giám sát ở đây đề cập tới cả vấn đề an toàn sản phẩm và cơ cấu giá rõ ràng, hợp lý của sản phẩm. Toàn bộ những cơ quan đề cập trên đều có thể can thiệp vào tình hình thực tế hay tình hình tiềm năng của tham nhũng.

    Ngoài những cơ quan trên, còn có Văn phòng Kiểm toán Nhà nước đảm nhận giám sát công việc của nhà nước. Văn phòng này kết nối với quốc hội. Nó kiểm tra tài chính nhà nước và quản lý tài sản của nhà nước. Trong lĩnh vực kiểm toán, văn phòng tập trung vào việc đảm bảo rằng, tài chính của nhà nước được sử dụng hợp lý theo các mục tiêu mà nghị viện đề ra. Văn phòng Kiểm toán còn làm việc với chính phủ để phát triển những nguyên tắc phù hợp trong quản lý kinh tế nhà nước và tăng cường sự tín nhiệmtrong việc sử dụng quỹ công hợp pháp, đúng đắn. Là một tổ chức độc lập, Văn phòng Kiểm toán hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định của nghị viện, Hội đồng Nhà nước và chính phủ.

    Thủ tục đơn giản nhất có thể

    Phần Lan có một lực lượng cảnh sát quốc gia, chia làm 24 khu vực. Điều tra tội phạm là trách nhiệm cơ bản của cảnh sát địa phương. Khu vực cảnh sát lớn hơn có khả năng tự điều tra phần lớn trường hợp lớn và phức tạp hơn. Tuy nhiên, những vụ việc nghiêm trọng, bao gồm cả hối lộ hay các hình thức khác của tham nhũng nói chung được chuyển giao cho Cục Điều tra Quốc gia, với các nhà điều tra chuyên biệt, ví dụ như điều tra tội phạm kinh tế, tài chính.

    Đơn vị công tố hoạt động độc lập trực thuộc Văn phòng Chưởng lý. Cũng như điều tra, việc truy tố được thực hiện ở cấp địa phương, nhưng trường hợp hối lộ và các hình thức tham nhũng khác có thể được chuyển giao trách nhiệm cho các công tố viên quốc gia làm việc tại Văn phòng Chưởng lý.

    Phần Lan không có một đơn vị chuyên trách điều tra hay truy tố tội phạm liên quan tới tham nhũng. Phần Lan theo mô hình của Đức với hệ thống tòa án song song, một cho các trường hợp “thông thường” và một cho các trường hợp hành chính. Cả hai hệ thống này tương đối đơn giản. Trường hợp “thông thường” gồm tòa án quận, tòa kháng cáo và Tòa tối cao.

    Trong vụ án hành chính, mỗi quyết định của cơ quan hành chính có thể được đệ trình hay kháng cáo với một tòa án hành chính, và quyết định của tòa án hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án Hành chính Tối cao.

    Hai hệ thống tòa án này đều có vai trò trong ngăn chặn tham nhũng. Tòa án “thông thường” xử lý các vụ án dân sự và hình sự do đó sẽ giải quyết những cáo buộc tham nhũng. Vai trò của hệ thống tòa hành chính là đánh giá lại một quyết định hành chính có được thực hiện theo trình tự phù hợp và thực hiện trên nền tảng hợp lý hay không.

    Tiếp cận với hai hệ thống này được đảm bảo ở mức đơn giản nhất có thể. Luật Thủ tục Tố tụng và Luật Thủ tục Tố tụng Hành chính đã được soạn thảo để đảm bảo rằng những người tin là quyền lợi của họ bị vi phạm có thể đưa vấn đề ra tòa. Nói chung, người có liên quan pháp lý có thể tự mình đưa sự việc ra tào mà không cần tới luật sư. Tuy nhiên, họ cũng dễ dàng có được sự trợ giúp pháp lý. Kết quả là, nếu có người tin rằng, chuyện tham nhũng ảnh hưởng tới một quyết định, và quyết định ấy ảnh hưởng tới quyền lợi của họ, họ được tạo cơ hội thuận lợi để đưa sự việc ra tòa để xem xét lại quyết định.

    Chưởng lý và Thanh tra Nghị viện giám sát hoạt động của tất cả quan chức chính phủ, từ cấp cao nhất hay thấp hơn. Cả hai đều độc lập, được phép điều tra, kiểm tra hoạt động của các thành viên Nghị viện, bộ trưởng hay thậm chí là người đứng đầu nhà nước. Bất cứ người dân nào không nhất trí với một quyết định hành chính liên quan đến quyền hay bổn phận của mình có thể tìm tới một tòa án hành chính. Tòa án hành chính tối cao là nơi quyết định cuối cùng trong một trường hợp kiện tụng liên quan.

    Truyền thông - chìa khóa chặn tham nhũng

    Hệ thống giáo dục tại Phần Lan được coi là một trong những hệ thống hiệu quả nhất thế giới. Do đó, người dân Phần Lan có khả năng tương đối tốt để nắm bắt, nhận thức, thực hiện và bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ít nhất về lý thuyết, họ có thể hiểu biết được sự việc tham nhũng khi đối mặt, hiểu rằng điều đó không thể chấp nhận được, và có thể đưa sự việc ra tòa án hay những cơ quan khác có trách nhiệm xem xét vấn đề.

    Xã hội Phần Lan có thể mô tả ngắn gọn là dân chủ và bình đẳng. Năm 2008, Phần Lan đứng thứ hai (sau Na Uy) về chỉ số bình đẳng giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra.

    Người dân Phần Lan có mức sống cao. Nước này đứng thứ bảy trong Chỉ số Phát triển Con người của UNDP năm 2008. Mức lương trong cả lĩnh vực công và tư nhân có thể nói là hợp lý, và khác biệt không lớn trong thu nhập. Từ quan điểm phòng chống tham nhũng thì, sự bình đẳng tương đối trong thu nhập kết hợp với mức sống cao có thể được xem là một rào cản với việc nhận hối lộ.

    Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ. Nhiều quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân như thuế khóa, đường sá, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đều được thực hiện tại địa phương. Điều này tạo ra động lực khuyến khích rõ ràng với người dân khi tham gia vào chính quyền địa phương, hay ít nhất là thúc đẩy họ chú tâm, quan sát những người đưa ra quyết định tại địa phương.

    Các dịch vụ phúc lợi tại Phần Lan được mở rộng đặc biệt kể từ những năm 1950. Các nhân tố chính trong hệ thống an sinh xã hội của Phần Lan là miễn phí giáo dục toàn diện, giáo dục cao hơn và chăm sóc y tế cơ bản với tất cả mọi người. Nhà nước chịu trách nhiệm chăm sóc các nhóm thất nghiệp và khuyết tật.

    Nhìn chung, truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong ngăn chặn tham nhũng ở Phần Lan. Họ có thể đưa ra các câu hỏi, bắt đầu thảo luận về sự minh bạch, chính nghĩa, giải quyết với các giải pháp khác nhau. Sự độc lập của báo chí cũng được áp dụng. Thậm chí một lỗi nhỏ nhất của quan chức cũng bị báo chí để ý tới, đôi khi còn hơn cả những thông tin quan trọng khác, và ngay lập tức, vị quan chức ấy sẽ bị mất tín nhiệm. Vai trò của truyền thông có lẽ đặc biệt mạnh mẽ, lớn lao tại Phần Lan – nơi tỉ lệ người đọc báo và sử dụng internet nằm trong hàng cao nhất thế giới.

    Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.

    Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

    VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.