- Thảo luận ở tổ chiều 1/11, nhiều ĐBQH cho rằng cần mạnh dạn xóa bỏ thủy điện nhỏ. Đã đến lúc cần dừng lại để xử lý hậu quả mà các công trình này gây ra.


Đóng góp ít, gây thiệt hại nhiều

Các ĐBQH đồng loạt nêu bức tranh tổng quát về hậu quả mà thủy điện (đặc biệt là thủy điện nhỏ) để lại thời gian qua: Tàn phá rừng, tài nguyên khoáng sản, đất đai, tàn phá môi trường sống, môi trường sinh thái, biến đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông, một loạt bất cập về chính sách định canh định cư cho người dân hi sinh đất đai để xây dựng công trình …

Đặc biệt là vấn thủy điện xả lũ gây hậu quả nặng nề cho người dân hạ du. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu bất cập trong việc vận hành công trình thủy điện, điều phối nước: “Người tháo nước cứ tháo, người tích nước cứ tích. 65% công trình chưa có quy chế vận hành, ảnh hưởng đến lũ lụt, đời sống nhân dân”.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Các thủy điện nhỏ có đóng góp được bao nhiêu đâu mà tàn phá quá nhiều?

Vì thế, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bức xúc: “Báo cáo của Chính phủ cho thấy thủy điện đóng góp 44% tổng sản lượng điện của cả nước, nhưng chủ yếu là từ các công trình thủy điện chiến lược do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành. Còn các thủy điện nhỏ có đóng góp được bao nhiêu đâu mà tàn phá quá nhiều?”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất sửa luật để ngăn chặn thủy điện nhỏ: “Tôi đề xuất nghiên cứu xóa bỏ thủy điện nhỏ để bảo vệ được môi trường, tránh thiệt hại cho người dân”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đồng tình, cho rằng phải “cấm tiệt” doanh nghiệp tư nhân làm thủy điện, đồng thời truy cứu trách nhiệm xem tổng số rừng, số gỗ khai thác được khi xây dựng các công trình xây dựng thì ai là người tận thu và sử dụng? Việc trồng rừng thay thế còn thiếu quá nhiều cũng phải truy xét trách nhiệm, kể cả khi đã nghỉ hưu, không phải cấp dự án xong là xong.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đề xuất Chính phủ giao vấn đề quy hoạch, phát triển, quản lý thủy điện cho đầu mối là Bộ Công thương quản lý (đồng thời gắn trách nhiệm với các bộ ngành liên quan. ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng nhất trí không giao thủy điện cho địa phương mà cần quản lý theo tầm Chính phủ và bộ chủ quản là Bộ Công thương.

Quy hoạch ngược

Vừa nêu quan điểm “nên hạn chế tối đa thủy điện nhỏ”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) vừa nêu thực trạng “quy hoạch ngược” trong lĩnh vực thủy điện.

{keywords}
ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề xuất nghiên cứu xóa bỏ thủy điện nhỏ để bảo vệ được môi trường

Theo ông, có không ít dự án thủy điện nhỏ bị loại bỏ do chưa có nhà đầu tư. “Anh lập quy hoạch vào chỗ có nhà đầu tư, chỗ nào không có nhà đầu tư thì anh bỏ quy hoạch. Như thế có phải cứ lập quy hoạch vào những chỗ nhà đầu tư đ㠓xí phần” từ trước? Hay thực sự anh đã lập quy hoạch một cách khách quan?”.

Để chứng minh cho quan điểm “nhà đầu tư các thủy điện nhỏ chỉ có mục tiêu kinh tế”, ông đặt ra tình huống lãnh đạo địa phương giao rừng cho nhà đầu tư sau khi đã khai thác xong để nhà đầu tư lập hồ chứa nước. “Như thế nhà đầu tư có làm không? Chắc chắn họ không làm đâu, vì không còn lợi nhuận để khai thác”, ông nói.

Các ĐBQH cũng đặc biệt lưu ý cần rà soát các dự án thủy điện còn lại (sau khi đã loại bỏ 424 dự án khỏi quy hoạch). “815 dự án còn lại, ai đảm bảo là tất cả đều không ảnh hưởng đến môi trường? 815 dự án này đương nhiên được công nhận là đảm bảo rồi hay sẽ tiếp tục bị rà soát?”, ĐB Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì đánh giá nếu rà soát kỹ, nghiêm túc ắt sẽ có thêm nhiều dự án bị loại bỏ, công tác thẩm tra rà soát quy hoạch thực sự đáng báo động chứ không phải an toàn và an tâm như trong báo cáo. Các ĐB nhất trí với các dự án đang vận hành thì phải tổng kiểm tra trở lại, tiếp tục mạnh dạn loại bỏ những dự án không đạt yêu cầu.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành khi đã tiến hành rà soát, loại bỏ nhiều dự án thủy điện, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây cũng là vấn đề “cần rút kinh nghiệm của QH”.

“Chọn cái gì cần trúng cái đó, QH có trách nhiệm kiểm tra, không thể để tràn lan như thế này, cần tham mưu Chính phủ ký quy hoạch thủy điện”, Chủ tịch QH nói.

Cẩm Quyên - Tá Lâm - Ảnh: Lê Anh Dũng