Bắc Kinh biến nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát không phận quanh quần đảo tranh chấp với Nhật thành một phép thử với Mỹ.
Hải quân Mỹ triển khai máy bay do thám tới Nhật trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì tranh chấp ở Hoa Đông. Ảnh: Getty Images |
Thoạt nhìn thì việc Bắc Kinh quyết định thành lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông đánh dấu một động thái leo thang mới trong cuộc tranh chấp lâu dài với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là Bắc Kinh quyết tâm đương đầu với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Đông Á đang trở thành một nơi nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California năm nay, ông đã nói rằng, Thái Bình Dương có đủ chỗ chứa cho cả hai cường quốc. Suy luận ra nghĩa là, Mỹ và Trung Quốc nên cùng phân chia chiến lợi phẩm. Rộng hơn nữa thì lời nói của ông Tập dường như cũng là sự ngầm hiểu rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận nguyên trạng khi Mỹ vẫn còn chiếm sức mạnh ưu việt ở Thái Bình Dương.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự quản lý của Nhật từ cuối thế kỷ 19, ngoại trừ một thời gian do Mỹ kiểm soát sau Thế chiến II. Trong đầu những năm 1970, Trung Quốc đã khơi lại tuyên bố chủ quyền nhưng ít khi thúc ép hay tiến tới về vấn đề này suốt nhiều thập kỷ.
Kể từ Olympic 2008, Bắc Kinh bắt đầu thông qua cách tiếp cận quả quyết hơn, khi thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải và không phận vùng lãnh thổ tranh chấp. Điều đó khiến Mỹ phải ra lời cảnh báo, khu vực này thuộc phạm vi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật.
Cam kết ấy của Mỹ giờ đây đang được thử nghiệm. Bắc Kinh muốn tìm cách trả lời cho câu hỏi liệu ông Obama sẽ đi được bao xa để duy trì trật tự hiện tại? Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là đẩy Mỹ đi xa vùng bờ biển của họ, thiết lập quyền bá chủ ở Hoa Đông và Biển Đông.
Liệu một nước Mỹ mệt lử vì các cuộc chiến Trung Đông có sẵn ý chí chính trị để rủi ro lao vào xung đột tại châu Á nhằm bảo vệ một nhóm đảo không người ở? Không phải là ngẫu nhiên khi động thái mới của Bắc Kinh trùng khớp với một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của ông Obama.
Toan tính
Quyết định của Washington khi điều 2 máy bay ném bom B52 tới cái gọi là Vùng xác định phòng không, phớt lờ yêu cầu nhận diện của Trung Quốc cho thấy, Mỹ hiểu rõ bản chất của thách thức.
Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gọi động thái của Trung Quốc là "nỗ lực gây mất ổn định để phá hủy hiện trạng khu vực". Còn Bắc Kinh thì đang lao vào một cuộc chơi dài. Vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có giữ vững sức mạnh để đối chọi với lực đẩy của Trung Quốc cho vị trí bá quyền.
Tác động trực tiếp của quy định bay mới mà Bắc Kinh đưa ra đẩy cao nguy cơ xung đột vũ trang với Nhật quanh quần đảo tranh chấp. ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố chồng lấn với ADIZ mà Tokyo thiết lập lâu nay. Rủi ro hiểu lầm ở cả hai bên hiện có thể không đáng kể. Về phía ông Shinzo Abe, vị thủ tướng nặng về chủ nghĩa dân tộc quả quyết không nhượng bộ người láng giềng hùng mạnh, nhưng cũng không quá bị ảnh hưởng bởi lời cảnh báo của Mỹ rằng, Tokyo nên chơi "đúng phần mình" nhằm hạ nhiệt chính trị.
Ông Abe đang tìm kiếm sự ủng hộ trong việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản, cung cấp phạm vi và sứ mệnh rộng hơn cho quân đội trước nay chỉ mang tính chất lực lượng phòng vệ. Một vụ đụng độ, sự cố dù vô tình hay cố ý với Trung Quốc quanh Senkaku/Điếu Ngư sẽ chỉ cung cấp thêm lý lẽ biện minh.
Điều đó rõ ràng đặt ông Obama vào vị thế không hề thoải mái. Mỹ tuyên bố rõ với Trung Quốc là họ đứng sau Nhật trong cuộc tranh chấp, nhưng cùng lúc đó lại muốn tránh khuyến khích ông Abe đổ dầu vào lửa trong khu vực. Từng ngày từng giờ, mỗi quốc gia láng giềng với Trung Quốc đều dõi theo sát sao cách Washington cân bằng giữa hai mục tiêu.
Vô tình hay hữu ý, Bắc Kinh giờ đây đang biến sự kiểm soát không phận quanh Senkaku/Điếu Ngư trở thành một phép thử cho cam kết an ninh của Mỹ với Đông Á. Nếu Washington chấp thuận các quy định mới của Trung Quốc thì họ đã gửi đi tín hiệu tới các nước khác trong khu vực rằng, Mỹ khó có thể còn trông chờ được trong sứ mệnh bảo vệ nguyên trạng trước Trung Quốc.
Nếu chứng minh vai trò vẫn luôn là một cường quốc bằng cách thường xuyên tuần tra không phận tranh chấp, Mỹ sẽ phải chấp thuận ít nhiều đụng chạm với Bắc Kinh.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có vẻ là những học sinh lịch sử siêng năng. Sự trỗi dậy của Đức cuối thế kỷ 19 trở thành điểm nhấn trong chương trình giảng dạy về chính sách đối ngoại Bắc Kinh. Họ có thể sẽ không lặp lại sai lầm thời quá khứ, khi những láng giềng Đức đoàn kết chống lại sự trỗi dậy của một cường quốc. Nhưng Trung Quốc đang quyết tâm khẳng định sức mạnh của mình. Và, nhiều sai lầm lịch sử thường được lặp lại.
Thái An (theo Financial Times)