Căng thẳng hiện tại ở Hoa Đông là một lời nhắc nhở "lạnh lùng" về câu chuyện quá khứ khi Nga bắn hạ chiếc Boeing của Hàn Quốc tháng 9/1983.


{keywords}
Ảnh: EPA

Trung Quốc gần đây đã tuyên bố thành lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông. Động thái này không chỉ khiến Nhật mà các đồng minh gồm cả Mỹ lo lắng. Mỹ lập tức điều hai máy bay ném bom B52 tới khu vực mà không tuân thủ quy định mới của Trung Quốc.

Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" cũng đã đủ để khiến căng thẳng lên tới đỉnh điểm, nhưng với sự qua lại thường xuyên của các hãng hàng không thương mại rất dễ dẫn tới hiểu lầm, sự cố. Điều này khiến người ta nhớ lại số phận chuyến bay của hãng hàng không Hàn Quốc cách đây 30 năm.

Một ngày tháng 9 năm 1983, máy bay chở khách Boeing 747 của hãng Korean Airlines theo lộ trình từ sân bay JFK tới Seoul, Hàn Quốc, dừng lại tiếp dầu ở Anchorage, Alaska, đã bay nhầm vào không phận cấm của Liên Xô. Một máy bay chiến đấu Nga lập tức được điều động và bắn hạ chiếc Boeing rơi xuống Biển Nhật Bản.

Liên Xô khi đó đã đổ lỗi cho Mỹ, rằng vụ bắn hạ máy bay là một trường hợp xâm nhập không phận có chủ ý từ trước với động cơ gián điệp. Kết quả là, toàn bộ 269 hành khách và phi hành đoàn (gồm 62 công dân Mỹ) tử nạn.

Câu chuyện quá khứ hiển hiện trong bối cảnh hiện tại. Và không cần phải nói rằng, các hãng hàng không cần được khuyến cáo phù hợp khi qua vùng tranh chấp hoặc tránh bay qua đây; hay nếu buộc phải qua, họ nên tuân thủ quy định mà Trung Quốc đưa ra.

ADIZ ở Biển Đông?

Tờ China Post dẫn lời cơ quan quốc phòng Đài Loan hôm 1/12 rằng, Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ mới ở Biển Đông sau động thái tương tự ở Hoa Đông.

Theo báo cáo của cơ quan quốc phòng Đài Loan, mục tiêu của Trung Quốc còn bao gồm ý đồ thách thức cơ chế an ninh tồn tại bấy lâu trong khu vực do Mỹ dẫn dắt, tạo nền tảng pháp lý căn bản cho các yêu sách chủ quyền trong trường hợp phán quyết các tranh chấp ở Hoa Đông. Báo cáo nhấn mạnh, ADIZ cho phép Trung Quốc đối phó với các biện pháp trinh sát điện tử hải quân và không quân của Mỹ và Nhật Bản trong vùng.

Ngay sau động thái mới của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Australia đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về khả năng làm leo thang tranh chấp và gây bất ổn khu vực.

Thái An (theo Forbes, China Post)