Căng thẳng lên cao sau khi Bắc Kinh tuyên bố những quy định cho cái gọi là "Vùng xác định phòng không Hoa Đông" bao gồm cả khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
Ảnh: Reuters |
Thứ 7, 23/11, Bắc Kinh đưa ra "vùng xác định phòng không" gồm không phận phía trên quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư (quần đảo này Nhật đang kiểm soát và gọi là Senkaku).
Dĩ nhiên Nhật Bản mạnh mẽ phản đối điều này. Hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói rằng, Tokyo không công nhận sự phân chia của Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo động thái của Bắc Kinh "sẽ châm ngòi cho những sự việc không lường trước được".
Những quy định của Bắc Kinh là, máy bay bay qua không phận nói trên phải thông báo kế hoạch bay cho giới chức Trung Quốc, giữ liên lạc radio, ghi rõ nước và logo. "Các lực lượng vũ trang Trung Quốc được phép áp dụng những biện pháp phòng thủ khẩn cấp để phản ứng với bất kỳ máy bay nào không hợp tác trong nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ chỉ dẫn", Tân hoa xã nhấn mạnh.
Một cuộc chiến đã được kích hoạt bắt đầu từ vài đảo đá không người ở. Hơn một năm qua, căng thẳng giữa hai nước chưa hề lắng dịu xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư khi chủ nghĩa dân tộc lên cao ở cả Trung Quốc và Nhật Bản kể từ khi Tokyo mua một số đảo trong tháng 9/2012.
Cuộc chạy đua quân sự giữa hai người khổng lồ châu Á cũng tăng theo từ đó. Năm nay, Nhật đã ra mắt tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II, trong khi ngân sách quân sự Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Nhật thường xuyên phải điều máy bay chặn cái mà họ gọi là mối nguy từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tăng cường đưa hàng loạt tàu, máy bay chính phủ tới vùng nước xung quanh quần đảo tranh chấp.
Một Trung Quốc hiện tại đang tích cực hơn trong việc theo đuổi các lợi ích lãnh thổ trên biển - cả Biển Đông và Hoa Đông - khiến quan hệ giữa nước này với nhiều láng giềng xấu đi. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường sự kiểm soát với các đảo đá, vỉa đá ngầm, xúc tiến du lịch và các cơ hội kinh doanh tại những khu vực tranh chấp.
Hồi cuối tuần, Mỹ - nước ký hiệp ước phòng thủ chung với Nhật - đã tuyên bố quan ngại sâu sắc. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nêu rõ: “Chúng tôi coi diễn biến này là nỗ lực làm xói mòn nguyên trạng trong khu vực. Hành động đơn phương này làm gia tăng nguy cơ hiểu nhầm, hiểu sai".
Khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, song Washington nhắc lại rằng, hiệp ước liên minh giữa Mỹ và Nhật bao trùm khu vực quần đảo. Đầu tháng tới, các quan chức Trung Quốc sẽ có cơ hội thảo luận lập trường của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ khi Phó Tổng thống Joe Biden thực hiện chuyến công du châu Á, trong đó có Nhật Bản.
Cuộc chơi vô trách nhiệm
Cuộc tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung đang ngày càng tiến sát tới bờ vực nguy hiểm. Ranh giới Vùng xác định phòng không mà Trung Quốc đưa ra ở Hoa Đông cũng là nơi máy bay Nhật thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra giám sát vì Tokyo coi đó là không phận của mình. Bởi thế, động thái của Bắc Kinh sẽ tạo cơ hội cho đụng độ, sự cố hay những điều tương tự.
Cuối thế kỷ 19, Trung Quốc cáo
buộc Nhật "đánh cắp" quần đảo trong chiến tranh. Tokyo thì khẳng định quần đảo
trở thành lãnh thổ hợp pháp của họ năm 1895 sau khi Nhật phát hiện ra nó. Bắc
Kinh áp dụng luận điệu như thường đưa ra trong những cuộc tranh chấp rằng quần
đảo là một phần lãnh thổ họ từ thời xa xưa và cần được trả lại sau năm 1945.
Dù muốn hay không, dù đưa ra yêu sách thế nào, thì Nhật là nước đã quản lý quần đảo này hơn 100 năm, và Trung Quốc đang tìm cách đảo lộn nguyên trạng ấy bằng sự hăm dọa.
Với vị trí địa lý quan trọng của quần đảo, nếu kiểm soát được chúng, Bắc Kinh sẽ thực hiện được tham vọng hải quân vươn ra ngoài bờ biển. Căng thẳng trở nên nguy hiểm gấp bội vì hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật.
Nếu Trung Quốc tin tưởng luật pháp quốc tế đứng về phía họ, thì họ nên đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Hai bên cần gác tranh chấp để tiến tới giải pháp tốt hơn trong tương lai như cùng chia sẻ tài nguyên. Làm phức tạp thêm tình hình chỉ là một cuộc chơi vô trách nhiệm.
Thái An (theo Time, Financial Times)