Việc Trung Quốc ngày càng mở rộng cam kết an ninh quốc gia, bao gồm lời cảnh báo áp dụng các biện pháp cứng rắn ở Hoa Đông đang đặt lên vai quân đội của chính nước này sức ép lớn trong khi vẫn phải cố gắng bắt kịp các đội quân đối thủ.
Lính hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Reuters |
Theo Susan Shirk, cựu quan chức thời Clinton, lực lượng phòng vệ bờ biển mới thành lập vẫn đang hoàn thiện cơ cấu chỉ huy thống nhất. Còn phi công lái máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn chưa được đào tạo bài bản ngang bằng các cộng sự khác trong khu vực, nhà nghiên cứu Ian Easton tại Arlington, Virginia cho biết.
Chi cho quốc phòng tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006, Trung Quốc vẫn đang ở giữa công cuộc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Trong khi Mỹ nhanh chóng dồn thêm nhiều tài nguyên quân sự về châu Á - Thái Bình Dương; còn Nhật Bản thì không ngừng mở rộng khả năng hải quân. Khoảng cách tương đối xa cũng thách thức khả năng Trung Quốc triển khai ở Biển Đông.
“Có thể hiểu như là thùng rỗng kêu to", Richard Bitzinger, nhà nghiên cứu cấp cao Trường S. Rajaratnam chuyên về phân tích hiện đại hóa quân sự Trung Quốc nói. “Giám sát một khu vực rộng lãnh thổ rộng lớn như vậy có lẽ nằm ngoài các khả năng của họ".
Những tiến bộ trong công nghệ tàng hình, tên lửa phòng thủ, đóng tàu... đều cho thấy sự trỗi dậy của một quân đội với các ưu tiên thay đổi từ phòng thủ quốc gia sang khẳng định vị thế. Một báo cáo 2013 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, lợi ích quân sự của Trung Quốc được mở rộng bao gồm cả "thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và xây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài".
Chính tướng Lạc Nguyên, Trung Quốc viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu tháng 2 rằng, việc hiện đại hóa quân sự đã thu hút sự chú tâm của láng giềng cũng như nhiều cường quốc khác trong đó có Mỹ. Đó là chưa kể nhiều vấn đề sâu xa còn tồn tại như tham nhũng trong đội ngũ khi các quan chức quân sự sở hữu xe hơi xa xỉ, đi nghỉ bằng quỹ công... đã làm xói mòn hiệu quả hoạt động của quân đội.
Cựu quan chức Shirk khẳng định, kể cả việc tăng cường tuần tra xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông cũng khiến quân đội chịu nhiều sức ép.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông Shirk là phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương. “Tôi biết điều này từ các cuộc thảo luận với lực lượng phòng vệ bờ biển Trung Quốc, rằng tuần tra ở quần đảo tranh chấp rõ ràng là tác động tới khả năng của họ. Họ đưa tất cả các tàu, sơn biển hiệu mới trên đó, nhưng nhiệm vụ tích hợp chúng vào sự chỉ huy thống nhất sẽ cần thời gian dài".
Chính phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng thừa nhận, mức độ hiện đại hóa quân sự không so sánh được với các lực lượng vũ trang hiện đại khác của thế giới. Ông viết trong cuốn sách giải thích phác thảo cải tổ của chính phủ nước này rằng, có "khoảng cách lớn" giữa quân đội và các nhu cầu an ninh quốc gia.
Việc Trung Quốc lập ra Vùng xác định phòng không bao gồm quần đảo mà Nhật đang quản lý đã dẫn tới sự chỉ trích của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden - người có chuyến công du Nhật và Trung Quốc tuần này. Ông cho rằng, động thái của Bắc Kinh gây ra "sự lo ngại đáng kể trong khu vực".
Trung Quốc sẽ gánh "trách nhiệm ngày càng gia tăng trong yêu cầu đóng góp tích cực với hòa bình và an ninh", ông Biden phát biểu ở Bắc Kinh. "Điều đó có nghĩa là họ cần có những biện pháp giảm bớt nguy cơ sự cố, hiểu nhầm dẫn tới xung đột".
Khi Trung Quốc tập trung sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương, họ sẽ phải cạnh tranh với khả năng quân sự Mỹ - quốc gia mà chỉ riêng không quân đã có hơn 400 máy bay do thám so với 100 chiếc của Trung Quốc trong toàn bộ lực lượng vũ trang.
Mỹ đã đưa ra các mục tiêu xoay trục về châu Á. Trong số đó có tái sắp xếp khoảng 60% tài sản hải quân ở khu vực vào năm 2020 thay vì 50% hiện tại. Lầu Năm Góc cũng đã đạt được thỏa thuận với Australia để điều động luân phiên 2.500 lính thủy đánh bộ tới nước này.
Thái An (theo businessweek)