- Những sửa đổi "khiêm tốn" đối với việc lấy phiếu tín nhiệm khiến ĐBQH không hài lòng. Thảo luận tại tổ chiều 6/6, đa số đề nghị chỉ nên có 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" cho gọn gàng, rõ ràng.
>> Tiếp
tục lấy phiếu tín nhiệm cuối năm nay
>> Giữ
nguyên 3 mức lấy phiếu tín nhiệm
>> Nếu
2 mức tín nhiệm, nhiều cán bộ bị bỏ phiếu
>> Không
đủ 50% phiếu tín nhiệm thì nên từ chức
Sau một năm có năng lực hay không biết ngay
Nhiều ĐB muốn lấy phiếu mỗi nhiệm kỳ 2 lần. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị lấy phiếu lần đầu là cuối năm thứ 2 và lần hai cuối năm thứ 4. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lại đặt mốc sau 1 năm rồi sau 3 năm."Một năm là đủ làm được nhiều việc, người biết mà tự điều chỉnh được thì sẽ tiến bộ", bà An nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ quan điểm "bổ nhiệm một năm mà chưa làm được việc thì phải xem".
"Công tác cán bộ giờ phải quyết liệt hơn, chứ có cái ghế rồi ngồi lên tiêu tiền của Nhà nước là rất nguy hại. Nếu có năng lực, trí tuệ thì Đảng, Nhà nước, nhân dân không tiếc tiền của vì tin rằng ngồi đó anh làm tốt, phục vụ nhân dân. Còn không làm được thì ngồi đấy làm gì cho nhân dân cơ cực", ông Đương nói.
ĐB Trần Du Lịch: Một năm mà không thể hiện được năng lực thì chờ đến giữa kì làm gì? |
ĐB Trần Du Lịch cùng đoàn đồng tình: "Sau một năm có năng lực hay không biết ngay. Ở nhiều nước, Tổng thống 100 ngày, bộ trưởng 6 tháng. Một năm mà không thể hiện được năng lực thì chờ đến giữa kì làm gì? Vị nào không đủ năng lực thì cảnh báo và chuẩn bị người thay thế để làm tốt nhất có thể".
Trong khi đó, Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà ủng hộ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.
"Qua lần lấy phiếu đầu tiên thấy nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã tiến bộ, đưa ra được nhiều giải pháp mới giao thông, ngân hàng... Ngược lại có vị vẫn còn hạn chế, chưa thấy tiến bộ", ông Hà nói.
Không giải thích được cho cử tri
Nhiều ĐB cho rằng nếu giữ nguyên 3 mức lấy phiếu tín nhiệm thì "coi như không sửa gì", đây cũng là vấn đề cử tri băn khoăn trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc là người hiếm hoi có ý kiến đồng tình 3 mức. Nhưng ông muốn để "tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp" thay cho cách gọi tên hiện nay.
Đa số ĐB đề nghị chỉ 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" cho gọn gàng, rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Ba mức tôi thấy rất vô lý |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: "Với tầm hiểu biết của mình, tôi thấy chỉ cần 2 mức, ai có nhiều tín nhiệm chứng tỏ được ĐBQH tín nhiệm cao và ngược lại.
"Ba mức tôi thấy rất vô lý. Cử tri cũng nói hai mức rất dễ hiểu, thông thường, sao QH lại làm khác đi, tôi không giải thích cho họ được", bà Tâm phản ánh.
Ông Đỗ Văn Đương đồng tình: Lấy phiếu xong tổng hợp kết quả mới biết cao thấp thế nào, chứ chưa bỏ phiếu đã phải có 3 mức thì đó là suy nghĩ rất không bình thường, mà là suy đoán, tưởng tượng, nặng bao cấp, khiến việc lấy phiếu bị phân tán, không tập trung.
"Nên lấy 2 mức 'tín nhiệm' và 'tín nhiệm thấp', trên 50% là tín nhiệm, dưới 50% là tín nhiệm thấp. Có gì đâu mà sợ, đã không đưa ra thì thôi, đã đưa ra lấy phiếu thì phải đàng hoàng", ông Đương nói.
ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng thấy 3 mức không phân biệt được rõ ràng để mà đánh giá: "Hai mức để khẳng định thái độ của QH, HĐND khi giao việc cho một người làm công tác điều hành đất nước, địa phương".
Bà Bùi Thị An đồng tình 2 mức: "Trong một tổ chức có thể có cán bộ làng nhàng chứ trong một con người thì không nên".
Ông Chu Sơn Hà cũng nhận định nói lấy phiếu 3 mức để phân biệt với bỏ phiếu tín nhiệm là chưa thuyết phục.
"Hai mức là đủ để biết mình được tín nhiệm cao hay thấp, đã đến barie chưa, nếu thấp thì phải có giải pháp trong công việc. Với ĐB cũng không cần 3 mức, họ đủ bản lĩnh để phân biệt mức độ tín nhiệm của mình với những người được lấy phiếu", Phó đoàn Hà Nội nói.
Thi lần 1 không đạt thì thi lại?
Hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm cũng là điểm nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thấy trên 50% tín nhiệm thấp được thêm một cơ hội là bỏ phiếu tín nhiệm thì "giống trong giáo dục": Học 5-6 năm kiểu gì cũng ra trường, thi lần 1 không đậu thì cố chế ra lần 2, lần 3 để cuối cùng cho ra trường bằng được.
Còn việc một người làm không đạt yêu cầu mà phải từ chức nghe còn khó hơn tất cả các việc khác, theo bà Lan.
Bà Bùi Thị An: Từ chức là chuyện bình thường, không nên băn khoăn |
Bà Bùi Thị An thấy quá 50% tín nhiệm thấp thì nên vận động người đó từ chức luôn, "đó là chuyện bình thường, không nên băn khoăn".
Nhưng Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son lại thấy "từ chức là tự nguyện", nên mới có chuyện quá nửa tín nhiệm thấp thì kỳ sau bỏ phiếu.
"Đó cũng là áp lực để họ suy nghĩ về việc từ chức", ông Son nói. "Còn quá 2/3 tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu luôn trong kỳ đó, dứt khoát, mạnh mẽ, tiến bộ, tôi hoàn toàn đồng tình".
Nhưng cũng vì "từ chức là chuyện cá nhân, QH xem xét tín nhiệm là việc của QH", nên một số ý kiến ĐB đề nghị không đưa vào nghị quyết này mà có quy định riêng về việc từ chức.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thì thấy việc lấy phiếu để tiến tới bỏ phiếu là không khả thi nên đề nghị làm rõ các điều kiện bỏ phiếu tín nhiệm khác.
"Tôi thiết tha đề nghị giải mã việc 20% ĐB muốn bỏ phiếu tín nhiệm, ai tập hợp để có con số này. Đây mới là kênh quan trọng nhất tiến tới bỏ phiếu, việc mà Hiến pháp quy định từ năm 2001 đến nay vẫn chưa thực hiện được lần nào", ông Quyền nói.
Các ĐB sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này ngày 13/6 trước khi biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp ngày 24/6.
C.Hoàng - C.Quyên - Ảnh: L.A.Dũng - P.Hải