Việc TQ cải tạo đảo, xây dựng tiền đồn quy mô lớn ở Biển Đông là sự vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà TQ từng nhất trí tuân thủ, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã lên án các hành động TQ khi họ “chiếm giữ những tính năng đất đai không có người ở, vượt xa những gì có thể coi là duy trì nguyên trạng”.
"Nguyên trạng được áp dụng vào năm 2002 khi 10 nước ASEAN và TQ đạt được thỏa thuận về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuyên bố này yêu cầu rõ ràng các bên tự kiềm chế, tránh chiếm giữ những tính năng đất không có người ở và giữ nguyên như thế”, ông Russel nói trong cuộc trao đổi qua điện thoại với báo giới ở Myanmar tuần qua.
TQ bắt tay vào quá trình cải tạo đất để xây dựng đường băng và nhiều công trình quân sự khác trên đảo Gạc Ma từ tháng 2/2014. Đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của VN nhưng TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988. Ảnh: Reuters |
Ông cho rằng, hành xử của TQ không đóng góp cho những cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – vùng biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cũng nhắc lại cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng, hăm dọa hay sử dụng vũ lực trong các khu vực hàng hải là “không thể chấp nhận”. Ông kêu gọi, các nước liên quan có thể chọn giải pháp ngoại giao hoặc pháp lý để giải quyết vấn đề.
Ông Russel cũng duy trì lập trường trung lập của Mỹ. "Lời khuyên chân thành mà chúng tôi đưa ra với các nước có liên quan là họ nên thể hiện sự kiềm chế và tìm ra các biện pháp hợp tác, ngoại giao để giải quyết bất đồng”, ông nói.
Ông Russel, người mang sứ mệnh quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại của chính quyền Obama nhằm “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương, đã thúc giục TQ giữ tự do ở Biển Đông.
"Biển Đông và các lộ trình vận chuyển của nó rất quan trọng với kinh tế toàn cầu. Thế giới cần những tuyến đường biển ấy được đảm bảo. Và thế giới cần tài nguyên trong khu vực được quản lý một cách có trách nhiệm và bền vững”, ông nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ còn khẳng định, vùng biển mà tranh chấp đang leo thang này là nơi sinh sống đa dạng và phong phú của sinh vật biển, dồi dào trữ lượng khoáng sản và hydrocarbon; vùng biển này sẽ mang lại lợi ích cho khu vực trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu thịnh vượng.
Trước đó, ông Russel đã đưa ra một đề xuất không chính thức rằng, TQ và các nước ASEAN nên có một thỏa thuận về những hành động bị coi là khiêu khích, từ đó ngăn chặn chúng trong nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Biển Đông.
TQ mở rộng ‘lãnh thổ’ trên Biển Đông?
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết, nước này đã gửi công hàm phản đối việc TQ đào đắp đất tại bãi đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Theo báo PhilStar, người phát ngôn DFA Charles Jose khẳng định, sau khi Manila xác nhận TQ đang tiến hành các hoạt động xây dựng tại Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, DFA đã lập tức triển khai các biện pháp ngoại giao để lên án.
Theo ông Jose, Philippines cũng đang giám sát các hoạt động của TQ ở các bãi đá Ga Ven và Châu Viên cũng thuộc quần đảo Trường Sa. “Philippines chắc chắn sẽ tiếp tục gửi công hàm phản đối tương tự” nếu xác thực được hành động cải tạo đất của TQ tại các khu vực này. Ông nhấn mạnh, hành động đào đắp đất, cải tạo các bãi đá là bằng chứng cho thấy TQ mưu đồ mở rộng lãnh thổ trên Biển Đông.
Tờ Philstar cùng ngày đã dẫn báo cáo mật từ dinh Tổng thống Philippines cho hay, TQ đang có những động thái thay đổi hiện trạng 5 bãi đá bao gồm Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất.
Thái An (Theo philstar, Inquirer)