Nội các Nhật Bản vừa phê chuẩn một sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh, mở đường cho quân đội chiến đấu ở nước ngoài.

Theo Hiến pháp hòa bình, Nhật bị cấm sử dụng lực lượng để giải quyết xung đột ngoại trừ trường hợp tự vệ. Tuy nhiên, với động thái mới hôm nay, Nhật đã được phép “phòng thủ tập thể” nghĩa là sử dụng lực lượng để bảo vệ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công.

{keywords}

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định, Nhật cần thay đổi để thích ứng với môi trường an ninh mới. Ảnh: AP

Thủ tướng Shinzo Abe, người mất rất nhiều công sức cho sự thay đổi bước ngoặt, đã luôn thúc giục Nhật cần thích nghi với sự thay đổi trong môi trường an ninh. “Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi sẽ bảo vệ cuộc sống và hòa bình hiện tồn của người dân Nhật Bản”, ông Abe nói với báo giới sau khi nghị quyết về sự thay đổi vai trò quân sự được phê chuẩn chiều nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói với báo giới bên ngoài văn phòng thủ tướng rằng, nội các Nhật đã phê chuẩn nghị quyết thay đổi nói trên. Nghị quyết cũng nhằm nới lỏng các hạn chế hoạt động trong những chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ông Abe lần đầu tiên xác nhận động thái này vào tháng 5 sau khi một ủy ban cố vấn của ông đưa ra báo cáo đề xuất thay đổi luật quốc phòng. Nhật áp dụng Hiến pháp hòa bình kể từ sau Thế chiến II. Theo đó, quân đội không được tham gia chiến đấu, chỉ có một số lượng nhỏ tham gia những hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Thủ tướng Abe khẳng định, thay đổi luật quốc phòng không có nghĩa là dẫn tới sự can dự của Nhật trong các cuộc chiến nước ngoài. "Có sự hiểu lầm rằng, Nhật sẽ tham chiến với nỗ lực bảo vệ một nước khác”, ông nói sau cuộc họp nội các. "Sẽ là các biện pháp phòng thủ chặt chẽ để bảo vệ người dân. Chúng tôi không viện tới vũ lực để bảo vệ các lực lượng nước ngoài”.

Nhiều người dân Nhật phản đối thay đổi. Nhưng cũng có nhiều người tin rằng, hiến pháp hậu chiến đã hạn chế hoạt động bình thường của một quốc gia hiện đại. TQ – nước hiện có tranh chấp lãnh thổ với Nhật ở Hoa Đông – bày tỏ phản đối thay đổi, cáo buộc Nhật thổi phồng “mối đe dọa TQ”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Washington sẽ hoan nghênh động thái mới khi Mỹ từ lâu thúc giục Tokyo trở thành một đối tác liên minh bình đẳng hơn. Phe bảo thủ Nhật cho rằng, hiến pháp hậu chiến đã hạn chế khả năng của Nhật trong phòng vệ và rằng cán cân quyền lực khu vực đang thay đổi (bao gồm cả một TQ đang trỗi dậy) đồng nghĩa với việc các chính sách của Nhật phải linh hoạt hơn.

Thế nào là phòng thủ tập thể?

- Trong quá khứ, Nhật chỉ được sử dụng lực lượng để phòng vệ. Khi sự thay đổi được áp dụng, quân đội Nhật có thể hỗ trợ đồng minh nếu họ bị tấn công từ một kẻ thù chung.

- Các điều kiện khác sẽ được áp dụng, bao gồm phải có mối đe dọa rõ ràng với nhà nước Nhật Bản hay khi quyền được sống, được tự do của người dân bị phá hủy.

- Ví dụ mà một số quan chức nói về “phòng thủ tập thể” bao gồm Nhật có thể bắn hạ một tên lửa Triều Tiên khi Mỹ và Nhật tham gia hoạt động rà phá bom mìn ở những tuyến đường biển quan trọng trong một cuộc xung đột.

- Thủ tướng Nhật khẳng định, sự thay đổi không đồng nghĩa với việc Nhật sẽ tham gia một cuộc chiến tranh đa phương, như cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq.

Thái An (Theo Reuters, BBC)