- Hôm nay, tại Brussels diễn ra hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20. Đây là hội nghị đầu tiên do VN và EU đồng chủ trì trong giai đoạn VN là điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN-EU (2012-2015). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn VN tham dự. 

LTS: Nhân sự kiện này, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN Franz Jessen có bài gửi tới VietNamNet. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: 

VN và một số quốc gia Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng trong thập kỷ qua. ASEAN ngày nay là một nhân tố quan trọng trong sự ổn định chính trị, bao gồm cả trong vấn đề Biển Đông. EU hỗ trợ ASEAN trong thách thức kép về hội nhập các nền kinh tế trong khu vực và giải quyết các đe dọa an ninh ngày càng lớn. 

Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh tới Brussels, nơi các Ngoại trưởng của 28 nước thành viên EU và 10 nước thành viên ASEAN nhóm họp, thảo luận làm thế nào để quan hệ EU-ASEAN có thể mang lại an ninh chung và sự thịnh vượng bền vững nhất cho người dân.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Minh Thăng

Một cái nhìn vào lịch trình các đường bay từ Frankfurt tới Singapore, từ Brussels tới Bangkok, từ Paris tới Hà Nội, là minh chứng rõ ràng cho thấy mối quan hệ sâu rộng giữa EU và ASEAN. 

Mỗi năm có tới 10 triệu người đi lại giữa hai khu vực. Sự trao đổi tích cực giữa hai khu vực là nền tảng của sự hợp tác ngày càng lớn mạnh của chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau thúc đẩy thương mại, giải quyết vấn đề tội phạm có tổ chức và thúc đẩy các vùng biển an toàn hơn.

Quan hệ tầm cao mới

Hai khu vực của chúng tôi ngày càng trở nên gắn kết. EU và ASEAN chính là hai sáng kiến quan trọng trên thế giới trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực. Chúng tôi hợp tác để thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khối và ngoài khối trong suốt bốn thập kỷ qua.

Quan hệ kinh tế truyền thống của chúng tôi luôn lớn mạnh. Thương mại giữa hai khu vực đã tăng hàng năm kể từ năm 2009. EU là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN - gần 1/3 nguồn đầu tư nước ngoài là của các công ty châu Âu. Với viễn cảnh hội nhập kinh tế khu vực trong ASEAN, những con số này sẽ còn tiếp tục tăng.

Chiều sâu của mối quan hệ kinh tế cũng đã giúp chúng tôi hưởng lợi từ các quan hệ trong các lĩnh vực khác. Hai năm trước, chúng tôi đã quyết định đưa quan hệ EU-ASEAN lên một tầm cao mới, mang tính chính trị hơn và tham vọng hơn.

Hơn tất cả bất kỳ các đối tác khác của ASEAN, EU cam kết thúc đẩy hòa bình thông qua hội nhập khu vực. EU xem việc hội nhập khu vực là một câu trả lời hợp lý đối với các thách thức của một thế giới ngày càng phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. 

Đồng thời, chúng tôi cũng nhận ra các khó khăn nảy sinh đồng hành cùng quá trình trong quá trình hội nhập. Vì vậy chia sẻ kinh nghiệm trở thành một nhân tố trung gian trong mối quan hệ của chúng tôi với ASEAN.

VN - đối tác quan trọng của EU

Chúng ta cần có mối quan tâm chung để đối mặt với những thách thức vượt qua ngoài biên giới, như biến đổi khí hậu và an toàn hàng hải. Đó cũng là một sự cần thiết mang tính chiến lược trong một thế giới mà chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau để duy trì những xã hội thịnh vượng và an toàn. 

{keywords}

  Đại sứ EU Franz Jessen. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngày nay, những xung đột, khủng bố hay tội phạm ở một khu vực trên thế giới có thể ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của những xã hội ở các khu vực khác. Giải pháp của chúng tôi rất đơn giản - khi hành động cùng nhau, các nước sẽ mạnh mẽ và kiên cường hơn.

Trong bối cảnh này, VN là một đối tác quan trọng của EU và là một điều phối viên tích cực của ASEAN trong quan hệ với EU. Hai bên đã phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ và toàn diện. 

Việc ký kết Hiệp định Hợp tác và Đối tác mới EU-VN là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Về quan hệ kinh tế thương mại, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và là một đối tác thương mại quan trọng. Thương mại hai chiều tăng 20% hàng năm. 

Trong năm 2013, thương mại hai chiều đạt 27 tỷ euro, giúp EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của VN. Hai bên đang đàm phán một hiệp định Thương mại tự do và hy vọng sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay.

Khi các Bộ trưởng Ngoại giao gặp nhau ở Brussels tuần này, họ sẽ tập trung vào ba ưu tiên quan trọng: ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy liên kết - làm sâu đậm thêm sự kết nối giữa các xã hội của chúng tôi. Chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn vào giao thông, giáo dục và truyền thông thông tin để giúp mọi người cùng nhau học hỏi, đi lại và trao đổi các ý tưởng.

Hợp tác biển

Thứ hai, chúng tôi cũng mong muốn sát cánh cùng nhau trong hợp tác hàng hải. Những vùng biển an toàn và an ninh tại Đông Nam Á chính là điều kiện tiên quyết cho một khu vực ổn định và thịnh vượng. 

Điều này cũng vô cùng quan trọng đối với EU, bởi 90% giao dịch thương mại của tổ chức được thực hiện trên biển. Khi đề cập vấn đề chủ quyền, EU không ngả về bên nào. 

Chúng tôi tin rằng, mọi tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết hòa bình trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). 

EU cũng đồng thời hỗ trợ các nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc về ứng xử trển Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và hy vọng các bên sẽ đạt được kết quả sớm nhất có thể. 

Có nhiều kinh nghiệm để EU và VN cùng chia sẻ, từ việc bảo vệ các hải cảng cho đến quản lý bền vững nguồn tài nguyên. 

Ví dụ, về vấn đề giám sát hàng hải, đánh bắt trái phép hay bảo tồn tài nguyên biển, EU đã thiết lập một bộ chính sách cho toàn khu vực và có thể mang tính tham khảo cho các nước ASEAN khi họ cũng đang đối mặt những thách thức tương tự. 

Thông qua chuyển biến từ chia sẻ kinh nghiệm thành hành động, chúng ta sẽ góp phần quan trọng vào an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Tăng gấp đôi viện trợ cho ASEAN

Ưu tiên thứ ba của chúng tôi là hợp tác phát triển với ASEAN. EU đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho các nước ASEAN để góp phần xóa đói giảm nghèo và duy trì những nền kinh tế năng động của khu vực. EU và ASEAN cũng đồng thời đầu tư vào tương lai của xã hội chúng ta bằng việc kết nối các thế hệ trẻ. 

Hàng năm, hàng ngàn sinh viên và học giả từ ASEAN sang EU học tập và nghiên cứu. Họ sẽ là xương sống quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng cho các thế hệ sau này.

Một quan hệ đối tác EU-ASEAN ngày càng mạnh mẽ là vô cùng quan trọng về chiến lược đối với hai bên. Một ASEAN thống nhất và tự cường là cần thiết cho ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực. EU đầu tư mạnh mẽ vào khu vực bởi nơi đây cũng là nhân tố quan trọng cho ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Bốn thập kỷ hợp tác đã khiến EU và ASEAN trở thành những 'đối tác tự nhiên'. Khi các ngoại trưởng gặp nhau tại Brussels, họ hiểu rằng, EU và ASEAN đã cùng nhau đạt được rất nhiều. Họ cũng hiểu rằng mối quan hệ được tăng cường mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích cho thế hệ tương lai.

Franz Jessen  - Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN