Với sự bùng nổ kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc có thể giành lợi thế trong cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế (S&ED) lần thứ ba, diễn ra hôm nay và ngày mai (9-10/5) tại Washington.

Kể từ khi Trung Quốc và Mỹ nhất trí tiến hành các cuộc đối thoại kinh tế cấp cao đều đặn, thế giới đã trải qua nhiều biến động, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

S&ED lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với những đe dọa trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ - thị trường nước ngoài lớn nhất của họ. Điều này có thể xảy ra nếu Bắc Kinh không nỗ lực chấm dứt cái mà các nhà sản xuất Mỹ gọi là "thương mại thiếu công bằng", bao gồm chính sách đồng nội tệ yếu khiến người Mỹ mất việc làm.

Trung Quốc tự tin

Cùng lúc, Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Mỹ - muốn đảm bảo rằng 1.200 tỷ USD trái phiếu Mỹ của họ được an toàn, trong lúc Washington còn chưa chắc chắn về việc Mỹ có thể vay mượn bao nhiêu. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua việc tăng giới hạn vay mượn trước tháng 8 tới, lãi suất nhiều khả năng tăng mạnh và giá trị đầu tư của Trung Quốc sẽ giảm.

Mặc dù các nhà phân tích kinh tế không dự báo S&ED lần thứ ba đạt được bước đột phá nào song sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có thể là đòn bẩy hiếm hoi của cuộc đối thoại lần này.

Vấn đề tỉ giá đồng USD và nhân dân tệ sẽ "nóng" tại S&ED lần ba. Ảnh: The Guardian
Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke dẫn dắt đoàn đại biểu Mỹ. Trong khi đó, đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn - một nhà hoạch định chiến lược kinh tế có tiếng, và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc - đứng đầu, cùng với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao đến từ 20 cơ quan chính phủ.

S&ED bắt đầu từ năm 2006 dưới thời cựu Tổng thống W.Bush. Sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng đối thoại sang cả lĩnh vực chính sách đối ngoại.

Tại S&ED lần này, mục tiêu kinh tế chủ chốt của Mỹ không thay đổi: thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng để đồng nhân dân tệ tăng giá trị so với đồng USD. Điều này có thể giúp hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn ở Trung Quốc, trong khi hàng Trung Quốc đắt hơn tại Mỹ. Nó cũng khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thu hẹp.

Trước đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson từng "giảng giải" cho các quan chức Trung Quốc về việc nền kinh tế Trung Quốc có thể phát triển tốt hơn nếu Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát tiền tệ và thị trường tài chính.

Nhưng thực tế cho thấy kinh tế Trung Quốc đã nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phần lớn lại nhờ vào các thị trường được kiểm soát và điều chỉnh chặt chẽ. Bằng cách làm như vậy, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Mỹ, Bắc Kinh đã giành được ảnh hưởng kinh tế đáng kể.

Nicholas Lardy - một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson - nói: "Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm thay đổi về căn bản động lực mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung. Nhờ vậy, Trung Quốc trở nên tự tin hơn trong các vấn đề kinh tế".

Mỹ muốn thấy nhiều tiến triển hơn

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner cho biết Mỹ sẽ thúc ép Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực nâng giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, giọng điệu của ông Geithner cũng có vẻ muốn hòa giải. Ông Geithner lưu ý rằng đồng nhân dân tệ đã tăng giá trị khoảng 5% kể từ tháng 6/2010.

Theo quan điểm của Mỹ, đánh giá chính xác hơn giá trị thực của đồng nhân dân tệ có thể giúp Trung Quốc kiềm chế lạm phát vốn đang "leo thang" ở quốc gia hơn 1 tỉ dân này.

Ông Geithner cho rằng việc Bắc Kinh bắt đầu để mắt tới quan điểm trên của Mỹ là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cách tiếp cận mềm mỏng hơn của Trung Quốc đối với vấn đề tiền tệ dường như chưa làm các nhà sản xuất Mỹ hài lòng. Họ cho rằng đồng nội tệ Trung Quốc bị đánh giá thấp hơn giá trị thực tới 40%. Bởi vậy, họ muốn Quốc hội Mỹ thông qua các trừng phạt kinh tế nếu Bắc Kinh không chịu giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn.

Năm 2010, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt mức 273 tỉ USD, mức cao nhất giữa Mỹ và một quốc gia khác. Chính quyền Mỹ đang xem xét các vụ kiện kinh tế mới chống lại kiểu thương mại của Trung Quốc, vốn bị các công ty Mỹ cáo buộc là "thiếu công bằng".

Về phần mình, tại S&ED lần thứ ba, Trung Quốc muốn nêu mối quan ngại của họ về bất đồng giữa chính quyền Mỹ và Quốc hội Mỹ trong việc nâng mức giới hạn vay mượn lên 14.300 tỉ USD. Ông Geithner từng phát biểu với Quốc hội Mỹ rằng Mỹ có thể vỡ nợ nếu giới hạn vay mượn không được tăng lên sau ngày 2/8. Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có lý để quan ngại bởi nước này nắm giữ rất nhiều số tiền nợ của Mỹ.

Đối với một số vấn đề khác, các quan chức Mỹ cho biết họ muốn thấy nhiều tiến triển hơn trong các cam kết kinh tế mà hai nước đã đưa ra trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Mỹ hồi đầu năm nay.

Các cam kết này gồm việc giám sát chặt chẽ hơn các mua sắm phần mềm của chính phủ Trung Quốc, nhằm buộc Bắc Kinh mua hợp pháp phần mềm của Mỹ, đồng thời giảm tình trạng sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền. Các công ty Mỹ thường than phiền rằng phần mềm không bản quyền gây thiệt hại hàng tỉ USD cho công việc kinh doanh của họ.

Trung Quốc cũng cam kết sửa lại chính sách giới hạn khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ trong các dự án của chính phủ Trung Quốc, nếu các sản phẩm không được thiết kế ở nước này. Doanh nghiệp Mỹ cho rằng chính sách này nhằm buộc họ hoặc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, hoặc bị đánh bật khỏi thị trường.

Về chính sách đối ngoại, các quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Clinton muốn nối lại nỗ lực nhằm giành sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc đương đầu với các mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên và Iran.

Bất chấp một số tồn tại, các nhà phân tích vẫn cho rằng S&ED lần này phản ảnh mối quan hệ đang tới độ "sung mãn" giữa Bắc Kinh và Washington.

H.Giang (Theo AP, Fox News, Reuters)