Phải thiết lập "chính sách ngoại giao nước lớn mang đặc sắc TQ", lãnh đạo nước này là ông Tập Cận Bình phát biểu.


{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: scmp
Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy ông đã từ bỏ một chính sách "ẩn mình" mà Bắc Kinh theo đuổi bấy lâu nay, tờ Bloomberg hôm 2/12 cho biết.

Bloomberg dẫn tin từ Tân Hoa xã về việc mới đây, hội nghị TƯ TQ đã nhóm họp bàn về các công việc đối ngoại nhằm thiết lập "đường lối, nguyên tắc cơ bản, các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ chính cho ngoại giao TQ trong kỷ nguyên mới". Tại hội nghị này, ông Tập nhấn mạnh, quan hệ đối ngoại dưới sự lãnh đạo của ông cần mang "đặc sắc TQ, hành xử TQ và quan điểm TQ".

Bài phát biểu của ông Tập cho thấy, TQ đang chuyển dịch khỏi chính sách theo đuổi bấy lâu gọi là "ẩn mình chờ thời" mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra cách đây hơn 20 năm. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã liên tục công du châu Á, châu Âu và châu Phi, gần đây chủ trì diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-TBD và không ngừng tuyên bố về vai trò của TQ như một cường quốc chủ chốt về an ninh và kinh tế sau nhiều năm Mỹ chiếm ưu thế trong khu vực.

Thay đổi

"Rõ ràng, nhà lãnh đạo hiện tại không muốn theo đuổi chính sách ẩn mình nữa", Niu Jun, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh - người nghiên cứu chính sách đối ngoại TQ hơn 30 năm nay - cho biết. "Đây là dấu hiệu rất quan trọng của việc thay đổi chính sách đối ngoại".

Dưới thời ông Tập, TQ đang không ngừng hiện đại hóa quân đội, quả quyết và gây hấn hơn trong yêu sách chủ quyền ở Hoa Đông và Biển Đông, đẩy mạnh đầu tư và thương mại với láng giềng. Ông Tập còn theo đuổi kế hoạch khôi phục lộ trình thương mại Con đường Tơ lụa thời xưa tới châu Âu - coi đây là một phần "giấc mơ TQ" để phục hưng vị thế đất nước, mở rộng tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi kinh tế.

"Bài phát biểu này khẳng định rằng, TQ đã chuyển sang một tư thế khác - cũng là cách TQ cố gắng chủ động để định hình môi trường của riêng mình", Zhang Baohui, giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á-TBD tại Hong Kong nói. "TQ không còn là một người chơi bị động như thời Đặng Tiểu Bình".

Ông Tập khẳng định, chính sách đối ngoại cần làm rõ hai mục tiêu của đảng cầm quyền: tăng gấp đôi thu nhập quốc dân của TQ so với năm 2010 và đổi mới đất nước. "Chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng, việc điều chỉnh kinh tế toàn cầu sẽ không là con đường bằng phẳng nhưng chúng ta cần thừa nhận rằng, toàn cầu hóa kinh tế sẽ không dừng lại", ông nói. "Cần tỉnh táo và đấu tranh với những căng thẳng quốc tế nghiêm trọng, nhưng cũng cần nhận ra rằng, hòa bình và phát triển - xu hướng cơ bản của thời đại chúng ta - sẽ không thay đổi".

Thái An (theo Bloomberg, smh)