- Các ĐBQH kiến nghị củng cố luật chắc hơn để bảo vệ các đảo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, nơi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô.
Thảo luận tại phiên họp về luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sáng nay, ĐB Trương Trong Nghĩa (TP.HCM) đề nghị quy định thêm cấu trúc bãi đá nửa chìm nửa nổi.
"Nếu không quy định sẽ tạo kẽ hở cho kẻ khác vào khai thác, ta dễ bị đuối lý vì luật không quy định" - ĐB kiến nghị.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
“Âm mưu của TQ chính là biến bãi đá nửa chìm nửa nổi này xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi, biến thành bãi đá có 12 hải lý xung quanh, nghĩa là thành lãnh hải của nước họ. Còn bãi đá nửa chìm nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải”, ông Nghĩa lưu ý.
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) đồng tình luật hóa khái niệm như ĐB Nghĩa nêu để kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo hài hòa.
"Ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô. Việc chúng ta quy định vào trong luật này hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn với Công ước luật biển của LHQ 1982. Chỉ có quy định mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi kể cả ở trong nước và nước ngoài gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta”, ông Trường nhấn mạnh.
Ông cho rằng, với hành vi đổ hàng vạn mét khối bê tông xuống biển, ta hoàn toàn có quyền lên án TQ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên ở đây.
Lập Bộ Kinh tế biển?
ĐB Hà Nội Bùi Thị An đề nghị Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế biển để làm đầu mối quản lí, tránh tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm như hiện nay.
Theo bà, hiện có 5 bộ cùng quản lí những vấn đề liên quan đến kinh tế biển, có lúc một vấn đề cần giải quyết phải "đi xin ý kiến nhiều nơi".
ĐB Bùi Thị An |
Đề cập ngành kinh tế chiếm 50-55% GDP cả nước, bà An kiến nghị “tinh giản những thứ không cần thiết, còn cần vẫn nên thành lập thêm".
Một bộ quản lý kinh tế biển để tập trung một đầu mối chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, ĐB khẳng định.
Cùng nhìn nhận thực trạng nhiều bộ ngành cùng quản lý biển và hải đảo, kể cả không phận, vùng trời trên biển và dưới lòng biển, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng hiệu quả quản lý còn rời rạc, chưa đi vào quy củ.
Ông tán thành những việc liên quan đến biển đảo phải chịu sự điều hành trực tiếp của Chính phủ mới phù hợp, nhưng phối hợp giữa các bộ ngành còn rời rạc thì kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh.
“Trong báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận còn hạn chế về sự vào cuộc, phối hợp của một số bộ, một số cấp chính quyền địa phương nên phải siết lại kỷ luật hành chính. Còn bây giờ lập thêm một bộ nữa thì tôi không đồng tình”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng vấn đề biển không chỉ là về kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia liên quan đến văn hóa, chính trị nên đặt vấn đề Bộ Kinh tế biển phải suy nghĩ theo hướng này.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Theo bà, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề biển phải do Chính phủ phải quản lý, nếu khoán cho một bộ, ngành riêng lẻ sẽ thực sự khó khăn.
“Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý về biển, sau đó phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương mới đủ tầm và đủ điều kiện cả về vật chất, quyền lực. Chỉ có Chính phủ mới đủ tầm trong điều kiện mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia”, bà nhấn mạnh.
Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng