Có ba nhân vật được cho là ứng viên tin cậy của bà Aung San Suu Kyi và sẽ thay thế bà làm tổng thống. Trong đó có chủ tịch đảng NLD năm nay 88 tuổi.
Nhân vật đầu tiên là ông Tin Myo Win, 64 tuổi, được cho là trung thành với đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi. Ông là người duy nhất được phép liên lạc và thăm viếng bà Suu Kyi trong thời gian 15 năm chính quyền quân sự giam cầm bà.
Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Irrawaddy, ông Tin Myo Win nói rằng sẵn sàng chấp nhận đề nghị làm tổng thống “vì đất nước”.
Một ứng viên khác cũng có tiềm năng và được chú ý nhiều là cựu tướng Shwe Mann, người đang nắm giữ chức chủ tịch Quốc hội Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi được cho đã liên kết với ông Shwe Mann, người vừa bị Tổng thống Thein Sein lật đổ khỏi quyền lãnh đạo đảng cầm quyền của ông là Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) hồi tháng 8/2015.
"Chúng tôi sẽ chọn người mà bà Suu Kyi có thể điều khiển để làm tổng thống". Ảnh: Reuters |
Người thứ ba là tướng Tin Oo, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Myanmar, hiện là chủ tịch của đảng NLD. Dù vậy, tướng Tin Oo năm nay đã 88 tuổi.
“Chúng tôi sẽ chọn người mà bà Suu Kyi có thể điều khiển để làm tổng thống”, ông Win Htein, trợ lý rất gần gũi của bà Suu Kyi, nói với Reuters.
“Tổng thống 'tạm thời' này sẵn sàng nhường vị trí cao nhất cho bà Suu Kyi khi hiến pháp sửa đổi điều khoản cấm đối với bà ấy”, ông Win Htein nói tiếp và từ chối tiết lộ ứng cử viên đó là ai.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và công bằng nhất trong lịch sử Myanamr gần như sẽ thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dẫn đầu. NLD rất có thể sẽ giành đủ số ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ và điều hành đất nước. Tuy nhiên, chức vụ tổng thống phải trải qua một cuộc lựa chọn của quốc hội nước này.
Theo luật Myanmar, tổng thống sẽ được lựa chọn từ 3 ứng viên do hạ viện, thượng viện và quân đội đề cử (quân đội vẫn nắm 25% số ghế ở lưỡng viện quốc hội, theo Hiến pháp Myanmar). Tổng thống được chọn sẽ thành lập chính phủ sau đó. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đối với đảng NLD khi chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Ảnh: Reuters |
Vấn đề là nhà lãnh đạo của NLD, bà Suu Kyi sẽ không thể được ứng cử cho chức tổng thống vì hiến pháp do quân đội soạn thảo có điều khoản cấm người có vợ, chồng, con cái mang quốc tịch nước ngoài làm tổng thống Myanmar. Cả người chồng (qua đời năm 1999) và 2 con của bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh.
Myanmar không có chức thủ tướng, tổng thống sẽ điều hành cả nhà nước và chính phủ, được xem là vị trí cao nhất nước.
Bà Aung San Suu Kyi nhiều lần tuyên bố sẽ điều hành chính phủ dù bà không giữ chức tổng thống. Thậm chí vào ngày bầu cử, bà còn tuyên bố sẽ nắm quyền lớn hơn cả tổng thống.
Đây được xem là tuyên bố táo bạo nhất của người phụ nữ 70 tuổi, nhưng bà sẽ làm gì hay việc nắm quyền lớn hơn tổng thống ra sao không được nhà đấu tranh dân chủ lỗi lạc này của Myanmar tiết lộ.
Theo Thanh niên