Chủ quyền và lãnh thổ
là những đòi hỏi sống còn cho sự tồn tại của bất cứ quốc gia
nào... Một cơ chế giải quyết tranh chấp mà LHQ phê chuẩn là
con đường duy nhất làm dịu vùng nước nổi sóng của Biển Đông
- Ngoại trưởng Philippines Albert
del Rosario khẳng định.
Nhắc lại "cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc" của Manila trong giải quyết tranh
chấp chủ quyền Biển Đông, ông Del Rosario nói rằng, Trung Quốc và các bên liên
quan khác "không thể mãi mãi né tránh" việc các tuyên bố chủ quyền được
xác nhận trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), hoặc một cơ chế khác của
LHQ.
“Cộng đồng các quốc gia phải được quản lý theo các nguyên tắc" và
Philippines "tuân thủ tính ưu việt của luật pháp quốc tế trong sân chơi giữa
các quốc gia mạnh và yếu", ông Del Rosario phát biểu tại một trường đại học
ở Manila.
Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn
quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.
Mấu chốt: Yêu sách 9 đoạn
Căng thẳng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông đã leo thang
kể từ đầu năm nay khi Philippines và Việt Nam lên tiếng cáo buộc rằng, Trung
Quốc đang trở nên ngày càng gây hấn trong tuyên bố chủ quyền với vùng biển.
Ngoại trưởng Philippines: Nếu chủ quyền của Philippines có thể bị
xem nhẹ bởi tuyên bố vô căn cứ này, thì nhiều quốc gia khác cũng nên suy ngẫm về
nguy cơ với tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nói chính phủ nước này phải đối mặt với một
nhiệm vụ to lớn "là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở các biên giới hàng hải phía
tây của đất nước chúng ta".
“Thúc đẩy an ninh quốc gia, một trong ba trụ cột chính của chính sách đối
ngoại Philippines, dựa vào đầu tiên và trước nhất là việc thiết lập, xác định và
bảo vệ lãnh thổ quốc gia, cả trên đất liền và trên biển. Chủ quyền và lãnh thổ
là những đòi hỏi sống còn cho sự tồn tại và tiếp tục tồn tại của bất cứ quốc gia
nào", ông khẳng định.
Tại diễn đàn của trường đại học, ông nói, yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc là "mấu
chốt của vấn đề".
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông trên cơ sở một bản đồ thể
hiện 9 đoạn tạo thành một vòng xung quanh toàn bộ vùng biển.
Ngoại trưởng Philippines cảnh báo: “Tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc với hầu
hết Biển Đông sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trong tới chủ quyền và quyền tài
phán của chúng ta mà còn đe dọa tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị
cản trở của rất nhiều nước khác".
Ông Del Rosario nói rằng, Philippines ủng hộ hai cách thức trong giải pháp ngoại
giao phòng ngừa của mình. Một là đề xuất đã được bàn thảo trong ASEAN về khuôn
khổ hợp tác để quản lý các tranh chấp sẽ được hiệu đính bởi các chuyên gia pháp
luật hàng hải ASEAN trong cuộc gặp dự kiến vào tháng 9 tại Manila.
Thứ hai “là sự tham gia của các bên khác cùng với Philippines trong vấn đề
xác định tính hợp lệ về đường chín đoạn của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước
LHQ về Luật Biển". Ông Del Rosario nhấn mạnh rằng, Philippines đã phản đối
bản đồ 9 đoạn trước LHQ cùng với Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Trung Quốc đe dọa
Tại Bắc Kinh, một bài xã luận đăng trên China Daily hôm thứ sáu đã cáo buộc
Philippines vi phạm "toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc" và cảnh báo,
Manila có thể "phải trả giá đắt" về sai lầm trong vấn đề này.
Bài xã luận xuất hiện sau khi có thông tin rằng, Hải quân Philippines sẽ sớm
hoàn thành một cơ sở trú ẩn để "bảo vệ các binh lính với sứ mệnh bảo vệ và
đảm bảo chủ quyền hàng hải của đất nước" trên một hòn đảo mà cả Trung Quốc
và Philippines đều tuyên bố chủ quyền.
Bài xã luận đăng trên báo Trung Quốc khẳng định: “Bất cứ xét đoán sai lầm nào
về vấn đề Biển Đông mà các nước như Philippines đưa ra có thể sẽ phải trả giá
cao”.
Trong bài phát biểu ở trường đại học tại Manila, Ngoại trưởng Philippines nhấn
mạnh, tuyên bố kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc là một trong những mối đe dọa
lớn nhất với hòa bình ở Đông Nam Á. Nó không chỉ đe doạ các nước tuyên bố chủ
quyền khác ở Biển Đông mà còn với tất cả các bên sử dụng vùng biển để vận
chuyển.
Theo ông Del Rosario, kể từ đầu năm nay, các tàu hải quân Trung Quốc đã bắn cảnh
báo vào ngư dân Philippines, quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí và đặt cột trụ ở hòn
đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền... "Nếu chủ quyền của Philippines có thể bị
xem nhẹ bởi tuyên bố vô căn cứ này, thì nhiều quốc gia khác cũng nên suy ngẫm về
nguy cơ với tự do hàng hải ở Biển Đông", ông nói.
Bộ Năng lượng Philippines trong tuần đã tuyên bố kế hoạch tổ chức đấu thầu các
khu vực thăm dò dầu khí ở Biển Đông bất chấp tranh chấp chủ quyền ngày một xấu
đi với Trung Quốc. Kế hoạch này đã dẫn tới phản ứng tức giận của báo chí chính
thống Trung Quốc.
Giữa bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, Trung Quốc đã không ngại ngần cảnh
báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang
tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu
tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Thái An (theo inquirer, gmanews)