Trao đổi bên lề phiên họp tổ QH sáng nay (24/10), ông Phạm Quang Nghị cho biết về các đề xuất của Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng nhằm giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội sẽ điều tra dư luận xã hội.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị: Thực hiện chủ trương gì đều phải xem xét tính khả thi. Ảnh: TC

Xe nhiều đường ít, mọi biện pháp chỉ là tình thế

- Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng có giải pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Ông có nghĩ cách này liệu có tác dụng và theo ông đâu là nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ tình trạng này?

Thực hiện giải pháp này sẽ cải thiện một phần nhất định, chứ không thể giải quyết một cách căn bản tình hình.

Cần có các giải pháp phải đồng bộ, ưu tiên số một là cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông. Xe nhiều, người nhiều mà đường ít thì tất cả những biện pháp khác chỉ mang tính tình thế và chỉ giảm thiểu ở mức độ nhất định.

Tiếp đến là những biện pháp điều tiết hợp lý giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Trong giao thông công cộng, ngoài những phương tiện hiện có như xe buýt, phải tăng cường các phương tiện sắp tới sẽ có như đường sắt trên cao, đường sắt dưới mặt đất…

Nhưng vấn đề cốt lõi là ý thức của người tham gia giao thông.

Thực ra, mật độ người và phương tiện giao thông của Hà Nội so với Bangkok, Singapore, Hongkong chưa phải nhiều. Nhưng giao thông ta lộn xộn do ý thức người tham gia giao thông không tốt: mạnh ai nấy đi, chen lấn, vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, chạy không đúng tốc độ...

Phải chấn chỉnh và tăng cường biện pháp giáo dục, để mọi người thực hiện tốt hơn luật giao thông. Nếu ai cũng thực hiện tốt luật giao thông, ắt sẽ giảm bớt tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, cần có những chế tài đủ mạnh, buộc người tham gia giao thông chấp hành. Do vậy, phải có mức phạt tương xứng với hậu quả do những người vi phạm gây ra.

Chung quy, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, cũng có thể tính đến việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, nhưng phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định thực hiện.

Không vội đổi giờ làm

- Vậy Hà Nội sẽ có phương án điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, công sở như thế nào?

Thành phố đang cùng Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu. Cần phải nghe những ý kiến phản biện và điều tra dư luận xã hội.

Đủ căn cứ mới trình Chính phủ đề án. Không cần vội vàng vì Chính phủ yêu cầu quý 1 năm sau mới phải trình. Trình sớm thì tốt, nhưng cảm thấy chưa vững chắc thì nên nghiên cứu thêm.

- Hà Nội có vận động cán bộ, công chức đi xe buýt tới công sở?

Thành phố chưa chủ trương như vậy. Thực hiện chủ trương gì đều phải xem xét tính khả thi. Tăng lượng người đi xe buýt là cần thiết, nhưng nếu số đầu xe vẫn như hiện nay, ai cũng tập trung đi xe buýt thì liệu xe buýt có đảm bảo được lưu lượng vận tải?

- Còn phương án hạn chế các phương tiện cá nhân như  xe máy và ô tô?

Hạn chế phương tiện cá nhân phải tiến hành đồng thời với các biện pháp trên. Nhưng theo tôi, đối tượng nên quan tâm nhiều hơn là ôtô cá nhân.

- Thực hiện các phương án thí điểm để lập lại trật tự an toàn giao thông hẳn không tránh khỏi những vấn đề phát sinh, Hà Nội sẽ giải quyết như thế nào?

Phải phân tích những vấn đề mới phát sinh đó. Nếu như các biện pháp này đem lại lợi ích thì khó cũng phải quyết tâm thực hiện. Nếu phần phát sinh không cải thiện được tình hình, phải thận trọng xem xét.

Chung Hoàng (ghi)