Doanh nghiệp vào là để cho dân sướng hơn, làm kinh tế phải đảm bảo được đời sống dân sinh, phát triển bền vững, không được để dân bị đói - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh nói.


Xác định rõ trách nhiệm

Mở đầu phiên chất vấn sáng 16/12 (ngày cuối kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Tĩnh), trả lời về giải pháp di dời, tái định cư, ổn định đời sống nhân dân và lộ trình khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Trưởng Ban quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê Thái Văn Hóa cho biết: Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên phải điều chỉnh dự án, lập lại thiết kế và tổng dự toán dự kiến đến cuối quý I/2012 mới phê duyệt xong (chậm 4 tháng).


Những vấn đề bức bách ở mỏ sắt Thạch Khê được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Việc thoái vốn tại công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã có 4 cổ đông chấp nhận, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tư cách là cổ đông chủ trì đang tích cực thực hiện việc nhận chuyển nhượng, phấn đấu xong trong tháng này; đồng thời tiếp tục đàm phán với các cổ đông còn lại chuyển nhượng thêm, chiếm trên 51% để đủ điều để kiện thực hiện việc củng cố tổ chức bộ máy, thu xếp vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

UBND tỉnh giao cho UBND huyện Thạch Hà lập đề án phát triển bền vững KT-XH các xã chịu ảnh hưởng và đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.677 tỉ đồng, nay đang tổ chức thực hiện. UBND tỉnh cũng giao Sở LĐ-TB-XH, Giao thông cùng huyện Thạch Hà và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát tại các xã vùng ảnh hưởng nhằm có phương án khắc phục hạ tầng giao thông, đảm bảo an sinh xã hội.

Về lộ trình, ông Thái Văn Hóa thẳng thắn thừa nhận: Theo dự án cũ đã được phê duyệt thì kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư đến hết năm 2013 sẽ kết thúc nhưng đến thời điểm này, chưa triển khai được nhiều, chưa đạt được yêu cầu mà nhân dân mong đợi.

Phần trả lời của ông Hóa chưa chỉ rõ được nguyên nhân thực sự của việc chậm trễ này, lộ trình và trách nhiệm chính thuộc về ai.


Không được để dân bị đói

Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu công ty sắt Thạch Khê báo cáo rõ về lộ trình thực hiện khai thác, các giải pháp cụ thể giải phóng mặt bằng, tái định cư và tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép ở Vũng Áng cũng như trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Công ty CP Sắt Thạch Khê cần vào cuộc đồng bộ, có lộ trình và giải pháp đầu tư hạ tầng cụ thể cho từng vùng để đảm bảo đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường.

"Doanh nghiệp vào là để cho dân sướng hơn, làm kinh tế phải đảm bảo được đời sống dân sinh, phát triển bền vững, không được để dân bị đói. Công ty phải có chính kiến rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra những vấn đề mà cử tri bức xúc. Không thể có tư tưởng xuất quặng thô theo kiểu “bán lúa non” mà phải chế biến sắt thành phẩm trên địa bàn dù chấp nhận những khó khăn ban đầu", ông Bình nói.

Dân chịu khổ đến bao giờ?

Chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Đỗ Khoa Văn đề nghị UBND tỉnh, công ty làm rõ kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và tiến độ khai thác. Cần trả lời rõ người dân phải chịu khổ đến bao giờ, ai phải chịu trách nhiệm. Khoản 285 tỷ tiền đền bù giải phóng mặt bằng trả trong năm nay do tỉnh đã phê duyệt thì dân bao giờ được nhận?

Phó TGĐ công ty cổ phần sắt Thạch Khê Nguyễn Đình Sơn trả lời: Dự án đang thiếu vốn trầm trọng nên tiến độ thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm, thiếu tiền thanh toán cho các nhà thầu làm tăng số dư nợ của công ty lên gần 200 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do một số cổ đông chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn. Nếu tái cơ cấu cổ đông xong, Tập đoàn Than - Khoáng sản giữ được hơn 51% cổ phần thì họ sẽ chuyển tiền vốn về ngay.

Ông Sơn cũng thừa nhận: Quá trình bóc đất tầng phủ đã ảnh hưởng xấu đến môi sinh, môi trường và an sinh vùng mỏ, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Tiến độ thực hiện dự án khai thác, tái định cư chậm còn do không có cổ đông chi phối, tính đồng thuận trong các cổ đông không cao, thiếu quyết tâm và Ban điều hành chưa quyết liệt…


Người dân sẵn sàng nhường lại đất cho dự án nhưng không phải để nhận được sự khổ ải như hiện tại

Tuy nhiên, câu trả lời mà cử tri và các đại biểu quan tâm nhất là trách nhiệm để người dân vùng mỏ phải chịu thiệt thòi, khổ sở trong thời gian qua thuộc về ai, sẽ được giải quyết như thế nào, lộ trình khai thác và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư như thế nào vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Ông Sơn chỉ cho biết: Phải đến cuối quý I/2012, nếu thiết kế kỹ thuật và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có thể xác định được lộ trình chi tiết thực hiện dự án.

Cho rằng trả lời chất vấn chưa phân định rõ trách nhiệm thuộc về ai, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thanh Bình yêu cầu: Trong quý I/2012 phải phê duyệt xong tổ hợp 2 dự án Khai thác tuyển quặng và Nhà máy chế biến; phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Tiếp tục xây dựng hạ tầng KT-XH, giao thông, điện, nước… Công ty sắt Thạch Khê bằng mọi giải pháp để có kinh phí trước Tết, thanh toán các khoản nợ, xây dựng xong một số khu tái định cư, đền bù cho các hộ dân gần khu vực moong mỏ, bãi thải và sửa chữa các tuyến đường giao thông.

Bên cạnh đó, phải xây dựng xong quy hoạch, kế hoạch và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết lộ trình khai thác từ năm 2012 - 2015, đến năm 2020 và từng năm để địa phương, nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Duy Tuấn - Thăng Long


TIN LIÊN QUAN