- Trừ trường hợp hi hữu "ngựa về ngược" chủ nhật 6/5, François Hollande sẽ trở thành tổng thống mới của Pháp. Đặc biệt, ông sẽ là tổng thống thứ hai đại diện cho đảng Xã hội và cánh tả của nền Đệ ngũ Cộng hòa, sau cố tổng thống François Mitterrand.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất của viện nghiên cứu Opinion Way Fiducial ngày 3/5, ứng viên François Hollande sẽ được 52,5% phiếu - bị giảm từ 0,5 đến 1,5%, Nicolas Sarkozy sẽ được 47,5%, tăng lên từ 0,5 đến 1,5%, tùy điều tra. Ông Frédéric Dabi, phó Tổng giám đốc viện nghiên cứu IFOP (Pháp) nhận xét: "Độ chênh lệch giữa dự đoán và phiếu bỏ thực sự chắc chắn sẽ có, nhưng tối đa chỉ là 2 điểm. Chúng tôi nhìn lại những kết quả điều tra lưu trữ từ hơn 40 năm nay, chênh lệch rất hiếm khi xảy ra". Có nghĩa là, lên hay xuống, François Hollande vẫn giữ đủ khoảng cách để đắc cử.

François Hollande củng cố vị trí số 1

Trong cuộc tranh luận cốt tử tối 2/4, trận tay đôi dài 3 giờ đối đầu François Hollande và Nicolas Sarkozy trên 2 đài truyền hình lớn: TF1 và France2, ứng viên của đảng Xã hội đã thay đổi thành công "hình ảnh" của ông. Từ "thiếu cương quyết, thiếu cá tính, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo" sang "tạo thiện cảm, đàng hoàng, nghiêm túc, thật thà, đáng tin cậy"... hơn ông Nicolas Sarkozy.

François Hollande đã thắng trận bất ngờ trước Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh luận cốt tử trên truyền hình tối 2/4. Ảnh: Le Monde
Hai ứng viên đã bảo vệ, tranh luận và tranh cãi quyết liệt từng điểm trong cương lĩnh của mình. Đó là lý thuyết. Thực ra, 3 giờ đồng hồ trực tiếp truyền hình chỉ đem lại cho cử tri một cái nhìn chung, cái nhìn "tâm lý" trên mỗi ứng viên. Chủ yếu là để đánh vào dư luận, thuyết phục cử tri, tạo sự tin cậy, tạo "thương hiệu" cá nhân của mình. Trong "sân chơi" này, François Hollande đã thắng trận bất ngờ trước Nicolas Sarkozy, người nổi tiếng về hùng biện. Ông thắng nhờ vào một chuyến thuật đơn giản: đúng hay sai, ông giữ nguyên cương lĩnh chính trị từ đầu đến cuối.

Theo dư luận, ông Nicolas Sarkozy vẫn được nhận xét là "giỏi về đối ngoại". Nhưng tại sao cử tri Pháp tiếp tục tỏ ý bầu ông François Hollande bất chấp một số khuyết điểm không nhỏ? Đơn giản, Pháp và Liên minh châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn kinh tế và ông Hollande hứa sẽ "áp dụng những chính sách để bảo vệ cuộc sống hàng ngày của người dân".

Hai gáo nước lạnh cho Nicolas Sarkozy

Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy vào được vòng chung kết với vị trí thứ hai, sau ứng viên của đảng Xã hội. Đó là sự thất vọng lớn của chính trị gia nổi tiếng là có nhiều nghị lực này. Sau một tuần mít tinh, từ tỉnh nhỏ đến thủ đô Paris, ông Nicolas Sarkozy đã làm mọi cách để "quyến rũ" cử tri đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của cựu ứng viên Marine Le Pen. Sự thắng bại của ông Nicolas Sarkozy tùy thuộc phần rất lớn vào phiếu của đảng FN. Ông phải có được ít nhất 80% cử tri của đảng này, cộng thêm 50% từ đảng trung lập của ông François Bayrou mới có thể trúng cử. Chuyện khó! Vấn đề là cuộc vận động quyên phiếu của ông Sarkozy cả tuần qua đã không đem lại kết quả như mong muốn.

Ngày 1/5, trong cuộc mít tinh lớn của FN ở quảng trường Opera (Paris), Marine Le Pen phát biểu: "Cử tri của tôi sẽ chuyển phiếu cho ứng viên nào đó tùy lương tâm của họ. Riêng tôi sẽ bỏ phiếu trắng!". Lời tuyên bố của bà chủ tịch đảng cực hữu được các nhà quan sát đánh giá là một gáo nước lạnh cho ông Sarkozy.

Sáng 3/5, ông Sarkozy nhận thêm gáo nước lạnh thứ hai. Trong buổi gặp gỡ với báo chí, cựu ứng viên François Bayrou của đảng trung lập - nhưng thân hữu - Phong trào Dân chủ (MoDem), công bố: "Tôi sẽ bỏ phiếu cho ông François Hollande".

Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử ngày chủ nhật 6/5, ít nhất 118 cố vấn đặc biệt của các bộ trưởng trong chính phủ của ông Nicolas Sarkozy đã rời chức vụ hiện tại. 10 cố vấn sẽ làm việc cho các tập đoàn tư nhân. Số còn lại được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn kinh tế quốc gia và các cơ quan nhà nước quan trọng.

Võ Trung Dung (từ Paris)