Một chiến hạm siêu tàng hình có thể củng cố chiến lược Trung Quốc của hải quân Mỹ. Dự án này từng bị đình trệ do chi phí cao nay lại được đổ tiền để phát triển, vì được coi là một phần trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Washington.

Tàu chiến siêu tàng hình có thể tiến sát các khu vực bờ biển mà hầu như không bị phát hiện, và nã đạn vào các mục tiêu giống hệt như bộ phim giả tưởng. Tuy nhiên, với tổng chi phí đầu tư hơn 3 tỉ USD, các nhà phân tích cho rằng, con tàu khu trục mới DDG-1000 hút lượng ngân sách khổng lồ mà lẽ ra có thể sử dụng tốt hơn khi củng cố hạm đội thông thường đang bị dàn mỏng.

Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt. Ảnh đồ họa: naval-technology

Thậm chí, một đô đốc nổi tiếng thẳng thắn tại Trung Quốc còn giễu cợt rằng, con tàu công nghệ cao của Mỹ sẽ bị một đội tàu cá chở đầy thuốc nổ đánh chìm.

Với con tàu đầu tiên dự kiến hoàn thiện vào năm sau và gia nhập hải quân Mỹ năm 2014, tàu khu trục tàng hình đã được Lầu Năm Góc quảng bá như một chiến hạm hiện đại nhất trong lịch sử - một viên đạn màu bạc tàng hình. Nó được xem là ăn khớp và phù hợp một cách toàn diện với những gì diễn ra ở khu vực mà giờ đây Washington coi là vùng chiến lược quan trọng nhất thế giới: châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù nó có thể tiện dụng ở những nơi khác, như vùng Vịnh, thì các khả năng có thể thực hiện sứ mệnh ở cả khu vực biển xa hay vùng nước nông giáp bờ biển là điều đặc biệt quan trọng tại châu Á vì đặc tính có rất nhiều quốc đảo.

"Với khả năng tàng hình, khả năng tấn công, hệ thống định vị tối tân, những yêu cầu nhân sự thấp hơn - nó là tương lai của chúng tôi", đô đốc Jonathan Greenert, phụ trách các hoạt động hải quân Mỹ tuyên bố hồi tháng 4 khi ông tới thăm nhà máy đóng tàu tại Maine - nơi chế tạo chiến hạm tàng hình.

Tại hội nghị đỉnh an ninh khu vực diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói, hải quân nước này sẽ triển khai 60% đội tàu trên toàn thế giới tới Thái Bình Dương vào năm 2020. Mặc dù không đề cập tới các tàu khu trục tàng hình, nhưng ông cũng cho biết, các tàu công nghệ cao mới sẽ chiếm phần lớn trong sự chuyển dịch này.

DDG-1000 và các tàu khu trục tàng hình khác thuộc lớp Zumwalt có thể di chuyển dưới nước với lớp vỏ chống thấm, các khoang bằng nhựa tổng hợp, và được trang bị lực đẩy dẫn động diện, hệ thống định vị dưới nước tiên tiến, các tên lửa, hỏa tiễn mạnh có thể bắn đầu đạn xa tới 160 km. Loại tàu này dài và nặng hơn bất cứ tàu khu trục nào mà Mỹ hiện có, nhưng lại chỉ cần số thủy thủ bằng một nửa nhờ vào những hệ thống tự động hóa.

Bất khả thi?

Tuy nhiên, chi phí quá lớn và những chậm trễ về kỹ thuật đã khiến các chuyên gia quốc phòng tự hỏi về tính khả thi của con tàu. Họ chỉ ra rằng, chương trình xây dựng máy bay chiến đấu tàng hình F-22 - từng được tôn vinh là máy bay chiến đấu hiện đại nhất - đã phải rút ngắn vì vấn đề chi phí. Tiếp theo đó là chiến đấu cơ F-35 giờ đây đang trở thành chương trình mua sắm đắt đỏ nhất trong lịch sử bộ Quốc phòng Mỹ.

Hải quân Mỹ nói rằng, họ đã chi tiêu hợp lý. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là lý do tốt nhất cho cuộc cách mạng này mặc dù các chi tiết cụ thể của việc triển khai chiến hạm siêu tàng hình mới chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các quan chức hải quân Mỹ, những công nghệ mới phát triển cho con tàu sẽ chắc chắn được sử dụng cho các tàu khác trong những thập niên tới.

Tuy nhiên, với mức giá hơn 3 tỉ USD cho tàu khu trục tàng hình - gấp đôi tàu khu trục hiện tại và có thể lên tới 7 tỉ USD mỗi chiếc khi tính chi phí tổng thể kể cả nghiên cứu và phát triển, chương trình mới đã gây tranh cãi tại quốc hội Mỹ. Cũng vì thế mà kế hoạch chế tạo 32 chiếc như dự kiến ban đầu giảm còn 24 chiếc, rồi 7 chiếc, và cuối cùng chỉ còn 3 chiếc.

Richard Bitzinger, một chuyên gia an ninh tại Đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore nói: "DDG-1000 là lý tưởng cho quan điểm tác chiến hiện đại mới, nhưng nó chứa đựng quá nhiều công nghệ chưa được minh chứng, chưa kiểm nghiệm sự đột phá".

Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa hải quân với mục tiêu gần là ngăn chặn hoặc trì hoãn sự can thiệp của Mỹ ở những cuộc xung đột xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng một khả năng đáng tin cậy về tàu sân bay, và đang phát triển các tên lửa, tàu ngầm có thể ngăn chặn sự tiếp cận tàu Mỹ với những tuyến đường biển quan trọng.

Mỹ có lợi thế lớn trên biển, nhưng sự cải thiện nhanh chóng trong lực lượng hải quân Trung Quốc có thể gây khó khăn cho các tàu Mỹ khi tác chiến ở những vùng nước nông hơn gọi là duyên hải. Tàu khu trục tàng hình được thiết kế để đảm nhận cả hai sứ mệnh. Trong khi đó, Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu triển các các tàu tuần duyên nhỏ hơn tới Singapore vào cuối năm nay.

Về mặt chính thức, Trung Quốc khá "âm thầm" trước khả năng Mỹ tăng thêm các tàu khu trục tới những vùng biển châu Á. Tuy nhiên, chuẩn đô đốc Trung Quốc Zhang Zhaozhong đã bác bỏ về cái mà ông gọi là sự thổi phồng về con tàu. Ông khẳng định mặc dù thiết kế công nghệ cao, nhưng con tàu có thể bị áp đảo bởi một đội tàu cá chở đầy thuốc nổ. Nếu có đủ tàu điều động xung quanh, một số tàu có thể làm thủng vỏ chiến hạm, ông nói. "Nó sẽ là đồ bỏ đi", vị chuẩn đô đốc nói trên kênh quân sự của CCTV gần đây.

Thái An (theo AP)