- 71 đại biểu Quốc hội đã được phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp trong 1 ngày rưỡi thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội.
 
Theo nghị trình của mỗi kỳ họp, phiên thảo luận kinh tế - xã hội lâu nay vẫn thường được trông đợi nhiều, có lẽ chỉ đứng sau phiên chất vấn về độ nóng. Bởi đây là dịp để QH tập trung mổ xẻ, phân tích những vấn đề kinh tế, xã hội, thời sự nóng bỏng nhất, kiến nghị giải pháp để tiến tới xây dựng một nghị quyết chung có ý nghĩa định hướng cho cả một năm dài sau đó.

Đại biểu Quốc hội khóa 13. Ảnh: Minh Thăng

Những vị ĐBQH “của công chúng” như ông Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông khóa trước… đã đi vào lòng cử tri cũng khởi từ những phát ngôn mạnh mẽ trong các phiên thảo luận như vậy. Trở thành “sao” ở nghị trường cũng một phần từ đây. Mà lỡ mồm, sẩy miệng cũng chính từ những phiên thảo luận như thế này. Và trong bối cảnh hiện nay, những phiên họp truyền hình trực tiếp về kinh tế - xã hội chính là một trong những minh chứng hùng hồn nhất giúp cử tri “chấm điểm” đại biểu của mình cũng như đánh giá tín nhiệm các bộ trưởng.

Ý thức được điều đó, nên ĐBQH dù vắng họp hôm nào đó, chứ đã đến phiên thảo luận kinh tế - xã hội thì hầu như không hàng ghế nào bị bỏ trống, chưa kể tất cả đều… mặc rất đẹp để lên sóng truyền hình. Mới mẻ hơn cả, đã có một số ĐBQH cầm Ipad để đọc bài phát biểu. Có tới 71 vị ĐBQH được đứng lên phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp, đủ đại diện cho các vùng miền và tỉnh thành.

Và đáp ứng mong mỏi của cử tri, những nội dung “nóng” nhất đã lần lượt nêu ra. Từ chuyện tăng lương, cục máu đông nợ xấu, tảng băng bất động sản cho đến sự bát nháo của thị trường vàng, tiêu cực xăng dầu, động đất thủy điện Sông Tranh 2 cho đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Có việc, có nơi địa chỉ, giải pháp đã rõ ràng (như chuyện tăng lương 100 ngàn đồng), hoặc cũng có vấn đề còn hoài nghi (giải pháp phá băng bất động sản, giảm nợ xấu, an toàn thủy điện...) song nhìn chung cử tri đã thấy vấn đề mình quan tâm được mổ xẻ tại nghị trường.

Trong một ngày rưỡi thảo luận hội trường, QH cũng sớm có sự điều chỉnh để những vấn đề nóng được giải quyết ngay. Chẳng hạn, mới chiều hôm trước cánh phóng viên còn phải “vây” Phó Thủ tướng ở cánh gà thì ngay đầu giờ sáng hôm sau, ông đã được mời lên để trấn an dân về thủy điện Sông Tranh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới chiều hôm trước nói “tôi không thể hứa gì về xử lý nợ xấu”, thì ngay sáng hôm sau được trao tiếp cơ hội đăng đàn để “nhận trách nhiệm trong quản lý thị trường vàng”. 

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga - người làm nóng phiên thảo luận sáng 30/10 khi chỉ mặt điểm tên tiêu cực trong lĩnh vực xăng dầu. Ảnh: Quang Khánh

Điểm sáng rõ rệt nhất là mới tuần trước, trong phiên khai mạc, báo cáo của Chính phủ bày tỏ quan ngại chuyện thiếu hụt ngân sách nên đề nghị giãn lộ trình tăng lương. Nhưng tiếp thu góp ý của cử tri và đại biểu QH nên trong phiên thảo luận tuần này, Bộ trưởng Tài chính khẳng định ngay kế hoạch tăng lương.

Rõ ràng, phiên thảo luận đã trở thành cơ hội để các thành viên Chính phủ giải đáp với công chúng những thắc mắc nổi cộm. Dân có tin và ủng hộ hay  không còn phụ thuộc vào ứng xử cụ thể sau đó.

Riêng về phía QH, hẳn các vị trưởng đoàn đều hài lòng bởi đại diện tất cả đều đã được “dàn hàng ngang” lên sóng quốc gia. Hầu hết đều tận dụng bảy phút hiếm hoi để trước hết “nhất trí với báo cáo” rồi sau đó hoặc mổ xẻ đôi chút bất cập chung chung của nền kinh tế, hoặc kiến nghị một vài mong muốn đầu tư của địa phương.

Tuy nhiên, dễ nhận ra là không khí nghị trường chỉ nóng lên trong buổi sáng đầu tiên, với bài phát biểu của ĐB Lê Như Tiến về tham nhũng, lãng phí và tiếp đó ĐB Lê Thị Nga chỉ mặt điểm tên tiêu cực trong lĩnh vực xăng dầu. Còn lại sau đó, hoặc những bài phát biểu lê thê theo đúng các chủ đề đã chuẩn bị sẵn, hoặc một phát biểu tổng hợp thiếu trọng tâm và do đó cũng trôi tuột, với vài câu về kinh tế, vài ý về an sinh xã hội, một chút giải pháp cho tình hình chung xen kẽ với đôi dòng kiến nghị cho tỉnh.

Mặc dù chủ tọa - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân - nhắc đi nhắc lại “để không khí sôi nổi hơn, đề nghị các đại biểu thảo luận, thậm chí tranh luận” và chỉ cần nêu giải pháp cho năm 2013, thế nhưng căn bệnh cố hữu khi lên sóng trực tiếp là vẫn quay về với phát biểu đã được chuẩn bị sẵn. Ai có thể kiên nhẫn để theo dõi? Hay ĐBQH khi đó vì mải nghĩ đến chuyện điểm danh để cử tri thấy mặt đại diện của tỉnh mà quên đi việc phải góp thêm một sáng kiến cho nghị quyết chung? Chứ kỹ năng tranh luận không lẽ chưa được trang bị từ trước?

ĐBQH có thể không cần tranh luận tay đôi, bởi sẽ gặp nhau lúc khác chăng? Nhưng ngay cả với phần giải trình của các vị bộ trưởng cũng không có một ai đứng lên phản biện. Có lẽ bởi tất cả đều đã “nhất trí cao” hết rồi. Vậy thì, nghị trình “phiên thảo luận” có nên đổi lại thành “phiên phát biểu” cho đúng tính chất hơn chăng?

Hoan nghênh các phiên họp được truyền hình trực tiếp bởi thỏa ý muốn của cử tri là những ước nguyện của họ được nói tại nghị trường. Nhưng rõ ràng, cử tri mong đợi quyết sách cụ thể để vãn hồi nền kinh tế, cải thiện đời sống, hơn là những phát biểu thừa hiểu biết nhưng thiếu quyết tâm.

Lê Nhung

Đừng nói không có cơ chế, hãy nói làm hay không
Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu sự yếu kém trong quản lý nhà nước, không chỉ ra yếu ở đâu, kém chỗ nào.
 
Trên bảo dưới không nghe, chả lẽ bó tay?
Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà nhấn mạnh việc cương quyết xử lý những trường hợp cấp trên nói cấp dưới không nghe hoặc có nghe nhưng không thực hiện.
 
"Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi"
Tham nhũng, lãng phí là hai kẻ đồng lõa cùng hội cùng thuyền. Tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực - ĐBQH Lê Như Tiến phát biểu.
 
Xăng dầu: Bất lực hay tiêu cực?
ĐBQH Lê Thị Nga đề nghị làm rõ sự bất lực của cơ quan điều hành xăng dầu "do năng lực hay tiêu cực cố tình làm ngơ cho vi phạm".