- Dự thảo Nghị định về Dịch vụ CNTT nêu rõ, có 6 dịch vụ CNTT phục vụ sản xuất phần mềm cần được hưởng ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác tương đương với chính hoạt động sản xuất phần mềm.


{keywords}

Cụ thể, danh mục 6 dịch vụ được đề xuất ưu đãi bao gồm: 1. Dịch vụ phân tích, thiết kế, phát triển phần mềm nội bộ, phần mềm theo đơn đặt hàng; 2. Dịch vụ gia công phần mềm; 3. Dịch vụ chỉnh sửa, bổ sung chức năng, bản địa hóa phần mềm; 4. Dịch vụ kiểm thử sản phẩm phần mềm; 5. Dịch vụ đóng gói phần mềm và 6. Dịch vụ thiết kế, nâng cấp trang, cổng thông tin điện tử.

Điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được hưởng ưu đãi là lĩnh vực kinh doanh của họ phải thuộc 6 dịch vụ CNTT nói trên và có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo đề xuất. Thủ tục, quy trình và cách thức xác nhận sẽ được Bộ Thông tin & Truyền thông hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề cập đến các ưu đãi đối với dịch vụ CNTT thuộc loại dịch vụ khoa học - công nghệ. Những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh 9 dịch vụ dưới đây và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền sẽ được ưu đãi thuế và các hình thức ưu đãi khác như đối với dịch vụ khoa học, công nghệ của pháp luật hiện hành.

9 dịch vụ khoa học, công nghệ được đề xuất ưu đãi là: 1. Dịch vụ điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về CNTT; 2. Nhóm dịch vụ tư vấn CNTT; 3. Dịch vụ tích hợp hệ thống; 4. Dịch vụ nhập, cập nhật, số hóa, xử lý dữ liệu; 5. Nhóm dịch vụ đào tạo CNTT; 6. NHóm Dịch vụ về ATTT; 7. Dịch vụ thẩm định sản phẩm phần cứng, điện tử; 8. Dịch vụ gia công nội dung số và 9. Dịch vụ gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất có chế độ ưu đãi riêng dành cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn. Theo đó, ngoài việc được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành, các đơn vị này còn có thể được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các CQNN thành lập.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, đơn vị trực tiếp soạn thảo dự thảo Nghị định nhấn mạnh rằng mức ưu đãi sẽ không được quy định cụ thể trong văn bản này mà sẽ chỉ liên hệ dẫn chiếu đến các văn bản pháp lý có liên quan để tạo sự linh hoạt khi triển khai. Hơn nữa, việc dẫn chiếu là cần thiết bởi Nghị định của Chính phủ không thể tạo ra một ưu đãi hoàn toàn mới.

Liên quan đến vấn đề ưu đãi các dịch vụ CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh rằng Nghị định về Dịch vụ CNTT và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT trong CQNN được xây dựng với mục đích khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp CNTT nội. Đồng thời chủ trương này cũng tạo sân chơi cho các doanh nghiệp đủ khả năng, từ đó khuyến khích thị trường CNTT cả nước phát triển, tăng trưởng. Chính vì vậy, việc cơ quan quản lý đề xuất, xây dựng các chính sách ưu đãi là rất cần thiết.

Trọng Cầm