- Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, hiện bản cuối của Thông tư quản lý game online đang được đơn vị này tổng hợp, giải trình với các bên liên quan. Dự kiến, dự thảo sẽ được trình lãnh đạo Bộ TT&TT ký, ban hành trong tháng 10.
Được bắt đầu xây dựng từ đầu năm và đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan, song do tính chất phức tạp và còn nhiều quan điểm trái chiều về game online nên cho đến thời điểm này, Thông tư về quản lý trò chơi trực tuyến vẫn chưa thể ban hành. Tại cuộc họp giao ban Quản lý Nhà nước tháng 8/2014 diễn ra hồi đầu tháng 9, Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình cho biết Thông tư sẽ được trình lên Bộ trưởng trước ngày 20/9, tuy nhiên, có vẻ như thời hạn đã bị lùi lại sang tháng 10.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tỏ ra khá sốt ruột với tiến độ này khi yêu cầu Cục phải khẩn trương hoàn thành Thông tư, nhất là khi Nghị định 72 đã đi vào đời sống được hơn một năm. Lĩnh vực game online đang rất nóng, nhất là sau khi Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung trò chơi trực tuyến vào danh mục hàng hóa bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Không dưới một lần, lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhấn mạnh về sự cấp thiết phải ra được Thông tư quản lý game online. Bản thân Bộ trưởng Son hồi tháng 5 từng nhấn mạnh rằng game online không chỉ là một nhu cầu của xã hội mà còn là một ngành kinh tế kỹ thuật. "Chúng ta cần hạn chế mặt trái của game nhưng cũng phải thúc đẩy ngành kinh tế đó, vì nếu cấm cản thì người chơi vẫn có thể mua game và chơi game của thế giới. Khi ấy, Việt nam còn bị thất thoát tiền ra nước ngoài". Nghị định 72 đã quy định rất rõ về những thể loại game có đủ điều kiện để lưu hành trên thị trường, do đó, Thông tư phải đưa ra được các quy định, điều kiện để doanh nghiệp có thể xin cấp phép. "Nếu chúng ta làm chậm thì doanh nghiệp buộc phải vi phạm quy định. Muốn sớm giải quyết tình trạng này thì không có cách nào khác là phải ra được Thông tư", Bộ trưởng chỉ đạo.
Đồng quan điểm, Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định các doanh nghiệp nội dung nội đang rất mong mỏi việc cấp phép chính thức cho các game. "Nếu lực lượng thanh tra gõ cửa doanh nghiệp nào thì tỷ lệ cao là doanh nghiệp đó đang kinh doanh ít nhất một game lậu. Việc dừng cấp phép game mới quá lâu đã vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế buộc phải kinh doanh trái phép".
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online?
Trong phiên thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Thuế tiêu thụ đặc biệt sáng 25/9 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Hiển đưa ra 2 căn cứ cho đề xuất này, đó là việc game bạo lực hiện nay đang tràn lan, tỷ lệ nghiện game ở giới trẻ ngày càng tăng, có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Đồng thời, game online đang là mặt hàng cho doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với nhiều loại hình kinh doanh khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra tin rằng, việc xem xét bổ sung cần tiến hành thận trọng, vì hiện các sản phẩm game online được cấp phép tại Việt Nam đều phải qua cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, còn game lậu thì mới không qua kiểm duyệt. Hơn nữa, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội dung nội so với doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Tài chính lại cho biết có khoảng 58 doanh nghiệp cung cấp game online trên thị trường Việt Nam, với tổng vốn điều lệ khoảng 1.156 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt tới 7.983 tỷ đồng, tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp đều chỉ là nhà phát hành game chứ rất hiếm doanh nghiệp tự sản xuất game online.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung game online, trừ game giáo dục, học tập, vào diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất áp dụng là 10% để bước đầu doanh nghiệp có sự sắp xếp, chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Trọng Cầm