Giả sử như có bà vợ “thông minh” nào đó như chú nói, dùng những cách như chú bày, “dụ” được chồng vào bếp, thì lúc đó những đức ông chồng kia xắn tay lao vào bếp là vì cái gì đây?


Chào các anh chị, cô chú ở tòa soạn báo VietNamNet, cháu là Nguyễn Thị Hồng Phúc, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội. Vừa qua cháu đọc được bài báo của chú Lê Hoàng “Sai lầm của phụ nữ là không biết biến bếp thành nơi sexy”, cháu xin phép được có một vài ý kiến như sau:

Trước hết, thông qua bài báo của chú, cháu hiểu rằng chú cũng đang cố gắng góp phần rút ngắn  khoảng cách bất bình đẳng nam nữ bằng cách “bày cách” cho những người phụ nữ trong gia đình lấy lại bình đẳng. Cái mà chú nói là phải sexy này nọ, thì theo cháu hiểu đó cũng chỉ là một cách nói ẩn dụ của chú, nhằm hướng đến việc phụ nữ phải biết cách tự coi việc nhà, việc bếp núc là niềm vui, tự tạo ra những điều thú vị để đàn ông có thể nhìn vào đó mà ngạc nhiên rằng “Ồ, nó thú vị thế sao? Tại sao mình không thử?” . Và phải biết cách trao giẻ lau cho người đàn ông một cách mềm mại, hay nói cách khác, chính người phụ nữ phải làm được thế nào đó để “dụ khị” đàn ông vào bếp.

Nếu như vậy, phải chăng chú đã mặc định rằng vào bếp, việc nhà là bổn phận, trách nhiệm của riêng người phụ nữ, còn người đàn ông khi rửa bát, nấu ăn thì đó được coi như một “ân huệ” đối với vợ? Phải chăng vì thế mà người Việt Nam ta hay dùng từ “rửa bát giúp vợ”, “làm việc nhà giúp vợ”,… Và cũng chính vì việc “giúp” đó nên người phụ nữ phải coi đó là một thứ ân huệ, phải làm thế nào đó để “người ta” ban cho mình?

Thế nên, người phụ nữ phải “biết biến bếp thành một nơi lãng mạn, tình tứ, gay cấn, hồi hộp, pha thêm sexy và nghẹt thở”, phải “cho đàn ông thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn, huyền bí của bếp nói riêng và của việc nhà nói chung”… Có như thế thì mới mong được chồng ban cho ân huệ trên…

 


Cháu không có ý cào bằng rằng bình đẳng nghĩa là tôi làm việc này, thì anh cũng làm việc này, hai ta 50:50; mà cháu chỉ muốn nhấn mạnh rằng cánh đàn ông đừng nên cho rằng một công việc gì đó là của riêng phụ nữ, là bổn phận, là trách nhiệm thuộc về riêng phụ nữ (ngoại trừ việc sinh con và cho con bú ), nên ta có làm thì chỉ là ta giúp ngươi đấy thôi, ngươi phải biết điều.

Tại sao khi người phụ nữ trong gia đình đi làm kiếm tiền, thì chẳng bao giờ ai nói rằng đấy là chị đang đi làm giúp chồng, đi kiếm tiền giúp chồng? Vì đơn giản, chẳng ai có ý định mặc nhiên công nhận rằng việc kiếm tiền nuôi gia đình là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ riêng và chỉ của riêng chồng cả. Vậy tại sao đàn ông lại thường cho rằng vào bếp rửa bát là trách nhiệm của riêng vợ?

Trời phú cho mỗi người những đặc điểm, tư chất riêng để phù hợp với từng công việc. Đúng vậy, từ xưa đến nay, trời phú cho người đàn ông sức khỏe và vóc dáng cao lớn để phù hợp với những công việc nặng nhọc, và cũng ban cho người phụ nữ đôi tay mềm mại, khéo léo và óc tinh tế để thích hợp với những công việc cần đến điều đó. Người phụ nữ biết rằng đôi tay to đùng thô lỗ của đàn ông khó có thể cầm cái bát rửa mà không bị vỡ, khó có thể làm nên những chiếc bánh nhỏ xinh xắn, vì thế nên người phụ nữ nhận những công việc đó về mình. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng đó là công việc mà bản thân người phụ nữ phải có trách nhiệm đảm đương từ A đến Z, và đấy là bổn phận của người phụ nữ.

Chú bảo rằng, sai lầm của phụ nữ là không biết cách dùng những thứ hấp dẫn những đức ông chồng để lôi họ vào nhà bếp. Vậy cháu xin hỏi, giả sử như có bà vợ “thông minh” nào đó như chú nói, dùng những cách như chú bày, “dụ” được chồng vào bếp, thì lúc đó những đức ông chồng kia xắn tay lao vào bếp là vì cái gì đây? Có phải là vì thương vợ cứ phải vật lộn với đám bát đĩa xoong nồi kia không? Có phải vì muốn san sẻ, muốn làm cùng vợ những việc đó để hai vợ chồng sớm được cùng nghỉ ngơi không (cháu nói là làm cùng, chứ không phải là làm giúp nhé!)?

Hay là chỉ vì thấy hay hay, thấy thích thú, hay thậm chí thấy hứng máu lên, thì lao vào? Việc “giúp đỡ” mang tính không xuất phát từ bản chất như thế thì có được dài lâu? Liệu bà vợ “thông minh, không buồn tẻ” kia có đủ thông minh để ngày nào cũng nghĩ ra một chiêu kéo được chồng vào bếp mà không phải xuất phát từ cái tâm là muốn san sẻ việc nhà với vợ?

Cháu nghĩ rằng, một ông chồng đã yêu thương vợ, nhìn thấy được sự vất vả của vợ khi phải buộc lên mình những công việc hoàn toàn không phải là bổn phận của riêng mình, thì sẽ không cần vợ phải sexy trong nhà bếp hay làm bất cứ thứ gì để lôi anh ta vào. Tất cả xuất phát từ tình yêu và thương! Thế thôi.

Độc giả Nguyễn Thị Hồng Phúc

Bạn nghĩ gì về ý kiến này?