Em lập gia đình năm 2006. Cưới rồi mới biết chồng em là người thường xuyên cờ bạc, rượu chè.
Em cố gắng khuyên giải, anh cũng đỡ dần chuyện cờ bạc nhưng lại uống rượu nhiều hơn. Đã vậy, mỗi khi say rượu là anh gây sự, đánh đập em. Vợ chồng sống chung với gia đình em, nên em càng tủi nhục hơn vì bố mẹ mình phải chứng kiến cảnh con gái bị chồng hành hạ. Gia đình đã nhiều lần khuyên em nên ly hôn nhưng suy đi nghĩ lại, em thấy không thể.
Xét bản thân, em tự tin mình luôn là người vợ tốt, chăm sóc chồng, lo cho gia đình chu đáo. Ngoài xã hội, từ tấm bằng cao đẳng, em vừa học vừa làm, đã lấy bằng đại học và đang học cao học. Không chỉ thế, là đảng viên, em từng bước phấn đấu, có chân trong ban chấp hành đảng bộ thị trấn, rồi trúng cử vào hội đồng nhân dân và giờ là phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn. Việc nhiều nhưng em luôn cố gắng sắp xếp để có thời gian lo cho chồng con. Thật oái ăm, em thường xuyên làm công tác tuyên truyền chống bạo lực gia đình nhưng bản thân lại là nạn nhân của nó; bất lực không thể làm cho chồng thay đổi được. Đến giờ, gần như kiệt quệ vì những trận đòn của chồng, em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết đơn ly hôn để sẵn chờ chồng ký. Tuy nhiên, em vẫn cứ phân vân mình làm vậy có đúng không? Là một cán bộ Hội PN mà ly hôn thì người khác sẽ đánh giá mình thế nào? Lại còn con cái, danh dự gia đình? Chị giúp em.
Lâm Hà
Ảnh minh họa |
Em Hà mến,
Lòng đã quyết nhưng em còn do dự, có lẽ chỉ vì em đang là cán bộ Hội PN, sợ việc ly hôn sẽ bị dư luận phán xét nghiêm khắc hơn. Sao em không nghĩ đến cái lẽ cực kỳ đơn giản này: có là cán bộ Hội hay ông này, bà nọ gì thì trước tiên và mãi mãi em cũng là một người phụ nữ. Trong hôn nhân, hạnh phúc hay bất hạnh rất khó dự báo; “bến đục” hay “bến trong” lắm khi đành may nhờ, rủi chịu. Mái ấm gia đình nào phải chỉ một tay mình muốn xây là được. Đâu cứ cán bộ Hội là đương nhiên phải có gia đình hạnh phúc, là chồng phải “sợ” không dám đánh! Có lẽ em đã nghĩ chưa đúng về vai trò của người cán bộ Hội PN. Ai dám nghe em, tin em về chuyện chống bạo hành gia đình khi bản thân em lại là một nạn nhân, không thoát ra được? Phải đấu tranh để thay đổi hoàn cảnh và khi đã hết lòng, hết sức mà không làm được gì thêm nữa, phải can đảm giải phóng bản thân khỏi cảnh bạo lực.
Có lẽ không cần phải bàn thêm về hôn nhân của em. Với một người chồng như thế, càng kéo dài cuộc sống chung, em chỉ càng đau đớn, khổ sở. Vài ba hôm một trận đòn, vợ chồng làm sao có được những chia sẻ, yêu thương? Lại không chỉ mình em khổ, mà cha mẹ rồi cả con em chắc chắn cũng đau lòng vì chứng kiến thường xuyên cảnh em bị bạo hành. Em đã cố gắng và chịu đựng rất nhiều để chồng thay đổi nhưng vẫn hoài công. Khi chồng cứ mãi muốn làm “bạo chúa”, em phải tự thay đổi để tự cứu mình thôi. Người phụ nữ ngày nay phải làm chủ cuộc đời mình, chủ động tìm kiếm hạnh phúc, chứ không sống cam chịu. Hãy vững tin, em viết đơn ly hôn là một quyết định đúng.
(Theo PNO)