Sau những giờ học, giờ chơi cùng bạn bè, thời gian còn lại hầu như bị “nhốt” vào những căn nhà ẩm thấp, chật chội nằm lọt thỏm trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút…, một số đứa trẻ ở khu phố cổ đang bị “đầy ải” trong cảnh tù túng.
Bị “nhốt” cùng hàng công nghệ
Một em bé phố cổ trong căn nhà 2m2 |
Vừa được mẹ đón về sau hai tiết học thêm tại nhà cô giáo, em Nguyễn Tuấn Minh, lớp 4 ở một trường tiểu học trên khu phố cổ vội vã chạy vào nhà và bật ngay máy tính để chơi trò câu cá mà hàng ngày em vẫn thường yêu thích.
Cậu bé vô tư chơi, chơi chán thì cậu lăn ra ngủ mặc kệ mẹ đang khoá cửa nhốt mình ở trong nhà. Với Tuấn Minh, điều đó như đã thành thông lệ.
“Bố mẹ em bận buôn bán suốt, em muốn đi chơi công viên, xem phim hay đến cung thiếu nhi thì năn nỉ mãi bố mẹ mới cho đi”, Tuấn Minh tâm sự.
Rồi Tuấn Minh hồn nhiên nói: “Mấy lần bố mẹ nghỉ bán nhưng cũng không cho cháu đi chơi vì bố mẹ bảo mệt cần nghỉ ngơi. Cháu mở máy tính thì bố mẹ mắng bảo ồn, những lúc thế cháu toàn phải tắt tiếng đi để chơi thôi ạ”.
Chia sẻ về việc ngày nào cũng phải để con một mình ở nhà, chị Trần Nguyệt Hà, mẹ bé cho hay: “Hai vợ chồng làm nghề bán hàng ăn nên bận không kịp thở. Chính vì vậy, chúng tôi không có thời gian để đưa con đi đâu cả”.
“ Năm ngoái, nhà chật nhưng hai vợ chồng bàn đi tính lại, cuối cùng cũng quyết định mua máy tính cho con để con vừa học vừa chơi. Như vậy chúng tôi có thể yên tâm làm việc mà con thì cũng được mở mang phần nào”, chị Hà chia sẻ.
Phải buôn bán như người lớn
Khác với trường hợp của Tuấn Minh, bé Ngọc Mai chỉ mới học lớp 5 nhưng sau mỗi giờ tan học, bé đều tranh thủ phụ giúp mẹ bán hàng nước ở đầu ngõ.
Sở dĩ bé phải theo mẹ sau mỗi giờ tan học một phần do hoàn cảnh hiện tại chỉ có hai mẹ con, gia đình lại quá khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định, phần khác chị cũng không đành lòng nhốt con một mình ở nhà với 4 bức tường tối tăm, sâu hun hút không có ánh sáng.
Nhiều trẻ em khu phố cổ đang chịu cảnh sống tù túng, ngột ngạt quanh 4 bức tường |
Chị Ngoc Tú, mẹ bé chia sẻ: “Từ khi bố cháu mất đột ngột trong một tai nạn xe máy hai năm trước, ngày nào tôi cũng mang cháu ra đây bán nước cùng để cháu chia sẻ nỗi vất vả cùng tôi. Hơn nữa, ở trong nhà thì nhỏ, chật và tối, để cháu một mình tôi cũng không yên tâm”.
“Được cái con ngoan, học hành mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ phụ mẹ bán nước. Có hôm mình ốm, con một mình vật lộn với hàng quán. Thương con nhưng không biết làm thế nào cả, hai mẹ con mà nhịn bán thì nhịn ăn nốt”, chị Tú bày tỏ.
Tại một gia đình khác ở ngõ Phất Lộc, Hàng Buồm, một đứa trẻ khác cũng đang đứng phụ mẹ bán thịt nướng. Trên mặt cậu, những giọt mồ hôi bất chợt chảy, bên dưới là hai cánh tay đen nhèm vì nắng nóng.
Hỏi ra mới hay, bé tên là Bun, mới học lớp 3 nhưng đã có thâm niên 1 năm đứng quán cùng mẹ.
Bun tâm sự: “Gia đình em nghèo, em cũng muốn được đi chơi lắm, nhưng quán có mỗi mẹ bán nên em phải phụ giúp mẹ nếu không thì tội mẹ lắm cô ạ”.
Mẹ bé Bun cho hay, “Ở phố cổ, tranh thủ buôn bán được đồng nào hay đồng đó. Người ta đi làm công ăn lương có thời gian đưa con đi chơi chứ như dân lao động chúng tôi thì chịu. Lúc nào tôi cũng chỉ mong lắm khách để làm việc thôi”.
Chia sẻ về việc cháu Bun không được đi chơi như những đứa trẻ khác, chị này cũng buồn bã: “Hầu như tất cả trẻ em ở khu phố cổ này cũng đều chơi ở trong nhà, cuối tuần bố mẹ mới cho đi công viên, bể bơi…Con mình không có điều kiện đi mà ở nhà xem tivi nhiều cũng không tốt. Cho cháu ra vừa phụ mẹ, vừa được chơi ở không gian thoáng đãng, lại có điều kiện tiếp xúc với phố xá, hàng quán hơn”.
Nhiều khi, người ta cứ nhầm tưởng tất cả người dân ở khu phố cổ đều có cuộc sống sung túc, no ấm như vẻ thường vốn dĩ. Thế nhưng, ngay bên trong những con ngõ ngỏ, phố nhỏ ấy, gánh chung nỗi khổ về cảnh sinh hoạt cùng ông bà, bố mẹ thì nhiều đứa trẻ ở khu phố cổ vẫn đang chịu cảnh tù túng, ngột ngạt như bị “nhốt” trong lồng.
Minh Anh - Hạnh Thúy
(còn tiếp)