- Ở hai thái cực khác nhau, trong khi Phan Huyền Thư bị tố đạo thơ và đã xin  lỗi thì Nguyễn Phan Quế Mai cũng bị tố đạo thơ nhưng vụ của chị dường như rơi vào quên lãng. Dù có ở thái cực nào đi chăng nữa thì năm qua, văn đàn cũng đã dậy sóng vì 2 văn sĩ họ Phan – Nguyễn.

Phan Huyền Thư bị tố 2 lần đạo thơ

{keywords}
2 bài thơ trong tập 'Sẹo độc lập' của Phan Huyền Thư bị mổ xẻ vì đạo thơ.

Sau khi tập thơ "Sẹo độc lập" vừa giành được Giải Văn học 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội, bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" trong cuốn sách bất ngờ có những câu mở đầu rất giống với tác phẩm nổi tiếng "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển" của nhà thơ Du Tử Lê, sáng tác năm 1977. Nghi án Phan Huyền Thư đạo thơ của Du Tử Lê xôn xao trong giới văn chương.

Trong khi bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" có những câu thơ: “Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Vì tôi là hạt muối buồn/ Kết tủa từ cô đơn/ Tự ăn mòn mình bằng mơ mộng

/Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/ Cào đến xước mặt hoàng hôn/ Nàng tiên cá hát ru con/ Mê hoặc đêm trăng những chàng thủy thủ…

Còn bài thơ "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển" với những câu thơ: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ Hồn không đi sao trở lại quê nhà/ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ Bên kia biển là quê hương tôi đó/ Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì..."

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - người phát hiện ra sự trùng hợp này thì nữ nhà thơ gốc Hà Nội đã "bắt chước cách khởi ý" của Du Tử Lê, và chỉ trích rằng "bài thơ dù dông dài vẫn không thoát khỏi câu thơ bao trùm của Du Tử Lê!”. Ông cho rằng, nếu xét theo cách khắt khe thì "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" vẫn có thể được xem là một tác phẩm "đạo".

Đến nay, Phan Huyền Thư vẫn chưa chính thức thừa nhận vụ việc và nhà thơ Du Tử Lê cũng không lên tiếng về vụ này.

Sau đó, bài 'Bạch lộ' cũng trong tập thơ 'Sẹo độc lập' của Phan Huyền Thư lại tiếp tục bị tố đạo bài thơ 'Buổi sáng' của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Sau khi đưa ra loạt những lý lẽ biện minh bài thơ của mình có trước thì cuối cùng, Phan Huyền Thư cũng phải thừa nhận rằng cô đã viết bài thơ "Bạch lộ" (xuất bản năm 2014) sau bài "Buổi sáng" (sáng tác năm 2000) của nhà thơ Thường Đoan và đã gửi lời xin lỗi tới nhà thơ Thường Đoan. Hội nhà văn Hà Nội cũng đã quyết định rút giải thưởng đối với tập thơ này.

"Tổ quốc gọi tên mình" - Nguyễn Phan Quế Mai

{keywords}
Nguyễn Phan Quế Mai bị tố đạo thơ của một người lính nhưng cho tới giờ, mọi chứng cứ vẫn đứng về phía nữ nhà thơ này.

Năm 2015, dư luận cũng sôi nổi không kém với quyền tác giả của bài thơ 'Tổ quốc gọi tên mình'. Tác phẩm này in trong tập thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và được nhạc sĩ Phạm Trung Cẩn phổ nhạc với âm hưởng thật hào hùng.

Tuy nhiên, ngày 28/9, người có tên Ngô Xuân Phúc chia sẻ trên trang cá nhân cho biết anh mới là chủ nhân thực sự của bài thơ. Theo tác giả sinh năm 1980 đang sinh sống tại tỉnh Nghệ An, anh sáng tác bài thơ vào năm 2008 và từng lưu truyền trên các mạng xã hội khác nhau.

Dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc này bởi 'Tổ quốc gọi tên mình' là bài thơ đầy ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng cô bị vu khống và dọa kiện Ngô Xuân Phúc ra tòa.

Hiện tại tranh chấp về quyền tác giả cũng như chỉ ra người đạo bài thơ 'Tổ quốc gọi tên mình' đang đi vào ngõ cụt. Tối 20/10, Nguyễn Phan Quế Mai gửi thư ngỏ tới độc giả, cho biết cô không tiến hành kiện tụng liên quan đến tranh chấp bài thơ trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Nữ nhà thơ tiếp tục khẳng định cô là tác giả và "chưa từng nghe thấy hoặc đọc một bài thơ nào tương tự".

T.Lê