- “Tôi là Diệu Linh. Sau đây tôi xin kể về…”, “Nhà em có một con mèo…”, “Mẹ mới mua cho em cái bút chì…’, “Mẹ mua cho em cái cặp sách…” là những câu mở đầu quen thuộc trong các bài viết tập làm văn của con gái chị Bích Diệp.


Và bài của bé cũng luôn kết thúc bằng câu: “Em rất yêu mẹ, yêu bút chì, yêu cặp sách, yêu con mèo…”

Con gái chị Diệp (ở Khương Trung- Hà Nội) tên  Diệu Linh, đang học lớp 4. Môn học tệ nhất của cô bé là văn.

Một thời gian dài, chị không có thời gian ngồi hàng tiếng cùng con đánh vật với những bài tập làm văn.

Khi hỏi con, cô bé thanh minh: “Con học trong quyển văn tham khảo mẹ mua cho mà!”

Giật mình giở lại, chị mới thấy đúng như con nói.

Không ít những bài văn kể chuyện, miêu tả trong đó viết như vậy. Những cách viết khác khó quá, con chị không thể nào bắt chước được.

Những mẫu viết sẵn này là mẫu dễ bắt chước nhất và luôn gỡ bí cho học sinh khi không thể nghĩ ra cách vào bài, kết bài nào hay hơn. Không ít giáo viên khi chấm bài đã gặp trong cùng lớp hàng chục bài viết có mẫu y hệt nhau như thế.

Chị Hoàng Phương Nga (Ba Đình- Hà Nội) kể về bài văn đầu tiên của con đang học lớp 3:

“Bài ấy con mình được 7 điểm, trong lớp có vài bạn được điểm 8. Mình bảo con rút được kinh nghiệm gì từ bài của các bạn. Con nói: Bài của bạn hay lắm, có cả những từ như man mác, mơn man, không thể nào phai nhạt… y như trong mấy quyển sách ấy.”

Chị cho rằng, với cảm nhận của HS lớp 3, các bé chưa thể có những cảm xúc ở mức độ ấy nên không khuyến khích con học theo các bạn mà động viên con cứ viết như những gì con cảm nhận và quan sát được.

Tả người, tiêu chuẩn là phải đẹp

Trong số khá nhiều căn bệnh của các cuốn sách văn mẫu đang được bán tràn ngập thị trường sách giáo dục chính là căn bệnh “mô-túyp” và “già trước tuổi”.

Sách giáo khoa có yêu cầu gì, văn mẫu đáp ứng ngay yêu cầu đó, từ viết văn, đặt câu, lập dàn ý đến… tạo ra hình mẫu cho HS tả theo.

Cô giáo Nguyệt Anh, giáo viên dạy một trường tiểu học ở Hà Nội phàn nàn:

“Nếu cho bài kể lại một câu chuyện, gần như cả lớp bắt đầu bằng: “Câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe là…”, nếu tả mẹ, gần như 100% các bé sẽ viết: Mẹ em có nước da trắng hồng, mịn màng, …”

Lật giở lại những cuốn văn mẫu phổ biến, những mô-tuýp mà cô Nguyệt Anh đưa ra nhan nhản trong các bài văn.

Chẳng hạn, trong cuốn “Bồi dưỡng văn năng khiếu lớp 5” của Nhà xuất bản (NXB) ĐHQG TP.HCM, với đề bài kể lại một câu chuyện, rất nhiều mở bài đều bắt đầu bằng ý: “Tôi tên là… Tôi xin kể lại câu chuyện…”

Thậm chí, những cách miêu tả “kinh điển” của …20 năm về trước đến bây giờ vẫn được các nhà làm sách tận dụng triệt để.

Tả con vật, hai bài tả con mèo và con chó nằm sát cạnh nhau đã “ăn chung” một  cách viết: “Đôi mắt thì trong xanh như màu nước biển ở độ sâu”.

Đặc biệt là những bài văn tả người. Một mô-tuýp “bất tử” từ trước đến nay là tả phụ nữ đang còn trẻ như mẹ, cô giáo, người bạn gái, chị bán hàng xuất hiện với mật độ dày dặc trong những cuốn sách thuần văn mẫu như: “150 bài văn hay , Bồi dưỡng văn năng khiếu, 166 bài làm văn- Tiếng Việt, Những bài làm văn mẫu….

Tất cả những người phụ nữ này đều được hiện lên với vẻ đẹp không được như hoa hậu thì cũng là á hậu và đẹp…y như nhau: Mái tóc đen dài óng ả buông xõa xuống ngang lưng, dáng người thon thả, cân đối, dong dỏng cao, nước da trắng trẻo, mịn màng, đôi môi đỏ hồng, nụ cười khoe hàm răng trắng bóng, giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, cô đọc thơ, hát rất hay…vv.v..

Lối viết “kinh điển” này làm cho các bé không dám tả một cô giáo có nước da ngăm đen, mái tóc uốn xoăn sành điệu, mặc váy, đi giày cao gót mà các bé vẫn thường thấy trên trường.

Sách văn mẫu cũng thể hiện kho kiến thức vô tận của những… HS lớp 2. Đọc cuốn văn kể chuyện, văn miêu tả lớp 1 và lớp 2, NXB Hà Nội, thật sửng sốt trước những bài được chọn đưa vào sách có những kiến thức uyên bác như nhà khoa học:

“Vỏ sầu riêng là một dược liệu quý để chữa ho, tiêu chảy”, “Gỗ xoan dẻo và thơm, dùng làm cột nhà, rui nhà, xà nhà…Mối, mọt không bao giờ dám đụng đến”.

Hay là: “Ngày nay, nông nghiệp nước ta đã và đang được cơ giới hóa. Máy cày, máy bừa đã được sử dụng khá rộng rãi.”…

Những câu văn, cách viết như thế này hoàn toàn xa lạ với học sinh tiểu học. Thế nhưng những bài văn như thế vẫn “mọc” đầy trong các cuốn sách văn mẫu như những bài văn lý tưởng cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh tham khảo.

  • Nguyễn Hường