- Ghét văn mẫu, muốn con viết bằng những cảm nhận trẻ thơ của mình, nhiều cha mẹ dù bận rộn vẫn dành tâm sức dạy con làm văn để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống. Sản phẩm từ tâm hồn trẻ thơ của con khiến các bậc cha mẹ nhiều lúc bất ngờ, vui sướng.
TIN LIÊN QUAN
Khơi nguồn
Với đề văn tả về Hà Nội, chị Thu Trang và con gái lớp 3 đánh vật khoảng 2 tiếng thì lên một cái dàn ý dài ngoằng: Cảnh vật Hà Nội (đường phố, xe cộ, cảnh đẹp, di tích, cảnh buổi sáng, cảnh buổi tối…), tình yêu Hà Nội (yêu Hà Nội, tự hào là người Hà Nội, đi xa thấy nhớ…v.v.) , muốn Hà Nội đẹp hơn…
May mắn là con chị không thích gò theo văn mẫu nhưng dàn ý logic theo kiểu người lớn khiến bé viết ra rất lộn xộn. Nếu bắt bé học thuộc bài văn nào đó thì bé nhất quyết không chịu.
Tâm sự của chị Trang không hiếm đối với nhiều bà mẹ có con đang học tiểu học. Từ đây, các bà mẹ xắn tay áo làm cô giáo thứ hai của con ở nhà. Thay vì áp dụng lối tư duy của người lớn, nhiều phụ huynh đã kéo trí tưởng tượng của mình đến gần con để giúp con sáng tạo.
Giúp con quan sát, khơi gợi cảm nhận trong sáng và dẫn dắt cảm xúc cho con là cách mà khá nhiều bà mẹ tư vấn cho chị Trang.
Bé Bi con chị mới học lớp 2. Tác phẩm của bé là những câu văn cụt lủn, chẳng câu nào ăn nhập với câu nào, giọng điệu khách sáo như những lời văn mẫu.
Ban đầu, chị ra đề cho con miêu tả mẹ nấu cơm. Mãi gần 10 phút sau, bé mới chào hàng một câu gọn lỏn: “Mẹ em nấu cơm và nhiều món ăn rất ngon.”
Không nản chí, chị tiếp tục đánh thức giác quan của con. Hai mẹ con bắt đầu đối thoại:
“Mẹ: Con chưa ăn làm sao con có thể nói mẹ nấu rất ngon? Nếu khi con học bài trên gác, con có biết mẹ nấu nướng dưới bếp không?
Con: Có ạ!
Mẹ: Làm sao con có thể biết được?
Con: Con nghe tiếng. Con ngửi thấy mùi rất thơm. Và ngày nào cũng thế, lúc con đang học bài thì mẹ đang nấu cơm.
Mẹ: Đúng rồi đấy. Cái này con có thể đưa vào bài văn của con, có âm thanh, có mùi vị và cái gì con nhìn thấy được thì còn có cả hình khối, màu sắc và cảm nhận của con nữa…”
Biết con đã tìm được hướng, chị khơi tình cảm tự nhiên của con đối với mẹ. Bé hào hứng nói: “Mẹ ơi, con thấy mẹ yêu chúng con nên toàn nấu món chúng con thích thôi!”
Nhờ mẹ khơi nguồn, bé Bi đã cho ra đời sản phẩm khiến chị cũng bất ngờ với những câu văn rất đáng yêu như: “Em nghe thấy tiếng bát đũa, tiếng thịt băm ở dưới bếp. Một lúc sau, có cả mùi thơm bay lên, mùi cơm, mùi thịt rán, mùi canh làm em đang đói muốn ăn ngay bây giờ!…Mẹ cười rất vui khi nghe chúng em khen “mẹ ơi con ngửi thấy mùi thơm thơm” và “ngon quá mẹ ơi”.
Cuối bài, bé còn tặng chị Thủy một lời hứa hẹn: “Sau này em lớn hơn, em sẽ học nấu món mà mẹ em thích nhất, đó là món chè đỗ đen để mời mẹ em ăn!”.
Liên tưởng
Để giúp con phát triển khả năng tưởng tượng, một bà mẹ khác lại kiên trì luyện tập cho con hình thành thói quen chủ động tưởng tượng, tìm hình ảnh thích hợp để ví von bằng những hướng dẫn rất cụ thể.
Chị cho biết, thường cùng bé con đang học lớp 3 tập làm những bài đặt câu sử dụng phép so sánh. Với từng yêu cầu so sánh, chị gợi ý đối tượng để con tự nghĩ ra cách so sánh. Chẳng hạn, chỉ một yêu cầu so sánh: “Hồ nước lặng yên như…” chị yêu cầu con so sánh với con người và hỏi: “Khi nào thì con người lặng yên?”
Và thật bất ngờ với liên tưởng của con trẻ: Hồ nước lặng yên như đang ngủ/ như đang mơ mộng tới bầu trời/ như đang nhớ những chú chim chưa thấy trở về…
Nhiều ông bố, bà mẹ tận dụng cơ hội dạy con luyện viết văn mọi lúc mọi nơi, có những lúc viết câu dài, viết câu ngắn.
Những lúc đi chơi, đi trên đường, bố mẹ cũng giúp bé tập quan sát, tập miêu tả bằng lời nói.
Thậm chí, có mẹ còn chịu khó đến mức, nếu con học tả con gì, vật gì, mẹ lại cố gắng đưa con đi gặp, nhìn bằng được để con có thể viết những bài văn của riêng mình.
Con học sách gì, mẹ đọc sách ấy
Đọc sách là cách mà bố mẹ thường hay áp dụng nhất để giúp con làm đầy vốn từ.
Nhưng không chỉ là đọc sách và để kiến thức trôi tuột theo thời gian, chị Phùng Thanh (Hà Nội) còn luyện cho con diễn đạt những gì con nhớ được bằng lời của mình.
Sau mỗi lần con đọc sách, chị đều cố gắng dành thời gian hỏi con những ý chính của câu chuyện, để con nói bằng ngôn ngữ của con, cùng con cảm nhận ý nghĩa.
Chị chia sẻ: chỉ khi nào ngay cả mẹ cũng bí, không biết phân tích ra sao, hai mẹ con mới tham khảo trên mạng hay lời bình trong sách. Cách học này tốt cho cả con và …mẹ!
Chị Thanh (Nam Định) lại chú ý rèn luyện cách sử dụng từ ngữ cho con. Con trai chị học lớp 4, ngoài rất nhiều sách về danh nhân, truyện đọc, khoa học… cậu bé còn thường xuyên được mẹ tìm những bài tập chọn từ ngữ thích hợp để hoàn thành câu.
Trên diễn đàn Webtretho, lamchame, yeutretho…nhiều bố mẹ truyền tai nhau những tài liệu văn bổ ích như Luyện tập làm văn, Cảm thụ Văn tiểu học…Đặc biệt, tạp chí Văn học tuổi thơ của NXB Giáo dục được nhiều bậc phụ huynh ưa chuộng và tìm mua cho con.
Con đọc sách gì, bố mẹ đọc sách ấy. Bố mẹ học để hướng dẫn con…Đây là cách nhiều bố mẹ lựa chọn để cùng con vượt qua những bài văn đầu tiên của tuổi học trò.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi
Nguyễn Hường