- Dự kiến đến năm 2018, tất cả HS lớp 3 được học tiếng Anh, nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành giáo dục là không đủ nguồn cung cấp giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tiểu học, vì lương thấp khó thu hút người giỏi, đồng thời các trường CĐSP chưa có mã ngành giáo viên tiếng Anh dạy bậc tiểu học.

TIN LIÊN QUAN


Giờ học tiếng Anh ở lớp 3. Ảnh: Bích Ngọc.
Gần 100% GV tiểu học không đủ chuẩn

Qua kiểm tra 147 giáo viên tiếng Anh tiểu học để triển khai việc giảng dạy tiếng Anh thí điểm đối với học sinh khối lớp 3, chỉ có 92 giáo viên đạt chuẩn kiến thức, có thể tham gia công tác giảng dạy thí điểm, Thứ trưởng Bộ  GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Đà Nẵng gần đây.

“Gần 100% giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học hiện nay không đủ chuẩn. Bởi với những giáo viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm thì tiếng Anh không đảm bảo, trong khi đó những giáo viên có khả năng về ngoại ngữ thì lại không được học qua nghiệp vụ sư phạm”, ông Hiển nói trên tờ Thanh Niên.

Theo GS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, hiện có 4.000 giáo viên tham gia dạy tiếng Anh tự chọn bậc tiểu học trên toàn quốc.

"Thực tế trình độ chuyên môn của giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học còn có sự chênh lệch, một số giáo viên không diễn đạt được một cách trôi chảy thứ tiếng mình đang dạy, hạn chế về phát âm; phương pháp dạy phù hợp với người lớn hơn là trẻ em…

Trong đợt khảo sát gần 150 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học vừa được Bộ tiến hành, chỉ có gần 100 giáo viên đảm bảo năng lực tiếng Anh. Phần lớn giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học làm việc hợp đồng theo mức lương thỏa thuận với phụ huynh, lương thấp, không thuộc biên chế tuyển dụng nên đa số chưa an tâm công tác", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trên Tiền Phong.

Bộ GD-ĐT đang "bật đèn xanh" cho các trường tiểu học trên cả nước chủ động tăng cường dạy tiếng Anh: "Bộ mới chọn 72 trường tiểu học thí điểm chương trình, nhưng nếu địa phương nào đủ điều kiện thực hiện thí điểm chúng tôi cũng ủng hộ, thậm chí dạy tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần", Vụ trưởng Vụ Tiểu học- Bộ GD-ĐT Lê Tiến Thành cho biết trên Tuổi Trẻ.

Cơ chế nào để có GV tiếng Anh tiểu học?

Ông Lê TiếnThành băn khoăn nhất là yêu cầu về đội ngũ giáo viên: "Mỗi tỉnh thành cần xây dựng một kế hoạch giảng dạy tiếng Anh với lộ trình riêng cho địa phương mình, trong đó cần tính đến nhu cầu giáo viên cụ thể bao nhiêu người, làm sao đến năm 2018-2020 có 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh.

Ngoài chuyện cơ sở vật chất, cần tính đến chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Sau một thời gian ta đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên "cứng cáp", liệu họ có chịu ở lại với ta để mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng hay "chào" ta để chuyển sang làm cho các doanh nghiệp?"

"Tính đến năm 2017-2018 chúng ta cần đến 24.000 giáo viên tiếng Anh tiểu học, trong khi hiện tại các trường cao đẳng sư phạm chưa có mã ngành giáo viên tiếng Anh dạy bậc tiểu học", ông Nguyễn Ngọc Hùng, thường trực Ban chỉ đạo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga “Là người làm công tác giáo dục trong hàng chục năm, tôi hiểu rằng ngoại ngữ là rào cản lớn nhất đối với những sinh viên có suất học bổng du học. Rất nhiều chương trình học bổng nước ngoài không kiếm đủ số lượng sinh viên do ngoại ngữ kém. Bộ xác định tầm quan trọng của vấn đề đào tạo ngoại ngữ, nên sẽ bắt tay vào triển khai quyết liệt đề án 1400 (dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020) trong giai đoạn này”.

Ông đưa ra phương án: "Đây là điều rất khó khăn nhưng chúng ta có thể giải quyết tạm thời bằng nhiều cách. Trong đó có thể cho sinh viên tốt nghiệp các ngành khác về tiếng Anh, như tiếng Anh du lịch chẳng hạn, học thêm vài học phần để dạy tiếng Anh tiểu học. Hoặc những trường sư phạm dạy đến năm thứ hai thì định hướng lại cho sinh viên, nếu các em đồng ý thì chuyển sang học ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học".

Năm học 2010 – 2011, Bộ triển khai dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh bậc tiểu học lớp 3 tại 18 tỉnh, thành trên cả nước với 88 trường, tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên đủ năng lực ngoại ngữ và phương pháp sư phạm phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, Tiền Phong cho biết.

Bà Thái Thị Phương Thủy, chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh kiến nghị: "Bộ GD-ĐT cần có cơ chế cho giáo viên, chuyên viên được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ không chủ trương chạy theo phong trào, số lượng mà chú trọng vào chất lượng. Nơi nào đủ điều kiện thì làm trước, chưa đủ thì triển khai sau nhưng phải khẩn trương để đảm bảo các điều kiện này…

Các trường, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, khảo sát đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học hiện có. Trước mắt, Bộ GD – ĐT hỗ trợ về tài liệu, chương trình đào tạo. Học sinh có thể học các chương trình, trường lớp khác nhau nhưng đầu ra đảm bảo là đạt yêu cầu.

Hội đồng Anh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT  đào tạo đội ngũ cốt cán giảng viên tiếng Anh tiểu học để các giảng viên này trở về tập huấn cho giáo viên tiểu học địa phương tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM. Đến nay đã có hơn 1.000 giáo viên tham gia ác khóa tập huấn về phương pháp khai thác hiệu quả các bộ sách giáo khoa “Let’s Learn English” và “Let’s Go” hiện đang sử dụng rộng rãi tại các lớp học tiếng Anh tiểu học trên toàn quốc. Ngoài ra, 40 giảng viên cốt cán tham gia chương trình Đổi mới giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học cũng đã được nhận chứng chỉ tốt nghiệp.

Tú Uyên (tổng hợp)