Tối 16/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết số tiền viết chương trình, sách giáo khoa chỉ tốn 100 tỉ đồng trong tổng số tiền hơn 34 nghìn tỉ đồng đề xuất thực hiện đề án.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

- Hơn 34 nghìn tỉ cho đổi mới chương trình, SGK. Con số này đang khiến cho dư luận đặt rất nhiều câu hỏi. Thưa ông, vậy thì hơn 34 nghìn tỉ sẽ được sử dụng như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hơn 34 nghìn tỉ đồng được sử dụng vào 5 nhóm việc chính.

Một là biên soạn chương trình SGK, sách giáo viên.

Hai là dạy thí điểm chương trình này, rồi đánh giá hoàn thiện để ban hành chính thức bộ chương trình SGK, sách giáo viên.

Ba là tập huấn cho giáo viên để thực hiện đại trà.

Bốn là trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học bổ sung cho các nhà trường khi thực hiện chương trình mới.

Năm là xây dựng kênh thông tin truyền thông riêng cho giáo dục đào tạo.

Trong số đó tiền biên soạn chương trình SGK, sách giáo viên chỉ chiếm hơn 100 tỉ đồng.

- Quá trình thẩm định tổng kinh phí cho dự án này được thực hiện ra sao?

- Việc dự toán dựa trên số lượng công việc và định mức kinh tế kĩ thuật đã có của nhà nước để nhân ra, tính ra số tiền. Quá trình này sẽ được thẩm định bởi bộ tài chính và cơ quan liên quan để có số liệu chính thức.

- 14 năm trước chúng ta từng đổi mới chương trình SGK và giờ lại đổi mới. Vậy số tiền hàng nghìn tỉ đồng trong các lần đổi mới SGK trước đây có lãng phí?

- Hoàn toàn không lãng phí. Chương trình SGK đang thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X năm 2000, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông ghi trong Luật Giáo dục.

Do phát triển nhanh khoa học công nghệ nên chu trình sách giáo khoa của thế giới bị rút ngắn, trước thường là 10 năm, nay chỉ còn 5-7 năm đã thay chương trình SGK. Chương trình của ta thực hiện từ 2002, nếu tính đến 2015 là 13 năm nên đổi mới chương trình SGK là cần thiết, không khác thông lệ bình thường quốc tế cũng như nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo nước nhà.

- Điểm mấu chốt trong chương trình SGK sắp tới có gì khác chương trình SGK hiện hành?

- Có hai khác biệt cơ bản. Thứ nhất thực hiện nghị quyết đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo của Hội nghị TƯ, chúng ta chuyển mục tiêu cơ bản từ trang bị kiến thức cho người học sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học.

Hai là tính toán điều kiện để tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất và tính khả thi của chương trình này. Chúng ta chủ trương xây dựng một chương trình quốc gia và trên cơ sở chương trình quốc gia dành thời lượng nhất định cho các địa phương biên soạn nội dung dạy và học chương trình phù hợp với các địa phương. Đồng thời giao quyền tự chủ triển khai thực hiện chương trình ở các nhà trường.

Một điểm mới nữa khi có một chương tình, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá SGK, Bộ biên soạn 1 bộ SGK đầy đủ, đồng thời tổ chức cá nhân khác có thể dựa vào biên soạn bộ sách khác, nhà trường địa phương có thể biên soạn bộ sách phù hợp nhất để dạy và học.

So với lần trước, lần này thực hiện theo nghị quyết và chủ động hơn, khoa học hơn khi xác định quy trình là việc của các hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định cũng như tập huấn, thử nghiệm, thực hiện đại trà.

Như vậy chương trình lần này nhiều ưu điểm hơn chương trình hiện hành

- Bộ GD-ĐT cam kết hiệu quả thế nào khi chúng ta tiêu lượng tiền lớn?

Lớn so với nước ta chứ không lớn so với thế giới. Tuy nhiên như tôi đã nói tính hiệu quả tiết kiệm khả thi phải được đặt ra ngay từ đầu khi xây dựng chương trình SGK này. Bộ phải báo cáo để được Quốc hội phê duyệt, ra nghị quyết và được Chính phủ phê duyệt đề án, thực hiện theo quy định hiện hành.

- Vậy cam kết chất lượng thì sao?

- Chất lượng đề án chắc chắn sẽ tốt, đáp ứng yêu của nghị quyết đại hội Đảng đề ra.

Bộ GD-ĐT công bố dự kiến chi tiêu hơn 34.000 tỉ đồng

Tối qua (16.4), Bộ GD-ĐT đã công bố (bằng văn bản) khái toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau 2015. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến cho đề án này là 34.275 tỉ đồng. Trong đó, 5 khoản chi cụ thể như sau:

Kinh phí dành cho biên soạn chương trình - SGK, sách giáo viên: 105 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thẩm định chương trình và SGK...

Kinh phí dành cho tổ chức thử nghiệm chương trình - SGK mới tại 600 trường với 34.000 học sinh: 910 tỉ đồng, bao gồm: tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người); đánh giá và hoàn thiện SGK, sách giáo viên; cấp SGK thử nghiệm cho học sinh và sách giáo viên cho giáo viên dạy thử nghiệm.

Kinh phí triển khai dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới: 8.150 tỉ đồng, bao gồm: Triển khai dạy học đại trà trên phạm vi cả nước (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh); tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình và SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người).

Khoán kinh phí lớn nhất dự kiến đầu tư cho trang thiết bị dạy học với: 20.100 tỉ đồng, bao gồm: bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình - SGK mới yêu cầu.

Kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập..

Văn Chung (Theo VTV - Thanh Niên)