- Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố khái toán chi tiết các "hạng mục" giải ngân khoản 34 ngàn tỷ đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015 đã có không ít quan ngại về tính khả thi...

Bộ Giáo dục xin 34 nghìn tỷ đổi mới chương trình

PGS Văn Như Cương: "Tạm chấp nhận với con số 105 tỉ đồng viết chương trình SGK nhưng..."

Tôi từng tham gia viết sách giáo khoa, mỗi tiết được trả 300.000 đồng, sau đó tăng dần lên 500.000 đồng. Với những người tham gia viết sách giáo khoa mới, nếu được trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì chỉ hết khoảng 34 tỷ đồng.

Nhưng thôi, với 105 tỉ đồng cũng đã tạm chấp nhận được. Dạy thí điểm cần trả tiền bồi dưỡng cho giáo viên, tiền in sách ta tính là phát không cho các trường và giáo viên thì 910 tỉ đồng cũng hợp lí.

Nhưng khi đã hoàn thiện sách và tập huấn thí điểm cho giáo viên mà cần tới 8.150 tỉ đồng để triển khai đại trà là con số quá lớn.

Mọi thứ đã làm xong xuôi, chuẩn bị ổn rồi giờ đưa ra cả nước dạy sao phải tốn kém nhiều đến vậy. Giáo viên nếu có cần thì thực hiện tăng lương cho họ. Nhưng cái này Bộ GD-ĐT đâu cần làm.

{keywords}
PGS Văn Như Cương

Bộ GD-ĐT có thường xuyên kiểm tra việc sử dụng trang thiết bị dạy học các trường được nhận về không. Bộ có biết các trường đa phần là phải bắt buộc mua, sau rồi thiết bị bó chiếu, nằm trong kho không?

Có thực tế là nhiều thiết bị do chính Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em của Bộ GD-ĐT sản xuất, đưa xuống các trường không thể sử dụng hoặc gặp nhiều trục trặc khiến giáo viên nản lòng.

Tác dụng của trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy học là vấn đề lớn cần bàn. Khi chưa bàn xong thì đừng vội làm.

Điều ngạc nhiên nữa là hóa ra trong hơn 34 nghìn tỉ đồng của đề án có tên Đổi mới chương trình, SGK thì hơn 20 nghìn tỉ đồng được chi cho mua sắm trang thiết bị.

Với 20 nghìn tỉ đồng này sao không tách ra, gọi tên đây là đề án mua sắm trang thiết bị trường học. Và liệu để như vậy sẽ có bao nhiêu người chấp nhận hay phản đối tôi nghĩ mọi người có thể đoán được.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT): "Đổi mới làm từ ngọn, tiền bao nhiêu cho đủ?"

Nói đề án đổi mới chương trình, SGK “ngoài sức tưởng tượng của tôi” và cho rằng việc làm này là “đổi mới từ ngọn. Cứ dồn tiền làm như vậy thì bao nhiêu cho đủ?”

Thời gian công tác tại Bộ chưa bao giờ tôi được tham gia đề án,dự án nào đến vài chục nghìn tỉ đồng.

{keywords}
Ông Lê Viết Khuyến

Hồi 2001, ta đổi mới căn bản ĐH-CĐ, nhà nước chỉ chi cho xây dựng chương trình khung 11 tỉ mà mãi tiêu không hết. Mà bạn biết các trường ĐH-CĐ bao nhiêu ngành nghề đào tạo.

Con số hơn 34 nghìn tỉ đồng đổi mới chương trình, SGK phổ thông ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Đích tiến tới một đất nước có nền kinh tế theo hướng CNH-HĐH vào năm 2020 sắp tới rồi nhưng nhìn đào tạo nguồn nhân lực thấy nguy hiểm quá. Nói như gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cái cần làm của giáo dục là thiết kế lại hệ thống rồi mới làm các chuyện khác.

Trong khi làm được từ hệ thống mà cứ đổi mới từ ngọn như thế này, bao nhiêu tiền cho đủ?

Từ kinh nghiệm quản lí và nghiên cứu giáo dục đại học, tôi cho rằng Bộ chỉ cần có chuẩn chương trình, rồi chương trình, SGK là việc của trường. Nước Mỹ giàu có họ cũng chỉ chuẩn chương trình.

Việc viết sách bộ không cần làm, dù chỉ là làm một bộ từ lớp 1 lên lớp 12. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể huy động nguồn lực của xã hội. Người nào viết sách hay, được nhà trường và phụ huynh học sinh chấp nhận thì họ thu lợi nhuận. Và ngược lại.

  • Văn Chung (ghi)