- Năm 2011 là mùa tuyển sinh thứ hai, một trường đại học khoa học xã hội lớn nhất nhì cả nước tuyển các thí sinh từ khối A với việc mở rộng ra tới 10 ngành. Một cơ sở lớn khác ở TP.HCM cũng tuyển khối A  cho 5 ngành vốn có "nếp" thường chỉ tuyển khối C và D.

TIN BÀI LIÊN QUAN


Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhất cử lưỡng tiện

Xu hướng thành “trường đa ngành” không chỉ khiến các trường ĐH thi nhau bước vào cuộc đua xin mở thêm nhiều ngành đào tạo mới mà còn rộng cửa với các khối thi.

Năm nay, ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tuyển sinh thêm khối A với 10 chuyên ngành: Du lịch học, Khoa học quản lí, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Nhân học, Quốc tế học, Triết học, Xã hội học, Thông tin thư viện, Tâm lí học.

Trưởng phòng Đào tạo Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐHQG TP.HCM Lê Khắc Cường cho biết, năm 2011, trường tiếp tục tuyển khối A ở 5 ngành gồm Triết học, Địa lí, Xã hội học,Thư viện - Thông tin và Đô thị học.

Trong đó, riêng ngành Địa lí tuyển cả bốn khối A,B,C,D; ngành Đô thị tuyển khối A, D. Ba ngành còn lại tuyển ba khối A, C, D.

Còn TS Trần Ngọc Liêu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội  giải thích thêm: "Từ năm 2001, trường đã tuyển sinh khối A vào một số ngành như Triết học, Xã hội học. Nhưng khi đó, số thí sinh trúng tuyển khối A không phải ở mức điểm cao. Chính vì vậy, nhà trường đã dừng lại việc tuyển nguồn đầu vào từ khối A, B.
 
Năm 2010, khi đã có ĐHQG làm đầu mối liên kết các trường thành viên, sinh viên có thể học liên thông sang nhiều ngành thuộc các trường khác trực thuộc "trường mẹ" nên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nghĩ tới chuyện tuyển thêm thí sinh khối A.

Ông Liệu giải thích, điều này xuất phất từ thực tế là chuyên môn của một số ngành học gắn liền với đầu vào khối A. Việc tuyển sinh vừa đáp ứng nhu cầu đầu vào của từng chuyên ngành, vừa tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Ở năm đầu "tái thiết" lại khối thi này, có hơn 100 hồ sơ đăng kí dự thi.

"Khối C: Buồn ơi, chào mi?"

Ghi nhận ban đầu sau đợt tổng thu nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH năm 2011, tiếp tục tình trạng "hẻo khối C".

Trao đổi với VietNamNet sáng 19/4, một chuyên gia tuyển sinh Bộ GD-ĐT lý giải: Khi học phân ban, ít học sinh chọn ban Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH và NV) dẫn đến lượng thí sinh đăng kí dự thi vào khối này rất ít.

Trả lời báo chí, thạc sĩ Đỗ Văn Bình, khoa Xã hội học (Trường ĐH Văn Hiến) cho biết, ở TP.HCM, từ năm thứ hai triển khai chương trình học phân ban, đã xuất hiện nhiều trường không có học sinh chọn ban KHXH và NV, nên không ít trường đã xóa sổ ban này từ năm học 2009 - 2010. Số học sinh theo ban KHXH và NV trên cả nước  trong năm học 2006 - 2007 đạt 6,41% nhưng chỉ sau 2 năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 2%.

Tại Hà Nội, mùa tuyển sinh năm 2010, chỉ hơn 5% học sinh nộp hồ sơ dự thi khối C, trong khi khối A chiếm 55,4%, khối D là 21,5% và khối B là 13,4%.

Bà Nguyễn Thị Phượng, cán bộ phụ trách hướng nghiệp tuyển sinh Trường THPT Gia Định không ngạc nhiên tình trạng ngày càng giảm của mấy năm gần đầy, bởi đứng ở góc độ thí sinh "nếu chọn ban C, học sinh có rất ít cơ hội chọn lựa ngành nghề vì số lượng trường ĐH, CĐ đào tạo không nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ngành thuộc khối C khó kiếm việc làm kéo theo mức thu nhập không cao sau khi ra trường".

Đồng quan điểm với bà Phương, nhiều giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM nhận xét, mô hình "lớp chuyên C" hiện đã không còn xuất hiện ở một số trường THPT. Nguyên do vì số học sinh đăng kí quá ít, không đủ mở lớp.

Ngóng chờ con thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nên mở cửa khối thi

Ông Trần Ngọc Liêu phân trần: “Lâu nay xã hội vẫn tồn tại suy nghĩ các ngành xã hội chỉ chuyên biệt dành cho thí sinh khối C, D mà không biết nhiều ngành có liên quan mật thiết đến các môn học tự nhiên. Từ đó, dẫn tới tâm lí của học sinh sợ không đáp ứng nhu cầu khi theo học.

Hơn nữa, thí sinh chỉ quan tâm nhiều đến những ngành học "nóng", được các phương tiện truyền thông nhắc nhiều hoặc lựa chọn theo bạn bè. Vô hình chung, điều đó đã tạo ra nếp nghĩ cố hữu của nhiều người.

Không chỉ khối A, những ngành như Tâm lí học, Nhân học cũng rất cần thí sinh khối B. Do đó, chuyện mở rộng đón thí sinh các khối A, B vào học các chuyên ngành xã hội là cần thiết và nên làm.

"Việc này đối với ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội không có gì khó khăn vì chủ yếu là ở thao tác kĩ thuật" - ông Liệu cho hay.

Một vài trở ngại hiện nay theo vị Trưởng phòng Đào tạo là liên quan nhiều đến chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ cho sinh viên  rồi các kĩ năng cứng và kĩ năng mềm.

Cụ thể, do đào tạo theo tín chỉ nên nếu học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh thì việc tổ chức lớp học, bố trí cán bộ đứng lớp sẽ có một số khó khăn. Ví dụ ngày trước một ngành có khoảng 5 - 6 SV đăng kí học ngoại ngữ có thể học chung một lớp với SV ngành khác, nay không thể gộp được.

Trên website Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, câu chuyện mở rộng tuyển sinh thí sinh khối A thu hút khá nhiều quan tâm, chia sẻ sau bài viết của Th.S Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo về chủ trương này.

Việc làm trên, theo ông Hải: “Đó cũng là công bằng xã hội trong tuyển sinh. Sẽ không có việc mặc định có bao nhiêu phần trăm cho khối A, khối C hay khối D. Nhà trường sẽ xác định điểm chuẩn cho từng khối tuyển căn cứ trên kết quả dự thi”.

“Và cũng không có chuyện buộc phải tuyển khối A điểm thấp và phải bớt chỉ tiêu của khối C, D điểm cao như trước đây” – ông Hải khẳng định.


  • Kiều Oanh - Văn Chung