- Những giảng viên, giáo viên từng tham gia làm đề thi tốt nghiệp THPT và làm đề “ba chung” đều khẳng định: Dù khó, nhưng việc ra một đề thi nhằm hai mục đích cho kỳ thi quốc gia là việc hoàn toàn khả thi.

Khó, nhưng làm được

“Việc thực hiện một đề thi nhằm hai mục đích là đánh giá học sinh phổ thông và tuyển chọn người đủ năng lực vào học đại học có khả thi không?” – Đưa câu hỏi này tới ông Đỗ Thanh Bình, khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người có thâm niên nhiều năm ra đề cho các kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung”, ông Bình khẳng định về mặt kỹ thuật là làm được. Các câu hỏi trong đề thi cần có 2 mức: đạt trình độ tốt nghiệp và có những câu phân hoá cao để chọn vào đại học.

Một giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã từng tham gia làm đề thi tuyển sinh môn toán chia sẻ, “Trước khi thực hiện một đề thi, các thành viên trong hội đồng ra đề sẽ phải thiết lập ma trận đề. Ma trận đề là bảng mô tả tiêu chí hai chiều của đề kiểm tra, một chiều là nội dung hay mạch kiến thức chính cần đánh giá, một chiều là mức độ nhận thức của học sinh theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Trong mỗi ma trận là chuẩn kiến thức kĩ năng chương trình cần đánh giá, tỉ lệ % số điểm cho mỗi chuẩn, mỗi cấp độ tư duy, số lượng câu hỏi và tổng số điểm cho các câu hỏi.

Mục đích của việc lập ma trận là nhằm xác định các tiêu chí cần kiểm tra đánh giá. Có được ma trận rồi người ra đề mới vận dụng để làm đề.

Vì vậy, nếu ra một đề thi cho kỳ thi quốc gia, khó nhất sẽ là việc cân đối kiến thức, làm sao vừa để tốt nghiệp, vừa phân hoá được thí sinh theo mục tiêu tuyển chọn vào đại học. Như vậy, Bộ sẽ phải đầu tư nhiều cho khâu ra đề, tập huấn giáo viên ra đề, hoặc có thể mời những nhóm chuyên gia về làm ma trận đề” - vị giảng viên này nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Hinh, Khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng việc ra đề thi nhằm 2 mục đích là “Hoàn toàn khả thi”.

Người ra đề "nặng gánh"?

Nhận xét về đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh của năm 2014, mà theo Bộ GD-ĐT việc ra đề nằm trong lộ trình cải tiến thi cử, ông Hinh cho rằng các đề thi này  quả thật đã đi theo đúng định hướng của Bộ GD-ĐT. “Tôi không khen là hay mà chỉ nói là đúng định hướng. Đúng định hướng là không ra đề theo hướng học thuộc bài nữa.

Thực ra, Bộ chỉ tự sửa cái sai của mình trước đây thôi. Vì trước đây, đề thi đại học cũng gần giống như bây giờ, chỉ khác là mỗi đề thi chỉ có một câu hỏi thôi. Chỉ từ ngày Bộ nghĩ ra cái bộ đề thi tuyển sinh thi theo kiểu văn mẫu, nó mới sinh ra như thế. Vậy nên, bảo rằng đề thi tốt nghiệp và đại học năm nay đang ở lộ trình nào thì quả là tôi không trả lời được. Tôi chỉ dám quả quyết rằng, đã đến lúc Bộ không nên thí điểm gì nhiều nữa.

Và cũng không nên quá “rùm beng” về một “trận đánh lớn” hay “nhỏ” gì nữa. Thật ra, việc học hành thi cử nó vốn bình dị thôi mà. Nếu không tự nghĩ ra được thì mình có thể học kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến khác. Cần phải tạo cho học sinh có thói quen học và thi bình thường như cuộc sống vẫn diễn ra. Chẳng cần phải cải tiến gì nữa, có chăng, chỉ nên cải tiến cách dạy và học sao cho thực chất hơn”.

Làm đề thi “ba chung”, hay làm đề thi cho kì thi quốc gia, với các thầy cô là một áp lực rất lớn. “Làm đề thi riêng cho các trường như trước “ba chung” thấy nhẹ nhàng, bởi vì ít người để ý tới, có sơ suất một chút có thể điều chỉnh trong hướng dẫn chấm. Còn khi làm đề chung cho cả nước, nhất là khi mọi thứ đều công khai ngay lập tức như bây giờ, chỉ sơ suất một tí thôi dư luận đã rất nặng nề. Vì vậy, không phải giáo viên nào cũng thích tham gia làm đề “ba chung”. Mà làm đề thi cho kỳ thi quốc gia cũng là chung, thậm chí còn khó khăn hơn vì các yêu cầu rất nhiều, nên áp lực sẽ còn lớn hơn” – ông Bình lý giải.

Với đề thi của một kỳ thi đang hướng tới, ông Hinh cũng cho rằng “ Xã hội nên bớt khe khắt với những người làm đề. Về phía mình, Bộ cũng nên coi đây là một việc làm bình thường, tự nhiên, chứ đừng nên quá “rùm beng”. Rồi tất cả sẽ trở nên bình thường khi xã hội quen dần. Làm cái gì ban đầu chả khó. “Vạn sự khởi đầu nan” mà”.

Chuyển môn thi thành bài thi - phải có thời gian

Bộ GD-ĐT cũng đang hướng tới việc ra một “bài thi” tích hợp các môn khoa học xã hội thay vì ra một đề thi cho mỗi môn như hiện nay.

Theo  ông Trần Hinh, “Đó cũng là một hướng tốt. Vì suy cho cùng thi cử cũng chỉ là một cách để kiểm tra khả năng tư duy của học trò thôi, thi cử mới chỉ là khâu đầu tiên nhằm tuyển chọn người học theo chuyên ngành nào đó cho phù hợp. Tôi biết ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang chuẩn bị một dạng bài thi theo kiểu này. Chúng ta hãy chờ xem hiệu quả của nó như thế nào”.

“Môn thi hay bài thi thì đều có những khoa học riêng. Việc ra đề kiểu gì không chỉ phụ thuộc vào mong muốn của nhà quản lý mà còn liên quan tới chương trình và SGK mới, cũng như việc triển khai. Cho học sinh tự chọn nhưng học sinh sẽ tự chọn không – là câu hỏi cần đặt ra. Quan điểm của tôi là học gì thi đó” – ông Bình chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, ông Hinh cũng muốn bày tỏ đôi chút băn khoăn của mình, với tư cách một thầy giáo đã từng có gần 40 năm dạy học. Đó là “dù có cải cách thi cử như thế nào, nếu không cải cách dạy và học cho tương hợp với thi cử thì cũng vô nghĩa. Tiếp xúc với một số học trò thi đại học vừa qua, tôi thấy các em ấy tâm sự là hồi còn học cấp 2, họ thấy môn Văn vẫn còn hấp dẫn, nhưng đến khi lên cấp 3 thì nó cứ chán dần đi. Có lẽ, đó là do từ khi lên cấp 3, việc học của học sinh chỉ tập trung duy nhất vào thi đại học. Nỗi lo lắng thi cử đã khiến họ mất dần hứng thú với việc học các môn nói chung. Bởi vậy, tôi cho rằng, chọn cách thi tích hợp một số môn gần gũi nhau về chuyên môn, sao cho nhẹ nhàng vừa phải thôi cũng là một cách tốt để học sinh không vì áp lực của thi cử mà chán học. Và thời điểm thích hợp nhất để áp dụng rộng rãi cách thi này nên trong khoảng 3 năm kể từ khi Bộ chính thức công bố rộng rãi ra bên ngoài”.

  • Ngân Anh

“Như kì thi đại học năm nay, không biết các môn khác học sinh làm bài thế nào, chứ như môn Văn, tôi và một số thầy cô khác trao đổi với nhau, là đề thi chỉ cần không ra theo văn mẫu là đa số học sinh làm bài cứ rối tung lên tất cả” – ông Trần Hinh